Báo đảng Trung Quốc nêu kinh nghiệm của nhà Thanh
Số lượng lớn các nhà bình luận trên nhiều diễn đàn mạng xã hội của Trung Quốc đã phát đi kêu gọi nước này tiến hành thống nhất đảo Đài Loan bằng vũ lực - phương án mà Bắc Kinh chưa từng loại trừ.
Dù vậy, các nhà phân tích tin rằng giới chức Trung Quốc đặt ra những suy tính lâu dài và đang cố gắng xoa dịu "cơn sốt chủ nghĩa dân tộc" hiện nay.
Tờ Thời báo học tập (Study Times) - cơ quan của Trường đảng trung ương Trung Quốc, đăng tải bài xã luận 5.000 chữ hồi đầu tháng, chỉ ra tương đồng trong cuộc chinh phục của triều Thanh đối với Đài Loan vào thế kỷ 17, nhằm nhấn mạnh tầm quan trọng của sự kiên nhẫn và hoạch định kỹ lưỡng.
Nhà Thanh, đến từ vũng Mãn Châu, đã giành được chính quyền từ tay triều Minh ở Bắc Kinh và miền Bắc Trung Quốc vào năm 1944, sau đó từng bước củng cố quyền kiểm soát Trung Quốc Đại lục trong các thập niên tiếp theo. Trong khi đó, những tàn dư cuối cùng của nhà Minh tháo chạy tới Đài Loan vào năm 1662 và chiếm được hòn đảo này sau khi trục xuất thực dân người Hà Lan.
Phân tích trên Study Times, nhà sử học Trung Quốc Deng Tao nói chính phủ Thanh đã dành thời gian 20 năm để chuẩn bị cho cuộc tấn công Đài Loan. Ông chỉ ra rằng triều đình khi đó vận dụng đồng thời các giải pháp chính trị, đối ngoại và kinh tế để đạt được mục tiêu, chứ không chỉ dựa vào quân sự.
Theo ông Deng, nhà Thanh đã tìm cách cô lập về mặt chính trị đối với những nhà cai trị của Đài Loan, đồng thời cử đại diện của Bắc Kinh lên đảo để vận động sự ủng hộ từ cộng đồng cư dân người Hán bằng cách đưa ra các ưu đãi để lôi kéo họ trở về Đại lục, bao gồm mức thuế nhẹ nhàng hơn ở Đài Loan.
Song song với đó, vua Khang Hy của Thanh tập trung xây dựng, đào tạo một hạm đội, cuối cùng đánh chiếm thành công Đài Loan vào năm 1683 và đưa hòn đảo vào bản đồ đế chế.
Một bản đồ đảo Đài Loan vào thế kỷ 18, sau khi bị chinh phục và trở thành một phần của nhà Thanh ở Đại lục (Ảnh: Handout)
Những tiếng nói đòi tấn công Đài Loan
Trong thời gian dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc và toàn cầu, nhiều nhà bình luận và cả các chỉ huy quân sự về hưu ở Trung Quốc đã kêu gọi Bắc Kinh giành lại quyền kiểm soát Đài Loan - nơi trú ngụ của lực lượng Quốc dân đảng từ sau khi thất bại trong cuộc nội chiến ở Trung Quốc năm 1949.
Một số cựu chỉ huy quân sự Trung Quốc lập luận rằng nước Mỹ - với ràng buộc pháp lý phải hỗ trợ Đài Loan phòng vệ - hiện không có khả năng thực hiện nghĩa vụ này, bởi cả 4 tàu sân bay Mỹ hoạt động ở Thái Bình Dương đều chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 bùng phát.
Tian Feilong, phó giáo sư tại Đại học Hàng không vũ trụ Bắc Kinh, kêu gọi chính phủ Trung Quốc cân nhắc sử dụng vũ lực để thống nhất Đài Loan. Ông nêu quan điểm rằng đạo luật chống ly khai được thông qua năm 2005 cho phép Bắc Kinh có thẩm quyền pháp lý để hành động như vậy.
Phân tích trên Guancha Syndicate, ông Tian nói rằng các diễn biến chính trị và xã hội ở Đài Loan đang cho thấy phương án giải quyết vấn đề một cách hòa bình là bất khả thi. Ông cho rằng các cuộc biểu tình nổ ra ở Hồng Kông từ năm ngoái cho thấy mô hình "Một quốc gia, hai chế độ" - mà Bắc Kinh kỳ vọng làm nền tảng để thống nhất Đài Loan - đã không thành công.
Các trao đổi chính thức giữa đôi bờ eo biển Đài Loan đã đóng băng từ năm 2016, sau khi bà Thái Anh Văn - thuộc đảng Dân tiến ủng hộ độc lập - thắng cử chức lãnh đạo Đài Loan. Bà Thái bác bỏ mô hình "Một Trung Quốc" làm nền tảng cho quan hệ hai bờ.
Tuy nhiên, Qiao Liang - tướng không quân Trung Quốc về hưu và được cho là một tiếng nói "diều hâu" tại nước này, tranh luận rằng hiện nay chưa phải là thời điểm tốt để giành lấy Đài Loan bằng vũ lực.
Bình luận trong bài viết đăng trên Wechat, ông Qiao cảnh báo thời điểm hiện nay là "quá mạo hiểm và cái giá quá đắt". Ông kiến nghị Trung Quốc nên chờ đợi đến khi sức mạnh kinh tế và quân sự đủ để thách thức Mỹ.
Nguồn tin của tờ Bưu điện Hoa Nam Buổi sáng (SCMP) nói rằng giới chức Đại lục vẫn kỳ vọng vấn đề Đài Loan được giải quyết hòa bình, và phần lớn người dân Đài Loan vẫn muốn duy trì hiện trạng.
"Duy trì ổn định và thịnh vượng ở Đài Loan trước và sau thống nhất vẫn là ưu tiên hàng đầu đối với Đại lục," nguồn tin nói với SCMP.
Chính quyền của lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn bác bỏ nguyên tắc "Một Trung Quốc" mà Bắc Kinh tuyên bố là nền tảng cho quan hệ hai bờ và hướng đến thống nhất (Ảnh: Reuters)
Bắc Kinh tuân theo lịch trình đã có về vấn đề Đài Loan
Lee Chih-horng, chuyên gia về quan hệ hai bờ eo biển Đài Loan tại Đại học công nghệ Nanyang, Singapore, cho rằng các ý kiến của Deng Tao và Qiao Liang thể hiện rằng nhà chức trách Trung Quốc vẫn muốn tuân theo thời gian biểu mà họ đã vạch ra cho lộ trình thống nhất với Đài Loan.
"Ban lãnh đạo Bắc Kinh hiện nay nhận ra rằng họ cần phải làm dịu cơn sốt chủ nghĩa dân tộc, khi những kêu gọi tấn công Đài Loan bằng vũ lực đã trở nên quá cảm tính, và nhiều người trên mạng xã hội Đại lục đang khuấy động chủ đề này để thu hút sự chú ý," Lee nói.
"Như ông Qiao nói, Bắc Kinh nhận thấy lúc này không phải thời điểm tốt để giành Đài Loan bằng vũ lực, song [chủ tịch Trung Quốc] Tập [Cận Bình] sẽ hướng đến một giải pháp cuối cùng để xử lý vấn đề Đài Loan."
Vào hai năm trước, Fang Bing - giáo sư Đại học quốc phòng Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc - nói với đài trung ương CCTV rằng lịch trình thống nhất Đài Loan sẽ "không bị chậm lại khi Quốc dân đảng thân Bắc Kinh lên nắm quyền, và cũng không đẩy nhanh khi đảng Dân tiến trở thành đảng cầm quyền".