Đại tá Patrick Seiber, người phát ngôn Lục quân Mỹ, hôm 6-2 cho biết thương vụ mua 2 hệ thống Iron Dome sẽ giúp đáp ứng nhu cầu trong ngắn hạn về việc bảo vệ binh sĩ từ những mối đe dọa như rốc-két, đạn pháo…
Hiện chưa có quyết định về địa điểm triển khai hệ thống này. Ngoài ra, ông Seiber nói thêm quân đội Mỹ sẽ đánh giá những lực chọn khác liên quan đến một hệ thống có thể được sử dụng trong dài hạn.
Theo tuyên bố của Bộ Quốc phòng Israel, quân đội Mỹ cho Tel Aviv biết đã quyết định mua Irone Dome để phục vụ nhu cầu tức thì. Trong khi đó,Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu gọi thỏa thuận là "thành tựu lớn" nước này, cũng như là bằng chứng mới nhất về sự tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ.
Không quân Israel bắt đầu vận hành Iron Dome từ năm 2011, thường xuyên ngăn chặn các vụ tấn công bằng rốc-két từ Dải Gaza và những nơi khác.
Hệ thống Iron Dome do Công ty công nghệ quốc phòng Rafael Advanced Defense Systems (Israel) phát triển với khoản đầu tư 429 triệu USD của Mỹ.
Với tầm hoạt động từ 4-70 km, hệ thống được thiết kế để dùng tên lửa đánh chặn bắn hạ rốc-két và đạn pháo ngay từ trên không. Mỗi một khẩu đội có radar để xác định mục tiêu, bên cạnh một bệ phóng tên lửa di động.
Đáng chú ý là hệ thống này dễ dàng vận chuyển và thiết lập - một quá trình chỉ mất vài giờ. Giới chức Mỹ và Israel cho biết tỉ lệ đánh chặn thành công của hệ thống ở biên giới Gaza là 90%. Một số công ty quốc phòng Mỹ, như Raytheon Co, cung cấp một phần tên lửa đánh chặn được hệ thống sử dụng.
Hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot. Ảnh: Reuters
Hệ thống vũ khí Phalanx. Ảnh: Quân đội Mỹ
Quân đội Mỹ thường triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa Patriot của mình để bảo vệ căn cứ khỏi những vụ tấn công tên lửa tầm ngắn. Riêng ở Iraq, lực lượng Mỹ còn sử dụng hệ thống vũ khí Phalanx (do Tập đoàn Raytheon của Mỹ sản xuất) có thể bắn lại các rốc-két và đạn pháo đang phóng tới.
Dù vậy, theo một số chuyên gia, việc mua một hệ thống phòng thủ tên lửa Israel có thành tích ấn tượng như Iron Dome, rốt cuộc Mỹ có thể đã thừa nhận về những thiếu sót trong năng lực phòng thủ tên lửa của mình.