Theo báo Nga, Hải quân Việt Nam có kế hoạch đặt mua tàu cứu hộ Project 21300S - loại tàu có lượng giãn nước lên tới 5.000 tấn. "Việt Nam có thể sẽ đặt mua tàu cứu hộ Project 21300S. Trước đó, Ấn Độ cũng đã bày tỏ ý định này", theo tờ Izvestia.
Nguồn tin cho biết thêm, đầu tháng 10/2016, phía Việt Nam đã yêu cầu nhà sản xuất Nga cung cấp thông tin về giá cả về và thông số kỹ thuật của tàu Project 21300S.
Trước khi xuất hiện thông tin này, hồi tháng 8/2016, tàu Igor Belousov thuộc Project 21300S của Hạm đội Thái Bình Dương (Nga) đã có chuyến thăm hữu nghị tại Cam Ranh, Việt Nam và Ấn Độ.
Theo nguồn tin, hiện nay, các chuyên gia quân sự Nga đang chuẩn bị hồ sơ chào hàng. Thư liên quan đã được phía Việt Nam gửi đến vào đầu tháng 10/2016. Trong thư có đặt vấn đề về giá cả của thương vụ tiềm năng, cũng như cấu hình trang bị của các tàu. Dự kiến, sau khi chuyển câu trả lời và phía Việt Nam nghiên cứu, đàm phán chính thức sẽ bắt đầu, nguồn tin cho hay.
Tàu cứu hộ ngầm Igor Belousov.
Tuy nhiên, truyền thông Nga cho biết, ban đầu Việt Nam khá dè dặt đối với ý tưởng mua tàu cứu hộ đại dương, với lí do là tính cấp thiết chưa cao và giá thành lên tới trăm triệu USD. Nhưng sau đó không rõ vì lí do gì mà Việt Nam đã xem xét lại lập trường của mình.
Các chuyên viên Nga cho rằng, việc Hà Nội đột nhiên “tái quan tâm” đến các tàu thuộc lớp này bởi cấu hình của nó có tính linh hoạt cao, không chỉ có khả năng cứu hộ tàu ngầm viễn dương, mà còn nổi bật về khả năng nghiên cứu khoa học hải dương.
Được biết, các tàu cứu hộ tàu ngầm lớp Delphin có chiều dài khoảng 98m, chiều ngang rộng hơn các tàu khác một chút để có thêm không gian lắp đặt thiết bị, khiến nó có lượng giãn nước lên tới 5.000 tấn, thủy thủ đoàn gồm 97 người (có thể chở thêm 120 người).
Igor Belousov có đầy đủ các phương tiện kỹ thuật như máy ảnh, thiết bị đo đạc tiếng âm thanh tầng nước sâu và hệ thống sonar cảm biến tàu ngầm, thiết bị thông tin điều hướng để kết nối với bất kỳ tàu ngầm ở độ sâu nào, cung cấp oxy trong các bình nén khí để duy trì sự sống cho thủy thủ đoàn.
Trên tàu có máy phát điện công suất lớn và các thiết bị cứu hộ, bao gồm thiết bị lặn cá nhân; tàu lặn có và không người lái nước sâu tiên tiến, có khả năng giảm áp và điều khiển xa; cần cẩu, các cánh tay máy để phục vụ công tác cứu hộ. Ngoài ra, tàu còn có khả năng mang theo một trực thăng cứu hộ hạng nặng.
Theo ông Boltenkov, Hải quân Việt Nam đang rất cần những tàu cứu hộ hiện đại cho hạm đội 6 tàu ngầm Project 636 lớp Varshavyanka (tức lớp Kilo) của mình, trong trường hợp cần tiếp cận tàu ngầm khi xảy ra sự cố. Sang năm 2017, Việt Nam sẽ vận hành đầy đủ 6 tàu ngầm loại này.
Tuy nhiên, vị chuyên gia Nga cũng nhận định rằng, có thể Việt Nam sẽ mua các phiên bản xuất khẩu của loại tàu này, với cấu hình đơn giản, ví dụ như không có các thiết bị lặn ở độ sâu lớn, dùng ở các vùng biển sâu trên thế giới như trên tàu Igor Belousov.
Ngoài chức năng cứu hộ, con tàu có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ chuyên sâu về nghiên cứu khoa học đại dương ở độ sâu lớn, ví dụ như khả năng đo đạc, quan trắc thủy văn rất tốt; được trang bị tàu lặn sâu tối tân và thiết bị chuyên dụng để nghiên cứu địa mạo đáy biển, luồng lạch các vùng biển và các dòng hải lưu.
Những tính năng này có ưu thế rất lớn trong việc giúp Việt Nam thu thập chứng cứ khảo cổ và củng cố thêm tư liệu để chứng minh chủ quyền của đất nước trên Biển Đông. Do đó, việc Việt Nam tiếp tục quan tâm đến tàu này là điều không có gì khó hiểu.
Trước những thông tin được truyền thông Nga đăng tải, hiện Bộ Quốc phòng Việt Nam và Cơ quan liên bang về hợp tác kỹ thuật quân sự Nga vẫn không đưa ra bình luận về những thông tin này.