Ttạp chí National Defense cho biết, Lầu Năm Góc đang khẩn trương đẩy nhanh kế hoạch đẩy nhanh kế hoạch xuất khẩu tàu chiến ven bờ LCS cho đồng minh thân cận tại Đông Nam Á và Trung Đông. Thương vụ bán hàng quốc tế đầu tiên cho lớp tàu LCS của Lockheed Martin có thể diễn ra trong vòng dưới một năm.
"Có hai khách hàng tiềm năng đã phân bổ ngân sách để mua các tàu chiến của chúng tôi", ông Joe North, Chủ tịch hệ thống tàu tuần duyên của Lockheed cho biết. Ông này nói thêm rằng các khách hàng sẽ phải tham gia một quá trình đàm phán kéo dài nếu muốn đạt được thỏa thuận mua tàu LCS, nhưng từ chối tiết lộ danh tính của các khách hàng tiềm năng.
Còn theo tạp chí quốc phòng Jane's của Anh thì các khách hàng tiềm năng sẽ mua tàu LCS của Mỹ là những nước ở khu vực Đông Nam Á và Trung Đông, với tổng số dự kiến 14 tàu LCS sẽ được xuất khẩu. Trong đó, khách hàng tiềm năng đầu tiên đang xem xét mua 8 tàu và một khách hàng khác đã phân bổ ngân sách để mua 6 tàu.
Hiện tại, công ty Lockheed Martin đang thúc đẩy chương trình phát triển biến thể tàu LCS Freedom quốc tế, được gọi là tàu chiến đa năng (MCS). Công ty này đã bị Bộ Quốc phòng Mỹ giáng một đòn choáng váng sau khi tuyên bố cắt giảm tổng số tàu LCS ở cả 2 loại là Freedom và Independence (do Austal USA chế tạo) sẽ được mua từ 52 xuống còn 32 chiếc. Trong đó, Lockheed bị cắt giảm mất 10 chiếc Freedom.
Theo tiết lộ của Lockheed, biến thể tàu chiến đa năng MCS của họ sẽ có chiều dài từ 89 - 140m, lượng giãn nước 1.800 - 3.500 tấn và sẽ được tích hợp một phiên bản xuất khẩu của hệ thống chiến đấu Aegis. Mô hình thiết kế biến thể chiến hạm tuần duyên quốc tế MCS từng được công ty Lockheed Martin giới thiệu tại một số triển lãm hải quân.
Trong khi đó, các khách hàng quốc tế tiềm năng lại được cho là muốn có một tàu LCS chuyên thực hiện nhiệm vụ kháng mìn, chống ngầm và tác chiến mặt nước, họ ít quan tâm đến khả năng tác chiến đa năng mà thay vào đó là lắp đặt các hệ thống thiết bị cố định.
"Họ (các khách hàng) cũng không quan tâm tới tốc độ của tàu", ông North nói. Do vậy, công ty của ông đang tìm kiếm những quốc gia sử dụng tàu chạy ở tốc độ từ 28 đến 35 hải lý/h. Trong khi đó Hải quân Mỹ yêu cầu LCS phải đạt tốc độ tối đa lên tới 40 hải lý/h.
Ông North cũng cho biết thêm rằng, Lực lượng Phòng vệ bờ biển Nhật Bản cũng đang xem xét LCS, mặc dù họ cũng đang có một dự án thiết kế tương tự cho riêng mình.
Truyền thông Mỹ còn cho rằng, Lockheed Martin đang tham gia trong thương vụ đấu thầu cung cấp các tàu chiến LCS phiên bản quốc tế cho Hải quân Hoàng gia Thái Lan (RTN), trong đó còn có cả sự cạnh tranh của hàng loạt đối thủ khác tới từ Đức, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Việc hàng loạt khách hàng quan tâm đến tàu LCS và Mỹ chuẩn bị xuất khẩu lớp chiến hạm này được cho là thông tin khá bất ngờ bởi hiện tại, cùng với tiêm kích F-35, lớp tàu LCS đang bị chính người Mỹ coi là kẻ vô dụng đắt tiền.