Thông báo này có thể sẽ làm gia tăng căng thẳng trong mối quan hệ giữa Mỹ và Thổ Nhĩ Kỳ trong bối cảnh Washington đang gia tăng sức ép quyết liệt nhằm buộc Ankara phải từ bỏ hợp đồng mua S-400 của Nga.
Trong nhiều tháng qua, người ta chứng kiến Mỹ và đồng minh Thổ Nhĩ Kỳ công khai khẩu chiến với nhau về việc Ankara đặt mua các tên lửa thiện chiến S-400 của Nga – thứ vũ khí mà phương Tây miêu tả là không tương thích với các hệ thống vũ khí của NATO.
"Tôi không nói là Thổ Nhĩ Kỳ đang mua các hệ thống S-400 của Nga. Tôi đang nói rằng Thổ Nhĩ Kỳ đã mua các hệ thống phòng không S-400. Đó là một thỏa thuận đã được hoàn tất. Tôi hy vọng những hệ thống vũ khí đó sẽ được bàn giao cho đất nước chúng tôi vào tháng tới", ông Erdogan cho hay.
"Chúng tôi không cần bất kỳ sự phê chuẩn của ai trong việc đáp ứng các nhu cầu của chúng tôi liên quan đến ngành công nghiệp quốc phòng. Chúng tôi có đề nghị Mỹ bán các hệ thống phòng không cho chúng tôi hay không? Có, chúng tôi đã đề nghị, nhưng họ nói ‘không’. Chúng tôi được trả lời rằng Quốc hội Mỹ sẽ không để điều đó xảy ra”, ông Erdogan nhấn mạnh.
Sau Thổ Nhĩ Kỳ, Nga cũng lên tiếng khẳng định thêm một lần nữa về độ chắc chắn của hợp đồng S-400 giữa hai nước. Moscow cho hay, nước này có kế hoạch bàn giao các hệ thống tên lửa S-400 cho Ankara vào tháng Bảy tới.
Những phát biểu trên của phía Nga và Thổ Nhĩ Kỳ được đưa ra sau khi Mỹ gia tăng sức ép mạnh mẽ nhằm phá hợp đồng S-400. Hôm 10/6, Mỹ đã chính thức tung đòn trừng phạt đầu tiên nhằm vào hợp đồng S-400 của Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
Cụ thể, các phi công Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không còn được tiếp nhận chương trình huấn luyện bay với chiến đấu cơ F-35 tại căn cứ không quân Luke ở Arizona của Mỹ. Mỹ hy vọng với đòn thẳng tay này, họ có thể khiến đồng minh phải nhụt chí trong quyết tâm theo đuổi mục tiêu mua các tên lửa S-400 của Nga.
Như vậy, đòn trừng phạt đầu tiên của Mỹ đã không có tác dụng. Phia Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều khẳng định sẽ tiếp tục thúc đẩy thực hiện hợp đồng S-400.
Thổ Nhĩ Kỳ đã chỉ trích hành động của đồng minh Mỹ, nói rằng đó là điều không đi đúng với tinh thần của liên minh NATO.
Với những gì đang diễn ra, Mỹ rõ ràng đã hết hy vọng trong việc phá bỏ hợp đồng S-400 giữa Nga và Thổ Nhĩ Kỳ.
S-400 Triumph là thế hệ tên lửa chiến thuật hiện đại nhất của Nga và cũng là một trong những loại tổ hợp tên lửa phòng không hiện đại nhất thế giới hiện nay. Nó là thứ vũ khí phòng không được rất nhiều nước thèm muốn. S-400 được phát triển và cải tiến từ hệ thống tên lửa phòng không S-200 và S-300. NATO gọi S-400 của Nga bằng cái tên SA-21 Growler.
S-400 có khả năng tiêu diệt mục tiêu ở độ cao từ 5m đến 27km trong phạm vi 400km. Những mục tiêu mà tên lửa S-400 có thể tiêu diệt là các thiết bị bay, tên lửa có cánh kích thước nhỏ và tên lửa hỏa tiễn có tầm hoạt động không quá 3.500km và tốc độ bay tối đa 4,8 km/s.
S-400 Triumph có thể tác chiến trong mọi điều kiện địa hình, thời tiết, trong môi trường có nhiễu cường độ mạnh và chế áp điện tử cao. Một trong những đặc tính khiến S-400 trở thành hệ thống tên lửa độc nhất vô nhị trên thế giới là nó có khả năng cùng lúc giám sát 300 mục tiêu khác nhau và bắn hạ 36 mục tiêu chỉ bằng một lần phóng.
Hệ thống S-400 của Nga gần đây gây khó chịu cho Mỹ và phương Tây khi hàng loạt nước, trong đó có nhiều đồng minh của phương Tây, tìm đến Nga với mong muốn có được thứ tên lửa có sức mạnh đáng nể này.