Mỹ đối mặt ác mộng tại chiến trường Syria

Đặng Phương Thảo |

Một cuộc chiến chưa có điểm dừng, với sự đổi vai của các bên được coi là kẻ thù đã là quá nhiều với nước Mỹ. Do đó, Mỹ không cần một kịch bản tương tự diễn ra ở Syria, National Interest nhận định.

Cuộc chiến giành lại Raqqa - thủ đô tự xưng của IS- đang diễn ra hết sức quyết liệt, và rất nhiều lực lượng đã góp sức vào quá trình tiêu diệt nhà nước Hồi giáo tự xưng này.

Tình hình hiện nay ở Syria đang gợi nhắc lại một tình huống tương tự trước đây, tuy nhiên trong tình huống đó, sau khi tiêu diệt được kẻ thù chung, hòa bình và ổn định đã không xuất hiện như dự định mà thay vào đó là cuộc chiến giữa những bên thắng cuộc.

Điều đáng buồn đó đã diễn ra hơn hai thập kỷ trước, ở một đất nước mà Mỹ cũng đã rất cố gắng để hình thành một thể chế mới, đó chính là Afghanistan.

Sau khi Liên Xô rút lui khỏi Afghanistan năm 1989, chế độ Najibullah thân Liên Xô đã kéo dài thêm ba năm nữa trước khi bị đánh bại bởi lực lượng dân quân, được gọi chung là mujahedin. Mujahedin với sự ủng hộ của nước ngoài (có cả Mỹ) đã chiến đấu với Liên Xô trong suốt những năm 1980.

Chiến thắng của mujahedin đã mang đến một hiệp định, hay nói cách khác là sự phân chia quyền lực giữa các bên, nhưng thỏa thuận đó đã không bao giờ được thực hiện nghiêm túc.

Các lãnh chúa đã từng là đồng minh trong cuộc chiến chống lại Liên Xô và Najibullah đã xung đột lẫn nhau. Một giai đoạn mới của cuộc nội chiến Afganistan lại nổ ra. Và trong những năm sau, các cuộc chiến diễn ra một cách thường xuyên và dữ dội ở các thành phố không khác gì cuộc chiến kéo dài hàng thập kỷ chống lại Liên Xô.

Giai đoạn chiến tranh này còn xuất hiện thêm một phong trào mới của các lực lượng cực đoan tôn giáo mang tên Taliban với sự ủng hộ từ Pakistan.

Nhóm vũ trang Taliban đã lật đổ lực lượng dân quân trên gần như khắp cả nước và áp đặt sự cai trị riêng ở miền nam và miền trung Afganistan. Tất nhiên Taliban hiện nay đã bị coi là kẻ thù chính của Mỹ và đồng minh ở Afganistan.

Mỹ đối mặt ác mộng tại chiến trường Syria - Ảnh 1.

Phiến quân Taliban tại Afghanistan. Ảnh: Amnesty International UK.

Dù cho lịch sử giữa tình huống lúc đó của Afganistan và tình hình hiện nay ở miền đông Syria hoàn toàn khác biệt, nhưng National Interest đã đưa ra một số nhận xét chung về quá khứ có thể áp dụng cho hiện tại.

Thứ nhất, các bên hầu như không vạch ra kế hoạch hoặc nỗ lực giải quyết về mặt chính trị về lâu về dài thay vì mục tiêu quân sự nhất thời. Sự thiếu hụt trong khâu lên kế hoạch này ít nhất đúng trong trường hợp của Mỹ, cũng như bất kỳ nhân tố bên trong hay bên ngoài cuộc chiến nào khác.

Thứ hai là không hề có giải pháp quân sự cho những khác biệt và bất đồng xảy ra sau khi kẻ thù chung bị đánh bại. Không một lực lượng dân quân nào ở Afghanistan đủ mạnh để chiến thắng các lực lượng còn lại.

Kể cả Taliban cũng chưa bao giờ giành được quyền kiểm soát toàn bộ Afghanistan vì có một liên minh ở phía bắc vẫn tiếp tục chống Taliban.

Tại Syria, chế độ của tổng thống Assad, đặc biệt với sự hậu thuẫn của Nga và Iran, sẽ không dễ dàng bị hạ bệ. Nhưng chính quyền Assad cũng không đủ mạnh (và những nước ủng hộ Assad cũng không đủ quyết tâm) để giành quyền kiểm soát toàn bộ lãnh thổ Syria và để quét sạch mọi lực lượng chống lại chính phủ.

Thứ ba, giai đoạn mới của cuộc nội chiến phản ánh tham vọng quá lớn được kích động bởi các lực lượng trước đây từng chiến thắng chứ không phải là các mục tiêu được cân nhắc kỹ càng để biện minh cho một cuộc chiến kéo dài.

Gulbuddin Hekmatyar là đầu lĩnh thế lực nhất trong số các thủ lĩnh khát quyền lực ở Afganistan, tuy nhiên ông ta không phải là người duy nhất.

Tương tự, trong cuộc nội chiến Syria, âm hưởng của Afganistan trước đây lại dội lại trong cuộc tranh luận về chính sách của Mỹ về việc chống lại các lợi ích của Nga, Iran và chế độ Assad. Đó là một phần trong hoạt động quân sự của Mỹ và liên quân vốn lấy lý do là để chống IS.

Những vấn đề, mối đe dọa, và kẻ thù xuất hiện cuộc nội chiến bị kéo dài trong giai đoạn mới có thể sẽ mang những hình thức mới khó mà tiên đoán.

Ở Afghanistan vào năm 1992, khi chế độ Najibullah sụp đổ và thủ lĩnh các lực lượng dân quân mới chỉ bắt đầu xung đột lẫn nhau, thật khó có thể lường trước rằng Taliban nổi lên và nhanh chóng giành quyền kiểm soát.

Tương tự ở Syria, chủ nghĩa cực đoan bạo lực sinh ra từ xung đột và hỗn loạn sau khi Raqqa thất thủ có thể sẽ mang một hình thức mới nào đó thậm chí còn chưa được đặt tên.

Mỹ đối mặt ác mộng tại chiến trường Syria - Ảnh 2.

Lính đặc nhiệm Mỹ có mặt ở miền bắc Syria

Quan trọng nhất là các vấn đề sau này và các mối đe dọa về an ninh sẽ là kết quả của việc kéo dài cuộc xung đột vũ trang, chứ không phải từ việc bên nào chiến thắng hay bên nào mở rộng được tầm ảnh hưởng.

Ở Afganistan đầu những năm 1990, không phải thủ lĩnh hay lực lượng dân quân nào định hình tương lai an ninh và chính trị của đất nước này mà chính cuộc tranh giành dữ dội giữa các bên đã tạo thời cơ cho Taliban xuất hiện.

Tabliban sẽ không có cơ hội nếu như thỏa thuận chia sẻ quyền lực được tiến hành một cách nghiêm túc, trung thực và trọn vẹn. Trong khi đó ở Syria, người ta cũng có thể dễ dàng nhìn thấy kịch bản tương tự.

Cuộc nội chiến kéo dài đã tạo thời cơ cho IS trỗi dậy và đạt được những thành tựu đáng kể, chứ không phải là chế độ Assad, cũng không phải là liên quân do Mỹ dẫn đầu xúi giục lực lượng này. Do đó nếu IS bị đánh bại, những phong trào cực đoan hậu IS tương tự như ở Afganistan cũng rất dễ xuất hiện.

Mặc dù có nhiều khác biệt giữa hai cuộc nội chiến ở Afganistan và ở Syria, nhưng một kết luận lớn có thể áp dụng cho cả hai nước đó là muốn giảm thiểu các vấn đề an ninh trong tương lai đòi hỏi phải ngăn chặn leo thang và ổn định trở lại, không kéo dài cuộc chiến và chấm dứt các nhiệm vụ đáng ghê rợn.

Điều này có nghĩa là không được nhân cơ hội chiến thắng một kẻ thù để tấn công kẻ thù khác mà mình coi là đối thủ.

Từ giữa những năm 1990, một vài năm năm sau kết cục của Afganistan, Al-Qaeda đã liên minh với Taliban gây ra vụ 11/9 kinh hoàng, và sau đó Mỹ đã đem quân can dự quân sự trực tiếp vào nước này một lần nữa vào cuối năm 2001.

Đến nay cuộc chiến vẫn chưa chấm dứt. Một cuộc chiến chưa có điểm dừng, với sự đổi vai của các bên được coi là kẻ thù đã là quá nhiều với nước Mỹ. Do đó, Mỹ không cần một kịch bản tương tự diễn ra ở Syria.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại