Mỹ bồi thêm đòn đau vì Tân Cương, chặn cửa Trung Quốc ở châu Âu

H.Bình |

Các nhà lập pháp Mỹ sẽ xem xét 2 dự luật về hàng hóa do lao động cưỡng bức từ Tân Cương – Trung Quốc làm ra vào tuần tới, theo lời của Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi hôm 18-9.

Bà Nancy Pelosi cho biết một dự luật sẽ hạn chế nhập khẩu và một dự luật yêu cầu các công ty Mỹ công bố thông tin về chuỗi cung ứng.

Chủ tịch Hạ viện Mỹ nhấn mạnh: "Nếu chúng tôi từ chối lên tiếng về nhân quyền ở Trung Quốc vì lợi ích thương mại, thì chúng tôi sẽ mất mọi thẩm quyền đạo đức để nói về nhân quyền ở bất kỳ nơi nào trên thế giới".

Mỹ và các nước khác đang gây áp lực lên Trung Quốc về việc họ đối xử với người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương. Liên Hiệp Quốc ước tính hơn 1 triệu người Duy Ngô Nhĩ bị bắt giữ tại các trại cải tạo ở Trung Quốc.

Tuy nhiên, Bắc Kinh phủ nhận cái gọi là trại cải tạo cũng như cáo buộc ngược đãi, khẳng định người Duy Ngô Nhĩ vào các trung tâm giáo dục nghề nghiệp này là hoàn toàn tự nguyện.

Trong khi đó, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đang có kế hoạch tổ chức cuộc đối thoại đầu tiên về Trung Quốc với Cao ủy phụ trách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU) Josep Borell.

Đối thoại giữa EU và Mỹ về Trung Quốc sẽ diễn ra thường xuyên, dự kiến sẽ bắt đầu sớm nhất là trong tháng này.

Thông tin này do một nhà ngoại giao cấp cao của EU hé lộ hôm 18-9. Đó là một động thái sẽ khiến Trung Quốc lo lắng khi nước này cố gắng ngăn cản việc xây dựng một mặt trận thống nhất xuyên Đại Tây Dương chống lại Bắc Kinh.

Mỹ bồi thêm đòn đau vì Tân Cương, chặn cửa Trung Quốc ở châu Âu - Ảnh 1.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tại Nhà Trắng đầu tuần này. Ảnh: EPA-EFE

Tuy nhiên theo tờ South China Morning Post, động thái EU tổ chức các cuộc đàm phán với Washington về Trung Quốc nếu được xác nhận vào ngày 21-9, sẽ có hiệu lực chỉ một tuần sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình chủ trì hội nghị thượng đỉnh đầu tiên với hai nhà lãnh đạo hàng đầu của EU: Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel và Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen.

Một nhà ngoại giao châu Âu nhận định động thái này gửi một tín hiệu mạnh mẽ tới Bắc Kinh rằng EU ngày càng lo ngại về Trung Quốc, không ngại chia sẻ các thông tin về Bắc Kinh với cả chính quyền Tổng thống Donald Trump, vốn không được coi là thân thiện với EU.

Trước đó, ý tưởng về một cuộc đối thoại chung từng được ông Josep Borell đề xuất vào tháng 6 khi ông Pompeo tham gia một cuộc họp trực tuyến với ông và 27 ngoại trưởng.

Thời điểm đó, ông Borrell cho biết: "Có những vấn đề mà chúng ta phải đối mặt cùng nhau liên quan mối quan hệ với Trung Quốc và sự hợp tác chặt chẽ giữa các bên rất quan trọng để giải quyết thách thức hiện tại, bao gồm tình hình ở Hồng Kông".

Mỹ bồi thêm đòn đau vì Tân Cương, chặn cửa Trung Quốc ở châu Âu - Ảnh 3.

Hồi năm 2019, Trung Quốc và Ý đã ký kết Biên bản ghi nhớ về Sáng kiến Vành đai và Con đường cùng hơn 20 thỏa thuận hợp tác song phương trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Ảnh: China Daily

Theo báo chí Ý, ông Pompeo cũng dự kiến sẽ đến thăm Ý, Vatican và 4 nước châu Âu khác, nhằm ngăn cản Ý chấp nhận đầu tư của Trung Quốc vào các cảng trong khuôn khổ sáng kiến "Vành đai và Con đường", cũng như gia tăng thêm tiếng nói với Tòa thánh, nơi đã chứng kiến mối quan hệ ấm dần với Bắc Kinh.

Các nhà ngoại giao hàng đầu của Mỹ và Trung Quốc đã tăng tốc thúc đẩy việc tham gia vào EU ở thời điểm mà nơi này được cả hai bên rất để mắt đến, nhất là trong lúc sự cạnh tranh ngày càng căng thẳng về ảnh hưởng kinh tế, công nghệ và địa chính trị.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại