Trong tuyên bố được phát đi ngày hôm qua (6/12), Lầu Năm Góc cho biết, Mỹ và các đồng minh đã thực hiện một chuyến bay “đặc biệt” qua bầu trời Ukraine theo Hiệp ước Bầu trời Mở để thể hiện sự đoàn kết với Kiev sau vụ đụng độ hải quân xảy ra ở Eo biển Kerch.
Cùng với đó, CNN dẫn ba nguồn tin chính phủ đưa tin, quân đội Mỹ đã đề nghị Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo cho chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ về ý định của họ trong việc đưa tàu chiến đi vào Biển Đen – nơi vốn được xem là sân sau của Nga.
Tuy nhiên, chính phủ Mỹ không thảo luận về bất kỳ biện pháp đáp trả về quân sự nào đối với vụ đụng độ giữa Hải quân Nga và các tàu Ukraine ở Biển Azov, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu liên quân Mỹ - Tướng Joseph Dunford cho biết.
"Ngay lúc nào, không có bất kỳ cuộc thảo luận nào diễn ra liên quan đến khía cạnh quân sự trong đòn đáp trả của chúng tôi đối với vụ việc ở Biển Azov," ông Dunford hôm qua cho biết trong bài phát biểu công khai tại thủ đô Washington Post.
Những phát biểu trên được đưa ra sau khi một tàu khu trục của Mỹ đã xuất hiện ở ngoài khơi bờ biển của Nga, gần căn cứ của Hạm đội Thái Bình Dương của Nga ở Vladivostok. Đây là lần đầu tiên Mỹ có động thái như vậy kể từ sau cuộc Chiến tranh Lạnh. Một chiếc tàu khác của Mỹ được cho là cũng sẽ sớm đi vào Biển Đông.
Phát biểu mới nhất của vị quan chức quân sự hàng đầu của Mỹ chắc chắn sẽ khiến Kiev chưa kịp vui mừng đã phải thất vọng bởi trước đó không ít người tin rằng, việc Mỹ đưa tàu chiến vào khu vực gần Nga và Ukraine là cách Mỹ trấn an đồng minh sau khi Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko bày tỏ sự bất mãn trước việc các đồng minh phương Tây của họ chưa có hành động cụ thể gì với Nga sau vụ việc xảy ra ở Biển Azov.
Đến thời điểm này, có thể thấy chính quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng như Liên minh Châu Âu (EU), NATO không mấy mặn mà trong việc can thiệp sâu vào cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine hiện giờ.
Ngoài những lời chỉ trích và lên án hành động của Nga, hiện tại, Tổng thống Trump mới chỉ phản ứng với cuộc khủng hoảng Nga-Ukraine bằng việc hoãn cuộc gặp với người đồng cấp Putin bên lề hội nghị thượng đỉnh G-20 mới diễn ra. Trong khi đó, về phía EU, có tin liên minh này sắp gia hạn thời gian thực hiện các biện pháp trừng phạt nhằm vào Nga thêm một năm nữa.
Trong khi đó, Tổng thống Ukraine Poroshenko muốn phương Tây tung thêm các biện pháp trừng phạt Nga và tăng cường sự hiện diện quân sự ở những khu vực xung quanh biên giới Nga.
Cuộc đối đầu mới nhất giữa Nga và Ukraine được châm ngòi từ cuộc đụng độ hải quân cách đây một tuần khi các tàu của lực lượng bảo vệ bờ biển Nga nổ súng vào các tàu của Ukraine. Nga tuyên bố họ phải sử dụng vũ khí để ngăn chặn các tàu của Ukraine đi vào vùng lãnh hải của Nga ở Biển Đen.
Các tàu hải quân của Ukraine gồm tàu ‘Berdiansk’, ‘Nikopol’ và ‘Yany Kapu’ cùng với 24 thủy thủ trên tàu đã bị bắt giữ vì vi phạm vùng lãnh hải của Nga, FSB cho biết trong một tuyên bố được phát đi ngày 25/11.
Các tàu này đã phớt lờ “yêu cầu hợp pháp” của Nga đòi họ dừng hoạt động xâm phạm lãnh hải của Nga. Không những thế, các tàu của Ukraine còn tiếp tục “có những động thái nguy hiểm” và các tàu của Nga đã buộc phải nổ súng để ngăn chặn đối phương, Cơ quan An ninh Liên bang Nga (FSB) xác nhận.
Hải quân Ukraine cáo buộc Nga nổ súng vào hạm đội tàu của họ, làm bị thương ít nhất 6 thủy thủ và bắt giữ ba tàu của họ ở khu vực gần tuyến đường biển then chốt nằm ngoài khơi bán đảo Crimea.
Vụ việc trên đã đẩy cao căng thẳng giữa Nga và Ukraine lên mức cao nhất kể từ sau khi Moscow tiến hành sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014.
Trong một diễn biến mới nhất, Lãnh sự quán Ukraine tại Nga đã có cuộc gặp với 3 thủy thủ của tàu hải quân Ukraine bị bắt giữ ở vùng lãnh hải Nga hồi tháng trước, Ngoại trưởng Ukraine Pavlo Klimkin cho biết. Kiev cùng phương Tây đang đòi Moscow phóng thích các tàu và thủy thủ Ukraine nhưng Nga kiên quyết không chấp nhận.