Lý do là khi tài khoản Weibo chính thức của Cục Phát triển Du lịch Hàn Quốc quảng bá "tinh hoa văn hóa ẩm thực truyền thống Hàn Quốc", họ đã tuyên bố rằng không nên bỏ qua "đại tiệc cung đình Mãn - Hán toàn tịch" của Hàn Quốc, đồng thời đăng kèm các bức ảnh cho thấy "các món ăn cung đình được lưu truyền từ triều đại Joseon" (triều đại kéo dài hơn 500 năm từ 1392 đến 1910 trong lịch sử Hàn Quốc).
Ảnh chụp màn hình bài viết quảng bá du lịch trên mạng xã hội Weibo của Cục Phát triển Du lịch Hàn Quốc (bài viết sau đó đã bị xóa).
Vào tối ngày 11/4, Cục Phát triển Du lịch Hàn Quốc đã đăng một bài viết trên Weibo với chủ đề "Đến Hàn Quốc làm sao không nếm thử đại tiệc cung đình 'Mãn – Hán toàn tịch' của Hàn Quốc".
Cục Phát triển Du lịch Hàn Quốc còn đăng kèm 7 hình ảnh đồ ăn, bao gồm nhiều loại gia vị, cũng như các món ăn được bày biện tinh tế, có cá, tôm, thịt và cơm...
Cục Phát triển Du lịch Hàn Quốc cho biết: "Những món ăn cung đình được lưu truyền từ triều đại Joseon này chắc chắn là tinh hoa của văn hóa ẩm thực truyền thống Hàn Quốc"… "Mỗi món ăn đều được lựa chọn nghiêm ngặt từ những nguyên liệu tươi ngon theo mùa, và được chế biến bởi bàn tay đỉnh cao của Dae Jang Geum [một đầu bếp kiêm ngự y nổi tiếng trong bộ phim dã sử cùng tên của Hàn Quốc], mới có thể xuất hiện trên bàn ăn của các vương công quý tộc"…
Theo Wikipedia, "Mãn-Hán toàn tịch" hay đại tiệc cung đình Mãn - Hán tương truyền là một đại tiệc lớn được tổ chức trong 3 ngày với 6 bữa tiệc, kết hợp hơn 300 món ăn đặc sắc của người Mãn và người Hán, được bắt nguồn từ thời nhà Thanh ở Trung Quốc và ban đầu là một bữa tiệc mừng thọ tuổi 66 của vua Khang Hy.
Viện bảo tàng Văn hóa Ẩm thực Đạo Hương mô phỏng toàn cảnh đại tiệc "Mãn - Hán toàn tịch" tại nhà hàng ở Hong Kong (Trung Quốc) năm 1977. Ảnh: Wikipedia
Sau đó, theo trang tin "Người quan sát", chuyện này đã trở thành một chủ đề nóng trên Weibo. Một số cư dân mạng Trung Quốc cho rằng, việc quảng bá văn hóa ẩm thực Hàn Quốc tất nhiên không có vấn đề gì, nhưng các thuật ngữ mà Cục Phát triển Du lịch Hàn Quốc sử dụng, đặc biệt là "đại tiệc cung đình 'Mãn – Hán toàn tịch' của Hàn Quốc" có thể gây ra hiểu nhầm.
Đài Phát thanh Nhân dân Trung ương Trung Quốc (CNR) trước đây từng dẫn lời đại diện của Bảo tàng Cố cung (cơ quan quản lý Tử Cấm Thành) giải thích rằng "Mãn – Hán toàn tịch" không thực sự tồn tại trong triều đại nhà Thanh.
Theo "Người quan sát", có một cách giải thích khác rằng, vào thời vua Càn Long của nhà Thanh, nhà văn Lý Đấu đã viết về một thực đơn trong tác phẩm "Dương Châu họa phảng lục", mô tả chi tiết về một bữa tiệc thịnh soạn với tên gọi là "Mãn – Hán toàn tịch". Theo khảo cứu của nhà nghiên cứu văn hóa Vĩ Minh Hoa, "Mãn – Hán tịch" từng là một món ăn chính thức ở Dương Châu - một thành phố thuộc tỉnh Giang Tô, miền đông Trung Quốc.
Theo Wikipedia, "Bát trân" (tức là 8 món ăn quý) trong "Mãn - Hán toàn tịch" bao gồm:
Bát trân (8 món ăn quý trên cạn): bướu lạc đà, chân gấu, não khỉ, hươu sừng, ốc vòi voi, bào thai báo, đuôi tê giác, gân hươu.
Hải bát trân (8 món ăn quý dưới nước): tổ yến, vi cá, đại ô sâm, cá tầm, bao tử cá, bào ngư, hải cẩu, cẩu ngư.
Cầm bát trân (8 món chim quý): nhàn hồng, sếu trắng, chim cút, thiên nga, đa đa, chim công, chim cu gáy, chim ưng đầu đỏ.
Thảo bát trân (8 món thảo mộc quý): nấm đầu khỉ, mộc nhĩ trắng, nấm báo mưa, nấm lư oa, nấm bụng dê , nấm hương, hoa hiên vàng, nấm Vân Hương Tín.