phong thủy cổ đại cho rằng, vạn vật từ vô cực rồi sinh ra lưỡng nghi, tạo thành hai thứ đối lập là âm và dương. Hai thứ này tồn tại trong mọi thực thể, tuy đối lập nhưng không triệt tiêu nhau mà dựa vào nhau để tồn tại và phát triển.
Trong gia đình đàn ông là dương, đàn bà là âm. Một gia đình chỉ thuần âm hoặc thuần dương thì khí không thể hóa. Vì thế, đàn ông và đàn bà phải ở với nhau để sinh sôi nảy nở, làm điểm tựa cho nhau kiến thiết cuộc đời.
Bên cạnh những nhiệm vụ chung để xây dựng gia đình thì mỗi người được phân một vai khá rõ rệt trong chính căn nhà của mình. Theo quy luật âm dương thì: Dương là những thứ cao lớn, nổi trội, dễ nhìn, dễ đếm như công danh, của cải, vật chất - đó là việc của "đàn ông xây nhà".
Còn Âm là những gì kín đáo, âm thầm, khó đo lường bằng định tính như sự đồng cảm, lòng thứ tha, sự quan tâm, sự bình yên hay niềm hạnh phúc - đó là việc của "đàn bà xây tổ ấm".
Mọi thứ nhà cao cửa rộng, xe sang, chức lớn, tiền nhiều đều thể hiện công sức và thành tựu của người đàn ông. Nhưng có lẽ họ không thể đạt được đến mức đó, hoặc những thứ đó đều trở nên vô nghĩa nếu đằng sau không có bàn tay lo toan, sắp xếp của người đàn bà.
Tất nhiên, trong một xã hội rộng lớn, có một tỉ lệ nhỏ "đổi vai" và điều đó càng chứng tỏ năng lực toàn diện của những người phụ nữ.
Khi chồng coi vợ là phong thủy trong nhà, chăm sóc quan tâm tới vợ thì gia đình sẽ rất hạnh phúc, giàu có.
Như một sự mặc định, phần lớn phụ nữ coi bếp núc là công việc của mình.
Theo phong thủy, bếp liên quan trực tiếp đến người phụ nữ trong nhà
Ngoài ra còn ảnh hưởng đến sức khỏe và tiền bạc. Bếp đúng chỗ, đúng hướng thì phụ nữ đảm đang, mạnh khỏe, trở thành hậu phương vững chắc cho chồng, có thể sinh con nối dõi tông đường. Bếp sai chỗ, sai hướng thì chị em vất vả lầm than, khó mà tròn được đạo nhà.
Đàn bà quản bếp là quản luôn sự tồn vong, suy thịnh của dòng tộc, vì thế các ông chồng cần có sự đánh giá đúng mực vai trò của vợ, nhất là trong chuyện bếp núc.
Thiên chức làm mẹ mang tính chất của hành Thổ. Thổ âm thầm chịu đựng, Thổ tàng chứa sản sinh, Thổ chở che nâng đỡ, Thổ hiền lành bao dung... Ngần ấy đặc tính của Thổ cũng là bấy nhiêu đặc tính của người mẹ.
Thổ vượng thì Mộc có điểm tựa mà vươn lên. Mộc là phẩm cách, là khuôn vàng thước ngọc, là gia phong của một gia đình. Thổ suy thì Mộc héo, gia phong cũng từ đó mà sút giảm.
Thổ vượng thì Kim sinh, làm cho của cải dồi dào.
Thổ suy thì Kim tiết, gia cảnh bần hàn.
Muốn làm cho Thổ vượng thì người mẹ trong nhà phải mạnh khỏe, vui tươi, hạnh phúc. Đó là cái gốc của tế bào xã hội.
Phụ nữ còn là người vợ, người yêu, người tình của cánh mày râu. Cơ thể phụ nữ có cấu tạo bởi các đường cong hình chữ S, rất giống với quỹ tích vận động của trường khí trong vũ trụ. Những hung sát trong phong thủy khi gặp những vật thể hình chữ S đều được hóa giải, biến hung thành cát.
Bởi thế, người xưa đã đúc kết "gái mà đáy thắt lưng ong" tức là hình thể chữ S giống cái hồ lô, thì "vừa khéo chiều chồng, lại khéo nuôi con", biết cách ái tình, lại tốt giống, nhiều sữa và giỏi chăm con nhỏ.
Trong chuyện tình ái, ngũ hành thuộc Hỏa. Một người đàn bà được chồng chu đáo chăm lo ái tình thì hành Hỏa sẽ vượng. Hỏa vượng sẽ sinh Thổ - và Thổ là gốc của gia phong. Nếu người chồng không để ý thì Hỏa suy, tình cảm gia đình sẽ lạnh nhạt.
Sự đồng hành của âm dương sẽ ngày một xa nhau, cuối cùng sẽ sinh nhiều bệnh tật, sự khổ tâm và cô độc trong chính căn nhà mình.
Một người đàn ông lấy vợ hợp tuổi, nhất là tương sinh thì có thể sớm được thành công vì hai tuổi đó mang lại phúc khí cho nhau, giúp cả hai dễ dàng đạt được thành tựu trong sự nghiệp. Bởi thế mới nói "phụ nữ là phong thủy trong nhà" kể cũng không sai. Và khi người chồng coi vợ là phong thủy, chăm sóc quan tâm tới vợ thì gia đình sẽ rất hạnh phúc, còn giàu có hơn khi vợ tương sinh với chồng.