Mỹ bỏ cấm vận vũ khí, Việt Nam sẽ nâng cấp và tái biên chế F-5E?

Hải Dương |

Theo một số báo cáo, sau năm 1975, Không quân Nhân dân Việt Nam đã thu được 87 tiêm kích F-5A/B cùng với 27 chiếc F-5E/F từ tay Không quân Việt Nam Cộng Hòa.

Điểm rất đáng chú ý của số F-5 chiến lợi phẩm trên là những chiếc thuộc biến thể F-5E/F Tiger II đều là hàng vừa được lắp ráp, chiếc ít nhất mới có 9 giờ bay trong khi nhiều nhất chỉ là 24 giờ hoạt động trên bầu trời.

Các máy bay tiêm kích F-5A/B/E/F đã đóng góp vai trò rất quan trọng trong hai cuộc chiến tranh biên giới, đặc biệt là ở chiến trường Campuchia, khi giáng cho quân Khmer Đỏ những đòn chí tử từ trên không.

Tuy nhiên kể từ giữa thập niên 1980, do thiếu phụ tùng thay thế mà những "Con hổ" đã buộc phải ngừng hoạt động và rút khỏi biên chế chiến đấu.

Một cặp F-5E của Việt Nam đã được chuyển đến Đông Âu để tiến hành các đánh giá kỹ thuật. Hiện tại chiếc có số khung 73-00878 đang được trưng bày tại Bảo tàng Hàng không ở Prague, Cộng hòa Czech, trong khi chiếc khác (73-00852) nằm ở Bảo tàng Hàng không Krakow, Ba Lan.

Theo trang mạng joebaugher.com, Việt Nam đã bán lại vài chiếc F-5E/F cho Iran và Ethiopia, một số F-5 khác thuộc phiên bản A/B thì được chuyển giao cho các bảo tàng trong nước.


Tiêm kích F-5E của Việt Nam trưng bày tại Bảo tàng Hàng không Krakow của Ba Lan

Tiêm kích F-5E của Việt Nam trưng bày tại Bảo tàng Hàng không Krakow của Ba Lan

Như vậy, căn cứ vào số lượng thu được và đã đưa ra nước ngoài, khả năng cao là Việt Nam vẫn còn đang niêm cất bảo quản một phi đội F-5E/F. Do số giờ bay dự trữ còn rất nhiều, khi được cung cấp phụ tùng, chúng hoàn toàn đủ khả năng quay lại phục vụ.

Nếu Mỹ đồng ý dỡ bỏ cấm vận vũ khí cho Việt Nam ngay trong chuyến thăm của Tổng thống Obama cuối tháng này, Việt Nam có thể tính tới việc phục hồi và nâng cấp F-5E/F theo mô hình mà Thái Lan đã thực hiện.

Với gói nâng cấp của Công ty Elbit Systems (Israel), F-5E/F sẽ trở thành tiêm kích đa năng nhờ radar điều khiển hỏa lực EL/M-2032 có tầm trinh sát 150 km, hỗ trợ thiết lập bản đồ độ phân giải cao trong chế độ không đối đất.

Bên cạnh đó, phi công còn được trang bị mũ bay tích hợp hệ thống hiển thị và ngắm bắn mục tiêu DASH IV, cho phép tấn công nhanh đối phương bằng tên lửa không đối không Python-5 và Derby.

Radar EL/M-2032, mũ bay DASH IV cùng với tên lửa Derby và Python-5 sẽ giúp cho F-5E/F có khả năng không chiến ngoài tầm nhìn cũng như tấn công mục tiêu mặt đất, mặt nước một cách hiệu quả.


Tiêm kích F-5F nâng cấp của Không quân Hoàng gia Thái Lan mang tên lửa Python-5

Tiêm kích F-5F nâng cấp của Không quân Hoàng gia Thái Lan mang tên lửa Python-5

Sau khi trải qua quá trình hiện đại hóa, sức mạnh của F-5E/F được đánh giá ngang bằng với nhiều tiêm kích thế hệ 4. Với chi phí chỉ vào khoảng 5 triệu USD, đây là phương án nên được quan tâm trong điều kiện Việt Nam đang rất thiếu tiêm kích nhẹ và ngân sách còn hạn hẹp.

F-5E/F nâng cấp chắc chắn vượt trội Su-22 ở tất cả các thông số, thời hạn sử dụng ước tính trên 10 năm, đây sẽ là giải pháp tình thế cho Không quân Nhân dân Việt Nam trong khi chờ đợi được trang bị một loại tiêm kích nhẹ thuộc thế hệ 4+ tiên tiến hơn.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại