Mỹ có hành động 'xuống nước' nhằm hạ nhiệt căng thẳng Nga - Ukraine

Minh Thu |

Nhằm hạ nhiệt căng thẳng Nga - Ukraine, Mỹ được cho tạm hoãn chuyển giao thêm lô vũ khí 200 triệu USD cho Kiev.

Một phần trong gói hỗ trợ an ninh trị giá 60 triệu USD bao gồm vũ khí loại nhỏ và đạn dược đã được Mỹ chuyển tới Ukraine vào ngày 9/12, theo quan chức thuộc Cục Chính trị - Quân sự của Bộ Ngoại giao Mỹ. Tuy nhiên, kế hoạch chuyển giao 4 radar phản lực nằm trong gói hỗ trợ 60 triệu USD đã được lùi sang đầu năm tới.

Tổng thống Mỹ Joe Biden đã phê chuẩn gói hỗ trợ an ninh trị giá 60 triệu USD vào ngày 1/9 nhân chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky tới Nhà Trắng. Gói hỗ trợ này gồm các loại vũ khí sát thương như tên lửa chống tăng Javelin, cùng vũ khí phi sát thương, theo thông báo hôm 8/12 của phát ngôn viên Lầu Năm Góc John Kirby.

Mỹ có hành động xuống nước nhằm hạ nhiệt căng thẳng Nga - Ukraine - Ảnh 1.

Quân đội Ukraine tập trận. (Ảnh: EPA)

Theo CNN, gói hỗ trợ nhằm tăng cường năng lực phòng vệ cho Ukraine, giữa lúc các lực lượng quân sự Nga bị nghi ngờ xuất hiện gần biên giới quốc gia láng giềng. Mỹ cũng đã nhiều lần bày tỏ mối quan ngại trước thông tin trên, đồng thời tăng cường liên lạc với NATO và các đối tác châu Âu để cùng phối hợp đối phó trong trường hợp Tổng thống Nga Vladimir Putin quyết định tấn công Ukraine.

Trong năm nay, Mỹ đã chuyển giao khoảng 450 triệu USD hỗ trợ an ninh cho Ukraine bao gồm số vũ khí chuyển trong tuần này, ông Kirby cho hay. Kể từ khi Moscow sáp nhập bán đảo Crimea thuộc Ukraine vào lãnh thổ liên bang Nga vào năm 2014, Mỹ đã chuyển cho Ukraine hơn 2,5 tỉ USD gồm vũ khí.

Trong cuộc họp trực tuyến vào ngày 7/12, ông Biden đã cảnh báo ông Putin về những hậu quả mà Nga sẽ phải đối mặt nếu tấn công Ukraine. Theo đó, Mỹ đã tính tới hàng loạt lệnh trừng phạt kinh tế nghiêm khắc, một khi quân đội Nga tấn công Ukraine.

Bên cạnh chuyển giao vũ khí, quân đội Mỹ còn hỗ trợ đào tạo cho các binh sĩ Ukraine. Vào tháng 11, khoảng 150 thành viên thuộc lực lượng đặc nhiệm Gator của Vệ binh Quốc gia Florida đã được điều động tới Ukraine.

Đây là một phần trong nhóm huấn luyện chung đa quốc gia với Ukraine. Các binh sĩ đặc nhiệm Gator được điều tới Ukraine để thay thế cho Vệ binh Quốc gia Washington. Nhóm huấn luyện chung được thành lập từ năm 2015 với mục đích cải thiện năng lực phòng vệ cho Ukraine.

Ngoài nhóm đặc nhiệm Gator, Bộ Chỉ huy Chiến dịch Đặc biệt châu Âu cũng có “vai trò lớn” trong quá trình huấn luyện và cố vấn cho các lực lượng đặc nhiệm Ukraine thông qua tập trận, liên lạc và điều phối hành động “tại mọi cấp”, Lầu Năm Góc nhấn mạnh hôm 7/12.

Tuy nhiên, Lầu Năm Góc không công bố cụ thể có bao nhiêu lính đặc nhiệm Mỹ đang có mặt ở Ukraine.

“Huấn luyện cùng với các đối tác Ukraine là để xây dựng niềm tin, khả năng sẵn sàng và phát triển các mối quan hệ nhằm thúc đẩy nền hòa bình và ổn định trên khắp châu Âu”, phát ngôn viên Lầu Năm Góc Anton Semelroth nói.

Ngoài ra, Lầu Năm Góc cũng không công khai chi tiết về thời gian huấn luyện, hoạt động và triển khai quân, cũng như bất cứ sự thay đổi nào trong kế hoạch điều động để đối phó trước thông tin quân đội Nga tăng cường quân tới gần biên giới Ukraine.

Trong khi đó, theo NBC News, Mỹ đã quyết định dừng chuyển giao một gói hỗ trợ quân sự lớn cho Ukraine nhằm hạ nhiệt căng thẳng ở vùng biên giới Nga – Ukraine. Cụ thể, Nhà Trắng trước đó đã chuẩn bị cho gói hỗ trợ quân sự trị giá 200 triệu USD để chuyển cho Ukraine, nhưng hiện tạm hoãn.

Cũng theo NBC, Mỹ còn có nhiều phương án khác hỗ trợ Ukraine như gói hỗ trợ lớn hơn có thể được thông qua “trong trường hợp Nga có thêm hành động xâm chiếm”.

NBC dẫn lời 3 nguồn tin cho biết, Nhà Trắng quyết định hoãn chuyển giao các thiết bị quân sự và vũ khí cho Ukraine để tạo thêm thời gian cho các nỗ lực ngoại giao nhằm xoa dịu căng thẳng Nga - Ukraine, nhưng đồng thời “tăng mức độ hỗ trợ, nếu như Nga tấn công Ukraine”.

NBC News nói thêm "hiện không rõ gói viện trợ 200 triệu USD được đề xuất bao gồm những gì, nhưng Ukraine đã yêu cầu cung cấp các hệ thống phòng không, tên lửa chống hạm, tên lửa chống tăng Javelin, thiết bị gây nhiễu điện tử, hệ thống radar, đạn dược, đạn pháo cùng thiết bị y tế.

Thời gian qua, truyền thông và quan chức phương Tây liên tục cáo buộc Nga điều động binh sĩ và vũ khí tăng cường tới sát biên giới nhằm mục đích chuẩn bị tấn công Ukraine.

Tuy nhiên, Nga nhiều lần phủ nhận cáo buộc và khẳng định mọi hoạt động điều động quân sự là hoàn toàn vì mục đích phòng vệ và diễn ra trong lãnh thổ quốc gia nên không khiến các nước khác phải lo lắng. Song Nga cũng nhấn mạnh phương án quân sự có thể được thực hiện, nếu như Ukraine có hành động “khiêu khích”.

Còn trong cuộc điện đàm với Tổng thống Ukraine Zelensky vào ngày 9/12, ông Biden đã tiến hành thảo luận các vấn đề quân sự, cùng nhiều chủ đề khác. Tổng thống Biden một lần nữa khẳng định Mỹ ủng hộ chủ quyền của Ukraine.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại