Mới đây Mỹ đã điều động một máy bay ném bom B-1B Lancer tới căn cứ không quân Osan tại Hàn Quốc. Đây được coi là động thái nhằm đánh tín hiệu cho Triều Tiên rằng Washington sẵn sàng bảo vệ Seoul.
“Sự liên kết giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc là rất bền vững, sức mạnh đó sẽ không thể bị những hành động gây hấn của Triều Tiên đe dọa”, Trung tướng Thomas Bergeson, một trong số các tướng chỉ huy của Không quân Mỹ cho biết.
“Chúng tôi đang cho họ thấy một trong số nhiều biện pháp mà chúng tôi có thể chọn ra. Mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Hàn Quốc ngày càng được củng cố, và chúng tôi sẵn sàng hỗ trợ bảo vệ an ninh của bán đảo Triều Tiên và các khu vực xung quanh”.
Sự xuất hiện của B-1B tại căn cứ không quân Hàn Quốc ngày 21/9 là một phần trong những nỗ lực của Mỹ nhằm trấn an Hàn Quốc sau khi Triều Tiên tiến hành thử nghiệm hạt nhân lần thứ năm, đồng thời phóng thử tên lửa đạn đạo từ tàu ngầm trong những tuần gần đây. Trước đó vào ngày 13/9, một phi cơ B-1B đã bay qua bán đảo Triều Tiên, song không hạ cánh.
“Bán đảo Triều Tiên đang đối mặt với tình trạng khủng hoảng sau khi Triều Tiên tiến hành một loạt các cuộc thử nghiệm vũ khí hạt nhân mặc cho những lo ngại của cộng đồng quốc tế”, Trung tướng Lee Wang-kuen, chỉ huy Không quân Hàn Quốc phát biểu.
“Không quân hai nước Hàn Quốc và Hoa Kỳ hiểu rõ sự nghiêm trọng của tình hình và vẫn tiến hành các hình thức chia sẻ thông tin và phối hợp hoạt động trên không. Nếu đối phương kích động xung đột, chúng tôi sẽ đáp trả và vô hiệu hóa chúng”.
Máy bay B-1 được thiết kế từ những năm 1970, khi đó mang tên B-1A, có khả năng đạt tốc độ siêu thanh Mach 2 và hoạt động ở tầm cao lớn. Tuy nhiên, Tổng thống Mỹ thời đó là Jimmy Carter đã hủy bỏ dự án này và tập trung vào các chương trình phát triển tên lửa đạn đạo và nghiên cứu chế tạo phi cơ B-2 Spirit.
Đến thời Tổng thống Ronald Reagan, chương trình máy bay B-1 được khởi động trở lại vào năm 1981, và máy bay B-1B được chế tạo với hệ thống động cơ mới và thân máy bay được sửa đổi để giảm bớt tiết diện radar, khiến nó khó bị phát hiện hơn.
B-1B không còn đạt tốc độ Mach 2,0 như B-1A (tốc độ của nó chỉ đạt Mach 1,2) nhưng khả năng sống sót khi làm nhiệm vụ cao hơn rất nhiều.
Sau khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, Không quân Mỹ không còn trang bị các loại vũ khí hạt nhân cho B-1B nữa, và nó trở thành một loại oanh tạc cơ thông thường. Nó đã chứng minh khả năng của mình trên các chiến trường Iraq và Afghanistan.
Trong những năm qua, Không quân Mỹ đã lắp đặt các loại bom định hướng, hệ thống điện tử và cảm biến hiện đại để nó có thể tiếp tục làm nhiệm vụ trong tương lai.
Tuy nhiên, mặc dù được nâng cấp nhiều lần, B-1B vẫn rất khó sống sót trong một khu vực có lưới lửa phòng không dày đặc. Hiện tại, chỉ có B-2 của Không quân Mỹ mới là loại khí tài duy nhất có thể thâm nhập sâu vào khu vực của đối phương mà không bị những hệ thống phòng không hiện đại như S-300, S-400 của Nga hay HQ-9 của Trung Quốc bắn hạ.
Trong tương lai, Không quân Mỹ sẽ phụ thuộc vào máy bay ném bom tàng hình B-21 Raiders để đảm bảo oanh kích được các mục tiêu được bảo vệ nghiêm ngặt. Máy bay Raiders sẽ được đưa vào hoạt động vào khoảng năm 2030, và Mỹ mong có thể mua được tối thiểu 100 chiếc.
Nội dung được thực hiện qua tham khảo Tạp chí National Interest. National Interest được thành lập vào năm 1985. Tạp chí thường tập trung vào vấn đề chính sách đối ngoại và những lợi ích quốc gia của Mỹ.