Mục đích thực sự của Triều Tiên đe dọa dùng vũ lực đáp trả Hàn Quốc

Hồng Anh |

Chỉ trong vòng chưa đầy 1 tuần, Triều Tiên liên tục đe dọa thực hiện hành động quân sự đối với Hàn Quốc, gây leo thang căng thẳng giữa 2 nước.

“Cuộc tấn công tâm lý toàn diện”

Cách đây 2 năm, thế giới đã được chứng kiến Hội nghị Thượng đỉnh lịch sử Mỹ-Triều tại Singapore. Đây là lần đầu tiên một Tổng thống Mỹ đương nhiệm gặp mặt nhà lãnh đạo Triều Tiên.

Hiện giờ, khi Tổng thống Donald Trump đang phải đối phó với các cuộc khủng hoảng trong nước, Triều Tiên và Hàn Quốc lại tiếp tục rơi vào một cuộc chiến ngoại giao gay gắt, khiến triển vọng hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên ngày càng xa vời.

Ngày 13/6 vừa qua, bà Kim Yo Jong, Phó trưởng ban thứ nhất của Ủy ban Trung ương đảng Lao động Triều Tiên và là em gái nhà lãnh đạo Kim Jong Un, cho biết bà đã yêu cầu quân đội chuẩn bị tiến hành các biện pháp “kế tiếp” để trả đũa Hàn Quốc.

Lời đe dọa được đưa ra sau khi một nhóm các nhà hoạt động, trong đó có cả người Triều Tiên đào tẩu sang Hàn Quốc, rải truyền đơn mang thông điệp chỉ trích lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un qua biên giới. Trước đó vài ngày, Bình Nhưỡng thông báo sẽ cắt đứt mọi đường dây nóng liên Triều và đóng cửa 1 văn phòng liên lạc giữa hai chính phủ.

Theo truyền thông nhà nước Triều Tiên, động thái này nhằm trả đũa việc Hàn Quốc đã không nỗ lực ngăn chặn các "hành động thù địch", vi phạm thỏa thuận hòa bình song phương.

Mới nhất hôm nay (16/6), truyền thông Triều Tiên cho biết nước này đang xem xét kế hoạch đưa quân đội vào khu vực phi quân sự ngăn cách giữa hai miền.

Nhằm cứu lấy cơ hội mong manh về khôi phục lại các cuộc đàm phán hòa bình với Triều Tiên, Hàn Quốc đã thực thi hành động pháp lý đối với những người vi phạm Đạo luật Hợp tác và Trao đổi liên Triều, nhưng nỗ lực này dường như chưa xoa dịu được cơn giận của Triều Tiên.

Một số nhà quan sát cho rằng, căng thẳng liên quan đến vụ rải truyền đơn chỉ là một “làn khói mỏng” che giấu những vấn đề đã ăn sâu bám rễ trong quan hệ liên Triều bấy lâu nay.

Vẫn chưa rõ hành động quân sự nào mà Triều Tiên sẽ thực hiện, nhưng những lời lẽ đe dọa nêu trên cho thấy Bình Nhưỡng đang phát động một “cuộc tấn công tâm lý toàn diện” đối với Hàn Quốc, đưa quan hệ liên Triều quay trở lại trạng thái đối đầu khắc nghiệt. Bình Nhưỡng từng cảnh báo Seoul tránh xa vấn đề hạt nhân của nước này và không can dự vào quan hệ Mỹ-Triều.

Đâu là mục đích thực sự của Triều Tiên?

Theo giới quan sát, có nhiều lý do khiến Triều Tiên liên tiếp đưa ra những lời đe dọa đối với Hàn Quốc.

Cây bút Tong Kim của tờ Korea Times nhận định, có nhiều dấu hiệu cho thấy Triều Tiên đang phải đối mặt với những khó khăn về kinh tế do các biện pháp trừng phạt của Mỹ và Liên Hợp Quốc, đặc biệt là trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 hoành hành.

Đối với Triều Tiên, việc đưa ra những tuyên bố đối đầu với Hàn Quốc có thể phục vụ mục tiêu kép: chuyển sự chú ý ra khỏi các vấn đề nội bộ và củng cố sự đoàn kết của người dân để hỗ trợ vai trò lãnh đạo của Chủ tịch Kim Jong Un.

Edward Howell, một giảng viên về chính trị và chuyên gia về Bắc Triều Tiên tại Đại học Oxford thì cho rằng, Triều Tiên có lẽ đã cảm thấy thất vọng bởi sự thiếu tiến triển trong việc hàn gắn quan hệ ngoại giao với Mỹ và Hàn Quốc:

“Đã 2 năm trôi qua kể từ khi Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều lần 1 diễn ra tại Singapore vào năm 2018, tiếp đến là rất nhiều Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều khác, Triều Tiên đã thu được rất ít lợi ích, xét theo quan điểm của nước này. Điều đó được chứng minh qua những tuyên bố gần đây của bà Kim Yo-jong. Bình Nhưỡng có vẻ sẽ theo đuổi cách tiếp cận ngày càng cứng rắn hơn với Hàn Quốc và Mỹ. Họ không muốn khiên cưỡng bước vào một cuộc đối thoại nếu không đạt được kết quả thực tế”.

Theo nhà phân tích Edward Howell, mầm mống của sự bất mãn có thể đã nảy sinh từ cuộc gặp Thượng đỉnh lần 2 giữa Tổng thống Trump và nhà lãnh đạo Kim Jong Un vào tháng 2/2019, khi Triều Tiên muốn Mỹ dỡ bỏ các trừng phạt và cung cấp các đảm bảo an ninh để đổi lấy việc nước này sẽ từ bỏ chương trình hạt nhân, nhưng Mỹ lại muốn điều ngược lại.

Sự thất vọng được thể hiện rõ rệt trong vòng một vài tháng sau khi Triều Tiên nối lại các vụ thử tên lửa tầm ngắn.

Andray Abrahamian, một học giả tại Đại học George Mason của Hàn Quốc cho rằng, rất khó đoán định chính xác về chiến lược và động cơ hiện tại của Triều Tiên.

“Có rất nhiều hành động của Triều Tiên bị chi phối bởi các yếu tố nội bộ, trong đó có cả giới tinh hoa hay các nhân vật chính trị thông thường. Nhìn bên ngoài, chúng ta có xu hướng đánh giá cao những lời giải thích mang tính chiến lược vì chúng ta có thể tạo ra một câu chuyện hay từ đó. Các yếu tố nội bộ thường bị che khuất vì vậy chúng ta không thể kết hợp chúng vào việc lý giải dòng sự kiện đang diễn ra”.

Điều khiến Triều Tiên không hài lòng là việc Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in không sẵn sàng đẩy lùi sự phản đối của Mỹ đối với các dự án hợp tác liên Triều.

“Bình Nhưỡng dường như đang tạo ra một chút khủng hoảng có trật tự, có lẽ để mang đến khoảnh khắc đột phá khác. Những giai đoạn khủng hoảng đã từng giúp thúc đẩy tiến trình ngoại giao trên Bán đảo Triều Tiên trong quá khứ”, ông Abrahamian cho biết.

Một số chuyên gia cho rằng Triều Tiên dường như đang sử dụng vấn đề rải truyền đơn để tăng sức ép lên Hàn Quốc, nhằm tạo đòn bẩy trong bối cảnh các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa đang bị đình trệ.

“Vấn đề rải truyền đơn chỉ là cái cớ để Bình Nhưỡng tạo ra một cuộc khủng hoảng và lợi dụng căng thẳng gây sức ép với Seoul nhằm đạt được những gì họ muốn”, Duyeon Kim, cố vấn cấp cao của International Crisis Group cho biết.

Theo nhà phân tích Duyeon Kim, Triều Tiên cảm thấy “bị lừa dối” trước dự đoán mà Hàn Quốc đưa ra rằng Mỹ sẽ dỡ bỏ một số biện pháp trừng phạt đổi lấy việc Bình Nhưỡng đóng cửa lò phản ứng hạt nhân.

Nước này cũng thất vọng khi chứng kiến sự tiếp diễn hoạt động rải truyền đơn và các cuộc tập trận chung Mỹ -Hàn. “Triều Tiên có lẽ rất buồn khi Hàn Quốc không làm gì để thay đổi tình hình và một lần nữa muốn cảnh báo Seoul hãy tránh xa các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Mỹ và Triều Tiên”.

Cùng chung quan điểm này, Kim Dong-yub, nhà phân tích của Viện Nghiên cứu Viễn Đông Seoul cho biết:

“Triều Tiên đã cố gắng tìm ra cái cớ để thể hiện sự không hài lòng và mất lòng tin với Hàn Quốc. Trong trường hợp này là vụ rải truyền đơn. Tôi không cho rằng mâu thuẫn giữa 2 bên có thể được dàn xếp một cách ổn thỏa dù cho chúng ta có giải quyết được vấn đề rải truyền đơn”.

Theo ông Kim Dong-yub, tuyên bố của Triều Tiên cũng thể hiện quyết tâm sẽ không nhượng bộ trong các cuộc đàm phán hạt nhân./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại