Tuyên bố rút Mỹ khỏi thỏa thuận hạt nhân Iran năm 2015, Tổng thống Donald Trump đang cố gắng làm tê liệt nền kinh tế phụ thuộc vào dầu của Iran, buộc Tehran không chỉ bỏ tham vọng hạt nhân và chương trình tên lửa đạn đạo mà còn hỗ trợ vấn đề quân đội ở Syria, Yemen, Lebanon cũng như những khu vực Trung Đông khác.
Trước đó, Tổng thống Iran Hassan Rouhani nói Iran sẽ tiếp tục bán dầu dù Washington phát động “chiến tranh kinh tế”. Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif nói sự bắt nạt của Mỹ đang phản tác dụng và khiến Washington trở nên cô lập hơn.
Mỹ cam kết ngăn chặn tất cả hoạt động mua bán dầu thô Iran trên toàn cầu, nhưng hiện tại có 8 “khách hàng” được miễn trừ bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Italia, Hy Lạp, Đài Loan và Thổ Nhĩ Kỳ.
Họ có thể tiếp tục nhập khẩu dầu Iran mà không bị trừng phạt. Xuất khẩu dầu thô đóng góp vào một phần ba doanh thu của chính phủ Iran.
“Hơn 20 quốc gia nhập khẩu đã ngừng nhập khẩu dầu thô, khiến lượng dầu thô trên thị trường giảm hơn 1 triệu thùng mỗi ngày” – Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo trả lời phóng viên. “Chính phủ Iran từ tháng 5 đến nay đã mất hơn 2,5 tỷ USD doanh thu dầu.” – ông nói.
Ông Pompeo cho biết quy định miễn trừ được ban hành cho những người đã cắt giảm mua dầu thô Iran trong vòng 6 tháng qua và quy định nhằm đảm bảo một thị trường cung cấp dầu đầy đủ. Lệnh miễn trừ sẽ có hiệu lực 180 ngày.
Tổng thống Donald Trump cũng nói muốn làm chậm lại các lệnh trừng phạt do lo ngại gây ra bất ổn giá trên toàn cầu. “Tôi có thể khiến xuất khẩu dầu Iran bằng không ngay lập tức nhưng điều đó sẽ gây sốc cho thị trường. Tôi không muốn làm tăng giá dầu” – ông trả lời các phóng viên trước khi bay đến một sự kiện chiến dịch.
Theo Reuters, xuất khẩu dầu Iran đạt 2,8 triệu thùng mỗi ngày hồi tháng 4, bao gồm 300.000 thùng dầu ngưng tụ mỗi ngày, một dạng nhẹ hơn của dầu. Xuất khẩu tổng thể giảm xuống còn 1,8 triệu thùng mỗi ngày, theo cơ quan tư vấn năng lượng Wood Mackenzie.