Trẻ con hồi còn nhỏ thì đứa nào cũng dễ thương lắm, trắng trẻo, ngây thơ và tinh nghịch. Lớn hơn một chút, khi đến tuổi đi học ta thấy chúng bỗng thay tính đổi nết, lúc nào cũng ham chơi, nghĩ đủ trò để tránh né việc ngồi vào bàn.
Con tôi cũng thế, đã có 1 thời gian tôi stress nặng nề vì cháu không hứng thú chút nào với việc học, tôi dùng đủ mọi cách cũng chỉ làm cháu khóc lóc xin mẹ... tha mà thôi.
Bàn mới, sách vở mới, dẫn cháu đi thực tế, mua quà rồi phần thưởng đủ cả nhưng cháu không màng gì hết. Tôi bất lực.
Dạy như không dạy, mẹ đã biết chưa? (Ảnh minh họa)
Một lần, tôi đến nhà chị bạn chơi, cốt để xem cách chị dạy con học bài thế nào mà các cháu chăm đến thế, lại rất hứng thú với chuyện học hành. Nhưng sự thật là chị không hề dạy, chị có cách của riêng chị.
Mẹ không học, sao lại bắt con học?
Mỗi ngày tôi đi làm hơn 10 tiếng ở công ty, tối về nấu cơm, cho các con ăn rồi đi ngủ, dọn dẹp nhà cửa là mệt nhoài.
Cuối tuần thì tôi lại tổng vệ sinh nhà cửa, cho các con đi chơi, tranh thủ đi chợ mua đồ cho 7 ngày sắp tới. Kể từ ngày sinh con, tôi không đọc nổi 2 cuốn sách trong vòng mấy năm trời.
(Ảnh minh họa)
Những năm đầu đời, con sống với bố mẹ nhiều nhất, tiếp xúc với bố mẹ phần lớn thời gian trong ngày. Trẻ con lại rất giỏi bắt chước, bố mẹ nói năng, cư xử với nhau thế nào thì chúng học theo như vậy.
Tôi không đọc sách, cũng chẳng viết lách, cũng không học một điều gì mới mẻ. Con tôi sao có thể tự nhiên mà thích học được đây?
Chị bạn tôi có cách dạy con thế này: Khi còn nhỏ thì chị đọc sách cho con nghe, tối nào cũng đọc. Sáng sớm, hai mẹ con lại gọi nhau dậy sớm để hát hò, tập thể dục. Khi bé lớn hơn, chị giao kèo phải giúp mẹ xong mọi việc trước 9 giờ để mẹ còn học bài.
Khi thì chị học đan len, khi thì chị học tiếng Pháp, muốn đổi gió thì chị học làm bánh... Chị luôn cho con thấy rằng mẹ thích học, mẹ học mọi thứ mẹ thích. Dần dà con cũng bị cuốn vào với mẹ, chúng tự động tìm đến những thứ mới mẻ để học mà không bị ép buộc gì cả.
Đừng bao giờ giới hạn con
Giới hạn là do chính mình, đừng tự tay thui chột con, mẹ nhé! (Ảnh minh họa)
Tôi luôn mong con giỏi toán, giỏi tiếng Anh, nhảy múa hát ca điêu luyện như các bạn. Nhưng chị bạn tôi lại quan niệm ngược lại: Cứ cái gì con thích mà con giỏi hẳn lên là được.
Cháu có thể là học sinh trung bình môn Toán nhưng là cá nhân xuất sắc môn thủ công, cháu có thể chẳng ham mê lắm môn thể dục nhưng lại yêu đến đắm đuối môn mỹ thuật. Với chị, thế là đủ.
Nếu tôi đặt nặng môn này mà coi nhẹ môn khác, run rủi thay khả năng và sở thích của cháu lại ở môn khác đó thì có phải tôi đã thui chột tương lai của con hay không?
Tôi nài ép con học, nhưng tôi lại chẳng biết cháu có phù hợp không thì liệu có ích gì? Giới hạn của con hóa ra lại do chính bố mẹ khoanh lại, tôi không muốn tình yêu con lại biến thành áp lực như thế.
Hãy cho con được sai
Mỗi người có 1 năng lực đặc biệt, mẹ hãy tin ở con nhé! (Ảnh minh họa)
Lũ trẻ rất cứng đầu và nghịch ngợm. Chúng nghĩ đủ mọi cách để đi ngược lại với lời khuyên của bố mẹ. Tôi dặn con phải cẩn thận con dao sắc, thì chắc chắn thằng bé sẽ thò tay vào để thử.
Tôi nhắc con trời lạnh thì kiểu gì nó cũng cởi áo ra chơi đóng vai với các bạn. Tôi bảo đi giày vậy là sai rồi, kiểu gì nó cũng giữ y nguyên thì thôi.
Thời gian đầu tôi rất điên đầu vì con ương bướng quá. Tôi cứ nghĩ sau này cháu còn dậy thì, còn yêu đương, đi làm thì tôi biết nói sao để cháu nghe đây? Tôi nói mà con không nghe, vậy tôi sẽ không nói nữa!
Tôi để thằng bé bị đứt tay do nghịch dao, để nó bị cảm do trời lạnh, để nó bị ngã do đi trái giày, để nó bị cô phạt vì nói chuyện.
Sau mỗi lần con bị "gậy ông đập lưng ông" tôi sẽ ngồi nói chuyện với con, để con thấy lỗi sai là do chính mình, con làm đau chính mình thì con phải chịu.Thế là từ đó cháu thôi hẳn trò ăn vạ, ngưng khóc lóc ỉ ôi đổ lỗi cho người khác.
Học gì cũng vậy, từ kiến thức sách vở cho đến kỹ năng sống, mẹ chỉ cần nhớ 3 nguyên tắc này thôi thì bé nào cũng sẽ yêu việc học một cách tự nhiên như hơi thở, mẹ cứ nhàn tênh mà chẳng bao giờ phải hò hét mệt mỏi nữa đâu!