Một ủy ban độc lập gồm 13 thành viên do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thành lập cam kết đặt ra những câu hỏi hóc búa liên quan đến cách thế giới ứng phó một đại dịch xuất hiện cách đây chưa đầy 1 năm nhưng đã cướp đi sinh mạng của 1 triệu người. Ủy ban bao gồm một cựu thủ tướng, một người đoạt giải Nobel và các chuyên gia y tế.
"Chúng tôi sẽ chất vấn về việc liệu WHO và các chính phủ đã có thể phản ứng khác đi như thế nào nếu biết những gì chúng ta hiện đã biết về Covid-19" - cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark, đồng chủ tịch ủy ban điều tra, chia sẻ.
Bà Clark được bổ nhiệm để dẫn dắt Ủy ban điều tra độc lập về cách chuẩn bị và ứng phó Covid-19 (IPPPR) cùng người từng đoạt giải Nobel Ellen Johnson-Sirleaf, cựu tổng thống Liberia. Họ đã chọn 11 thành viên còn lại của ủy ban, trong đó có chuyên gia Covid-19 hàng đầu Trung Quốc Zhong Nanshan, cựu Đại sứ Mỹ Mark Dybul và cựu Bộ trưởng Y tế Ấn Độ Preeti Sudan.
Cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark. Ảnh: Reuters
Theo giới chuyên gia, mặc dù ủy ban trên nhận được sự ủng hộ chính trị, hiện viễn chưa rõ liệu họ sẽ quyết liệt đến đâu để giải đáp những câu hỏi liên quan đến công tác ứng phó Covid-19 của thế giới.
"Phạm vi và hạn chế" của ủy ban vẫn đang được xem xét, cựu giám đốc phụ trách Hợp tác và Chính sách nghiên cứu của WHO Tikki Pangestu khẳng định.
"Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là ủy ban cung cấp một nền tảng độc lập không thiên vị WHO hay bất cứ nước thành viên nào của họ, hy vọng là như thế" – ông Pangestu nói thêm
Trong một diễn biến riêng biệt, WHO tuyên bố sẽ dẫn dắt một nhóm quốc tế đến Trung Quốc để điều tra nguồn gốc của đại dịch Covid-19, được phát hiện lần đầu tiên tại TP Vũ Hán hồi cuối năm ngoái.
WHO từng bị cáo buộc "bao che" Trung Quốc giữa lúc đại dịch lây lan diện rộng. Mỹ, nhà viện trợ chính của WHO, kể từ đó tuyên bố sẽ rút khỏi tổ chức này, đồng thời cáo buộc tổ chức này đang bị Trung Quốc thao túng và không làm tròn trách nhiệm.
Theo chuyên gia Adam Kamradt-Scott của Trường ĐH Sydney (Úc), ủy ban độc lập nêu trên nhiều khả năng không điều tra gắt gao hành động nội bộ của bất cứ quốc gia nào, bởi điều này nằm ngoài phạm vi của một cuộc điều tra quốc tế. Tuy nhiên, "việc các nước đã hành động như thế nào để ngăn chặn, kiểm soát hay góp phần gia tăng sự lây lan của Covid-19 ra toàn thế giới" có thể được đưa ra "mổ xẻ".
Điều này có thể bao gồm việc xem xét kỹ lưỡng thời điểm giới lãnh đạo Trung Quốc biết về Covid-19 và báo cáo cho WHO hoặc tác động an ninh y tế đến từ quyết định của Mỹ về việc ngừng viện trợ WHO vì những lo ngại liên quan đến Trung Quốc, theo ông Kamradt-Scott.
Trong khi đó, chuyên gia Yanzhong Huang của Hội đồng Đối ngoại New York (Mỹ) khẳng định "sẽ không ngạc nhiên nếu báo cáo cuối cùng bao gồm những nhận xét thẳng thắn liên quan đến công tác chống dịch của WHO, Trung Quốc và Mỹ. Dù vậy, mọi chỉ trích đều mang tính xây dựng".