Hoang mạc lan rộng nhiều nơi, ruộng đồng khô héo, người dân mất kế sinh nhai. Bệnh tật cũng theo đó xuất hiện. Nguyên nhân được cho là Trái đất đang ấm lên với tốc độ quá nhanh, khí thải độc hại chủ yếu từ nhiên liệu hóa thạch đã nung nóng bầu khí quyển.
Ngày 16/8/2023, nhóm các nhà nghiên cứu thuộc Liên đoàn Khoa học Mỹ công bố tình hình hạn hán trên thế giới. Đáng chú ý, nghiên cứu cũng cho biết, 70 nghìn năm trước một trận hạn hán nặng nề nhất đã xảy ra ở châu Phi. Từ đó lịch sử phát triển loài người thay đổi.
Để đưa con đến bệnh viện ở Rajshahi (Bangladesh), một gia đình phải đi hơn 16km băng qua mảnh đất khô hạn
Ảnh hưởng trực tiếp tới vận mệnh loài người
Sau khi nghiên cứu mẫu thổ nhưỡng lấy từ dưới đáy hồ Malauy, hồ Đông Phi và hồ Gana, các nhà khoa học đã đi đến kết luận châu Phi phải hứng chịu một thời kỳ hạn hán dai dẳng và đã thay đổi hoàn toàn. Hồ Malauy dài gần 550km, chỗ sâu nhất sâu 700m đã bị khô cạn, chỗ sâu nhất chỉ còn không quá 200m.
Tình trạng khô kiệt ấy đã tạo ra nạn hạn hán tại Lục địa đen kéo dài. Điều đó có thể là một trong những nguyên nhân dẫn đến việc tổ tiên của con người hiện đại rời bỏ châu lục này và phân tán đi khắp thế giới. Những ai còn ở lại châu Phi thì phải có sức khỏe cực kỳ dẻo dai mới có thể chịu đựng được những khắc nghiệt do hạn hán gây ra.
“Những thảm họa thời xa xưa, trong đó có hạn hán đã ảnh hưởng trực tiếp tới vận mệnh loài người” - M.Landres, nhà dân tộc học Mỹ nhận xét.
Cũng theo vị chuyên gia này, loài người đã từng trải qua và sống sót sau những đợt hạn hán vô cùng khốc liệt. Ở thời hiện đại, trước hết phải kể đến thời điểm năm 2012 khi gần 20 triệu người ở 8 quốc gia Tây Phi đã phải đối mặt với hạn hán khủng khiếp, khiến cây trồng chết hàng loạt, dịch hạch bùng phát, xung đột vũ trang giữa các phe phái bùng nổ. Điều đó đẩy người dân lâm vào nạn đói. Đây được coi là một trong những thảm cảnh tồi tệ nhất hành tinh trong những năm gần đây.
Kênh đào ở Venice (Italy) khô cạn. Ảnh: REUTERS.
Còn tại Ethiopia, từ năm 1983-1985, cũng xảy ra nạn đói tồi tệ do một đợt hạn hán khắc nghiệt khiến hơn 400.000 người tử vong. Vào năm 2011, tại Đông Phi, hạn hán gây ra một cuộc khủng hoảng lương thực trầm trọng khắp Somalia, Djibouti, Ethiopia, Kenya đe dọa cuộc sống của hơn 10 triệu người.
Năm 2014, nhiều nơi ở Tây Ban Nha bị hạn hán cường độ cực cao. Valencia và Alicante là 2 trong những khu vực tồi tệ nhất bị ảnh hưởng. Theo cơ quan khí tượng của nước này, trong vòng 150 năm qua chưa từng ghi nhận một đợt hạn hán dữ dội như vậy.
Tại Australia, từ năm 1982-1983 cũng xảy ra hạn hán, bắt đầu vào mùa thu năm 1982 với sự thiếu hụt lượng mưa nặng nề, lượng nước ở thượng nguồn sông Murrumbidgee và các hồ chứa khắp miền đông nam Australia giảm đến mức chưa từng có. Vào năm 1941, tại Trung Quốc, hạn hán tàn phá mùa màng, hậu quả là gần 2 triệu người đã chết. Còn tại Brazil, năm 2015, một đợt hạn hán kéo dài nhất từng được ghi nhận trong vòng 80 năm, bao gồm cả khu vực đô thị của Sao Paulo và Rio de Janeiro.
Hạn hán làm cạn kiệt nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu, gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến sản xuất nông nghiệp của nhiều quốc gia. Hậu quả là sản lượng và nguồn cung cấp lương thực bị đe dọa, một lượng lớn dân số trên trái đất đang và sẽ chịu cảnh đói khát. Hạn hán còn tác động to lớn đến môi trường, kinh tế, chính trị - xã hội và sức khỏe con người. Đó cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, bệnh tật thậm chí là chiến tranh do xung đột nguồn nước.
Theo các nhà sinh vật học, hạn hán tác động đến môi trường, hủy hoại các loài động - thực vật, các nhóm quần cư hoang dã, làm giảm chất lượng không khí, nước, làm cháy rừng, xói lở đất. Các tác động này kéo dài và trong nhiều trường hợp không khôi phục được.
Hạn hán ở Madagascar khởi đầu cho một nạn đói. Nguồn: Bloomberg.
Những dòng sông cạn kiệt
Mùa hè năm 2022 và 2023, châu Âu là một trong những lục địa chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu khi nhiệt độ tăng vọt. Đáng chú ý, nắng nóng gây khô hạn, làm cạn kiệt nhiều dòng sông ở châu Âu, dẫn tới cảnh báo hạn hán tồi tệ nhất 500 năm.
Tờ Guardian mô tả, Loire - con sông dài nhất nước Pháp chưa bao giờ chảy chậm như nửa đầu tháng 8/2023, ở nhiều nơi người ta có thể đi bộ băng qua sông. Còn sông Rhine cạn nước nên sà lan khó đi lại hơn và ở Italy mực nước sông Po thấp hơn bình thường 2m.
Trong vòng tháng 6 và 7/2023, khắp Tây, Trung và Nam Âu không có một trận mưa nào đáng kể. TS Andrea Toreti (Trung tâm Nghiên cứu chung của Ủy ban châu Âu) cho biết, khô hạn khắp châu Âu là điều rất rõ ràng và “hình như tình trạng này không thể đảo ngược trong tương lai”. Còn theo Viện Thủy văn liên bang Đức (BfG) thì nước sông Rhine ngày một cạn, cho thấy sự nguy hiểm cận kề.
Sông Rhine là một kênh quan trọng đối với hoạt động vận chuyển ở châu Âu, nhưng con sông này nay là một cơn ác mộng với ngành vận tải do lòng sông nhô lên khiến các con tàu phải vất vả vượt qua bằng cách len lỏi quanh một loạt chướng ngại vật, mặc dù đã phải hạ tải khoảng 30%.
Tại Italy, sông Po đổ vào biển Adriatic. Sông có độ dốc lớn, tạo ra dòng chảy xiết. Thông thường, lũ lụt kinh hoàng là một vấn đề gây lo ngại với con sông này. Nhưng nay sông Po rất khác khi rơi vào đợt hạn hán tồi tệ nhất trong vòng 70 năm, lượng nước giảm tới 61% .
Một vấn đề lớn là hàng triệu người dựa vào sông Po để kiếm sống (với khoảng 300.000 trang trại), chủ yếu là thông qua nông nghiệp. Khoảng 30% thực phẩm của Italy được sản xuất dọc theo sông Po, một số mặt hàng xuất khẩu nổi tiếng nhất của đất nước này, như pho mát Parmesan nổi tiếng được sản xuất ở đây.
Cũng ở Italy, thành phố Venice nơi vấn đề lụt lội thường là mối bận tâm lớn, nay lại đối mặt tình trạng các kênh đào cạn nước. Legambiente - tổ chức môi trường lớn nhất của Italy cho rằng khô hạn là nguyên nhân chính dẫn đến hiện tượng bất thường đó.
Hãng truyền thông CNN cho rằng, cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra đang khiến thời tiết ngày càng khắc nghiệt. Điều này không chỉ ảnh hưởng đến các con sông mà còn ảnh hưởng đến những người sống dựa vào sông. Nhiều người trên hành tinh phụ thuộc vào các con sông dù là gián tiếp hay trực tiếp. Con người sử dụng sông để lấy nước uống, tưới tiêu, sản xuất điện hay vận chuyển hàng hóa.
Theo mô tả của CNN, sông Colorado (miền tây nước Mỹ) đang khô cạn ở hai bên bờ và hẹp dần. Con sông được duy trì bởi 2 trong số các hồ chứa lớn nhất Mỹ và để bảo vệ lưu vực sông. Chính phủ Mỹ đã thực hiện cắt nước bắt buộc và yêu cầu các bang đưa ra các kế hoạch hành động bổ sung. Hậu quả của cuộc khủng hoảng sông Colorado là rất lớn: Khoảng 40 triệu người ở 7 bang nước Mỹ và Mexico sống dựa vào nước của con sông này để lấy nước uống, phục vụ nông nghiệp và sản xuất điện.
Tại Trung Quốc, sông Dương Tử cũng thiếu hụt nước. Theo Tân Hoa xã, tỉnh Tứ Xuyên có lượng mưa chỉ bằng khoảng một nửa so với bình thường và một số hồ chứa đã cạn kiệt. Đáng chú ý, Tứ Xuyên, tỉnh có tới 84 triệu dân, thủy điện chiếm khoảng 80% sản lượng điện trong khi phần lớn trong số đó đến từ sông Dương Tử.
Cánh đồng bị tàn phá bởi hạn hán kéo dài ở Ronda (Tây Ban Nha). Ảnh: REUTERS.
Hạn hán “lấy đi” nhiều nền văn minh
Trong lịch sử, hạn hán từng xóa sổ nhiều nền văn minh, gây nạn đói nghiêm trọng đẩy con người phải rời bỏ quê hương đi tha phương cầu thực.
Năm 2022-2023, giới khoa học cho rằng thế giới đang hứng chịu một trong những đợt hạn hán nghiêm trọng nhất lịch sử đương đại khi mà gần 2/3 các nước châu Âu bị hạn hán. Ủy ban châu Âu đánh giá hạn hán hiện nay nghiêm trọng nhất trong vòng 500 năm qua. Trong khi đó tại Mỹ hơn 50% diện tích đất canh tác bị ảnh hưởng bởi hạn hán. Tại châu Á, hạn hán khiến mùa màng thất bát.
Ngoài trận hạn hán 70 nghìn năm trước xảy ra ở châu Phi, thì hạn hán cũng là một trong những nguyên nhân chính góp phần xóa sổ một số nền văn minh. Như đế chế Akkad - đế chế đầu tiên trên thế giới do Sargon đại đế sáng lập cách đây 4.300 năm ở vùng Lưỡng Hà (Tây Á). Đế chế Akkad mở rộng bờ cõi đến tận đồng bằng sông Khabur ở Syria. Sargon trị vì được 56 năm, sau đó đến triều đại của 3 thế hệ nữa thì sụp đổ.
Vào năm 1978, Tiến sĩ khảo cổ học Harvey Weiss (Đại học Yale, Mỹ) phát hiện một gò mộ tại hợp lưu hai con sông cạn trên đồng bằng Khabur gần biên giới Iraq. Được Syria cấp phép khai quật, ông đã khám phá thành cổ Shekhna của đế chế Akkad (nay đổi tên thành Tell Leilan).
Kết quả nghiên cứu kéo dài hàng chục năm cho thấy nơi đây từng là khu dân cư đông đúc nhưng khoảng năm 2.200 trước Công nguyên, mọi dấu vết của sự sống, kể cả giun đất cũng biến mất do hạn hán nghiêm trọng kéo dài.
Vào thế kỷ 12 trước Công nguyên, hàng loạt các cộng đồng thịnh vượng bên bờ Địa Trung Hải cũng đã sụp đổ do hạn hán, trong đó có nền văn minh Ai Cập cổ đại. Giai đoạn khốc liệt này được gọi là "sự sụp đổ của thời kỳ đồ đồng". Lịch sử ghi nhận nền văn minh Ai Cập cổ đại đạt đỉnh cao quyền lực, giàu có và ảnh hưởng vào khoảng năm 1550 đến năm 1070 trước Công nguyên dưới sự trị vì của các pharaoh, tiêu biểu Tutankhamun, Thutmose 3 và Ramses 2. Sau khi Ramses 3 bị ám sát vào năm 1155 trước Công nguyên, đế chế Ai Cập dần suy tàn do hạn hán kéo dài 150 năm, khủng hoảng kinh tế và xâm lược nước ngoài.
Tuy nhiên theo Giáo sư khảo cổ học Israel Finkelstein (Đại học Tel Aviv, Israel) người Ai Cập thời đồ đồng không ngồi chờ chết mà đã có kế hoạch thích ứng với hạn hán. Các vị vua Ai Cập đã ra lệnh tăng gia sản xuất ngũ cốc, lai giống gia súc địa phương với bò zebu hoặc gia súc có bướu để tạo ra vật nuôi có khả năng chịu hạn, sau đó thu gom số lượng lớn lương thực phân phối khắp đế chế để ổn định kinh tế, chính trị. Dù vậy thì cuối cùng đế chế Ai Cập cổ cũng không tránh khỏi sụp đổ.
Một dẫn chứng khác là sự biến mất của văn minh Maya, được coi là đã đạt trình độ cao về nhiều lĩnh vực như nghệ thuật, kiến trúc, nông nghiệp, toán học, thiên văn học. Năm 2600 trước Công nguyên, họ cư trú trên bán đảo Yucatan (Trung Mỹ) và cực thịnh vào khoảng năm 250 sau Công nguyên tại vùng đất bây giờ là nam Mexico, bắc Belize, Guatemala và tây Honduras.
Từ năm 900-1500 sau Công nguyên, nền văn minh Maya suy tàn. Sự kiện này được xem là một trong những thảm họa về nhân khẩu học lớn nhất lịch sử loài người.
Cuối những năm 1980, giả thuyết nền văn minh Maya biến mất do hạn hán được đưa ra lần đầu tiên nhưng lúc đó chưa đủ bằng chứng khí hậu học. Đến năm 1995, sau khi phân tích các lõi khoan trầm tích từ hồ Chichancanab ở bắc bán đảo Yucatan, các nhà khoa học Mỹ khẳng định lượng mưa trong khu vực đã thay đổi vào thế kỷ 9 và 10 dẫn đến hạn hán kéo dài.
Năm 2013, lần đầu tiên Tiến sĩ địa lý David Wahl thuộc Cơ quan Khảo sát địa chất Mỹ đã mạo hiểm vào khu rừng già gần hồ Ek'Naab phía bắc Guatemala để tìm kiếm dấu vết các đợt hạn hán vào thời kỳ cuối của nền văn minh Maya (năm 800-950) và ông đã đưa ra giả thuyết có thể đã từng xảy ra một vụ cháy lớn do các đợt hạn hán kéo dài.
Trong nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature Communications (Anh) ngày 19/7/2022, Tiến sĩ khảo cổ học Douglas J.Kennett (Đại học California, Mỹ) kết luận các đợt hạn hán dữ dội kéo dài đã góp phần gây ra nội chiến và cuối cùng dẫn đến sụp đổ chính trị tại Mayapan, thủ đô cuối cùng của khoảng 20.000 người Maya ở Yucatan giữa thế kỷ 13-15.
Tuy nhiên, theo Giáo sư Eric H.Cline (Đại học George Washington, Mỹ), hạn hán là yếu tố chính nhưng không phải yếu tố duy nhất dẫn đến các nền văn minh sụp đổ cuối thời kỳ đồ đồng. Ông xếp các nguyên nhân theo thứ tự quan trọng, gồm: khí hậu thay đổi, hạn hán và đói kém, động đất, chiến tranh xâm lược, nổi dậy.
Hẳn nhiều người biết về một bức ảnh người đàn ông cầm cây gậy canh chừng thi thể của vợ và con gái để những kẻ muốn ăn thịt người khỏi phải dòm ngó. Cả gia đình chỉ còn da bọc xương. Bối cảnh xảy ra tại Madras (miền nam thuộc địa Ấn Độ) trong nạn đói năm 1876-1878. Tác giả bức ảnh là sĩ quan Anh Willoughby Wallace Hooper. Nguồn cơn bắt đầu từ trận đại hạn hán khủng khiếp.
Hooper bị chỉ trích là hành nghề thiếu đạo đức vì không cứu giúp những người đói kém và dàn dựng chụp ảnh có động cơ.
Tới nay, Thư viện hình ảnh của Hiệp hội Địa lý hoàng gia Anh còn lưu trữ một số ảnh do Hooper ghi lại. Đó là hình ảnh các nạn nhân thuộc địa bị bỏ rơi trong nạn đói được chụp ngoài trời, trong làng hoặc trong trại cứu trợ.
Tại Ấn Độ thời kỳ thuộc địa Anh, năm 1877 được xem là năm khô hạn nhất trong biên niên sử. Tiến sĩ khí hậu học Deepti Singh (Đại học Columbia, Mỹ) nói: "Các tính toán của chúng tôi cho thấy toàn bộ khu vực gió mùa châu Á đã trải qua cơn hạn hán nghiêm trọng nhất, ít nhất là trong vòng 800 năm". Còn theo tạp chí Science et Vie (Pháp), vào thời gian đầu của nạn đói năm 1876-1878, chính quyền thực dân Anh ở Ấn Độ vẫn tiếp tục thu gom lúa mì xuất khẩu về mẫu quốc (Anh), trong khi hạn hán gay gắt, canh tác vô cùng khó khăn.
Đại hạn hán năm 1876-1878 không chỉ tàn phá Ấn Độ mà còn hoành hành tại Trung Quốc, Nam Mỹ và một số khu vực ở châu Phi; đã xóa sổ 3% dân số thế giới với con số ước tính từ 30-50 triệu người chết đói. Với số người chết như vậy, nạn đói lớn năm 1876-1878 đã “ngang tầm” với dịch cúm năm 1918 và 2 cuộc chiến tranh thế giới trong thế kỷ 20.
Biến đổi khí hậu mà biểu hiện chính là sự nóng lên toàn cầu và mực nước biển dâng đã tạo nên các hiện tượng thời tiết cực đoan. Việc gia tăng khí CO2 do hoạt động sản xuất công nghiệp, phá rừng, sử dụng nguồn nước cũng như các loại khí độc hại khác là nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Đáng chú ý, nhiệt độ Trái đất hiện nay đang khiến nhiều loài sinh vật biến mất hoặc có nguy cơ tuyệt chủng.
Khoảng 50% các loài động thực vật sẽ đối mặt với nguy cơ tuyệt chủng vào năm 2050 nếu nhiệt độ trái đất tăng thêm từ 1,1 đến 1,6 độ C. Sự mất mát này là do mất môi trường sống vì đất bị hoang hóa, do nạn phá rừng và do nước biển ấm lên. Con người cũng không nằm ngoài sự ảnh hưởng. Tình trạng đất hoang hóa và mực nước biển đang dâng đe dọa đến nơi cư trú của chúng ta. Cây cỏ và động vật bị mất đi cũng đồng nghĩa với việc nguồn lương thực, nhiên liệu và thu nhập của cũng mất đi.
Nhiệt độ ngày càng tăng kết hợp với lũ lụt và hạn hán đang trở thành mối đe dọa với sức khỏe toàn cầu. Bởi đây là môi trường sống lý tưởng cho các loài muỗi, những loài ký sinh, chuột và nhiều sinh vật mang bệnh khác phát triển mạnh. Hàng năm có khoảng 150 ngàn người chết do các bệnh có liên quan đến biến đổi khí hậu, từ bệnh tim do nhiệt độ tăng quá cao, đến các vấn đề hô hấp và tiêu chảy. Theo Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO), các đợt nắng nóng khủng khiếp đang diễn ra thường xuyên hơn gấp khoảng 4 lần so với trước đây. Dự đoán trong vòng 40 năm tới, mức độ thường xuyên của chúng sẽ gấp 100 lần so với hiện nay.