Xe tăng Leopard 2 do Đức chế tạo. Ảnh minh hoạ: DPA
Hãng tin Reuters của Anh ngày 20/1 dẫn tuyên bố của Lầu Năm Góc cho biết họ sẽ gửi hàng trăm xe bọc thép cộng với tên lửa và đạn pháo tới Ukraine như một phần của gói hỗ trợ quân sự trị giá 2,5 tỷ USD.
Theo Bộ Quốc phòng Mỹ, gói này bao gồm 59 xe chiến đấu bộ binh Bradley, 90 xe bọc thép chở quân Stryker, 53 phương tiện chống phục kích có khả năng chống mìn và 350 phương tiện bánh lốp đa năng cơ động cao.
Hoạt động hỗ trợ mới nhất dành cho Ukraine cũng bao gồm đạn dược bổ sung cho Hệ thống tên lửa phóng loạt cơ động cao (HIMARS), 8 hệ thống phòng không Avenger, hàng chục nghìn viên đạn pháo và khoảng 2.000 tên lửa chống tăng.
Trong một diễn biến liên quan cùng ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin đã kêu gọi các đồng minh tăng cường hỗ trợ Ukraine.
Phát biểu khai mạc một hội nghị bộ trưởng quốc phòng quy tụ các đại biểu từ khoảng 50 quốc gia tại Đức, ông Austin nói: "Nga đang tái tập hợp lực lượng, tuyển mộ binh sĩ và tìm cách tái trang bị. Đây không phải là lúc giảm tốc mà là lúc tăng cường. Người dân Ukraine đang dõi theo chúng ta".
Tuy nhiên, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Mỹ không đề cập cụ thể đến việc cung cấp xe tăng trong bối cảnh sức ép đối với yêu cầu Berlin chấp thuận việc cung cấp xe tăng Leopard 2 cho Kiev đang gia tăng.
Leopard 2 là xe tăng chiến đấu chủ lực do Đức chế tạo, được trang bị cho cho quân đội các nước đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) trên khắp châu Âu và được các chuyên gia quốc phòng đánh giá là phù hợp nhất cho Ukraine.
Mục đích của Leopard 2 là để phòng thủ trước đội hình xe tăng của đối phương. Pháo 120 ly của nó có thể được sử dụng để tấn công cả mục tiêu đứng yên và di chuyển, đồng thời có thể khóa mục tiêu ngay cả khi đang di chuyển trên địa hình gồ ghề.
Leopard có thể vượt qua vùng nước sâu tới 4 mét với các thiết bị bổ sung. Khả năng bảo vệ của nó chống lại vũ khí hạt nhân, sinh học và hóa học được thiết kế để chịu được đến 48 giờ.
Cỗ xe tăng 1.500 mã lực này có tốc độ hơn 60 km/h, nhưng trọng lượng trên 60 tấn của nó luôn là vấn đề nan giải đối với các cây cầu.
Leopard đã chứng tỏ được giá trị của nó trong các hoạt động ở Afghanistan, chủ yếu nhờ khả năng bảo vệ cao trước các cuộc tấn công. Nó cũng đã được Thổ Nhĩ Kỳ triển khai ở miền Bắc Syria
Người phát ngôn Điện KremlinaDmitry Peskov. Ảnh: Reuters/TTXVN
Nhiều nước phương Tây đã lên tiếng sẵn sàng cung cấp xe tăng chiến đấu chủ lực Leopard cho Ukraine, nhưng theo quy định, Berlin có quyền phủ quyết đối với bất kỳ quyết định nào về việc xuất khẩu xe tăng Leopard.
Trong khi đó, Reuters dẫn nguồn tin quan chức chính phủ Đức cho biết Berlin sẽ cho phép gửi xe tăng do Đức sản xuất tới Ukraine để giúp quốc gia này chống đỡ trong xung đột nếu Mỹ đồng ý gửi xe tăng của chính họ.
Về phần mình, theo hãng tin AFP của Pháp, người phát ngôn Điện Kremlin nhận định phương Tây "ảo tưởng" về khả năng chiến thắng của Ukraine, cảnh báo họ sẽ không ngừng hối tiếc vì điều này.
"Chúng tôi nhận thấy tình trạng ảo tưởng chung về khả năng chiến thắng của Ukraine trên chiến trường", người phát ngôn Điện Kremlin Dmitry Peskov nói trong cuộc họp báo ngày 20/1, đồng thời cho rằng "phương Tây sẽ không ngừng hối tiếc vì ảo tưởng này".
Người phát ngôn Điện Kremlin còn cảnh báo xe tăng phương Tây viện trợ cho Ukraine sẽ không thay đổi cục diện chiến trường, cho rằng phương Tây và Ukraine đang phóng đại về tác động của các gói viện trợ quân sự.
Theo ông Peskov, “tất cả những xe tăng này đều cần bảo trì và sửa chữa…”, do đó, tạo ra nhiều thách thức hơn cho quân đội Kiev.