Tại Karanganyar (Indonesia), nắng nóng và khô hạn khiến các khu rác thải bốc cháy do khí methan tích tụ phía dưới. Nguồn: cymot.
Đó là nhận định của cơ quan khí tượng châu Âu, ngày 13/8. "Chúng ta đang chứng kiến nhiệt độ không khí và bề mặt đại dương toàn cầu lập kỷ lục mới mọi thời đại. Tháng 8 được dự báo là tháng nóng thứ ba trong lịch sử, cao hơn 0,43 độ C so với mức trung bình giai đoạn 1991-2020. Nhiệt độ giai đoạn này chưa từng có trong 100.000 năm", bà Carlo Buontempo - Giám đốc Cơ quan khí tượng châu Âu cho biết.
Bản đồ thời tiết ở các nước Nam Âu luôn ở màu đỏ đậm khi nhiệt độ tăng vọt trên 40 độ C ở nhiều nơi, thậm chí gần 50 độ C ở Sicily và Sardinia (Italy). Mùa hè này châu Âu được coi là nóng nhất trong vòng 120.000 năm.
Khi nắng nóng chưa qua thì lũ lụt đã đến, tấn công nhiều quốc gia châu Âu, trong đó có Slovenia, Áo, Croatia khiến nhiều ngôi làng chìm trong nước, nhiều thành phố tê liệt. Đây là thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất tính từ năm 1991. Nước sông Glan ở Áo chảy cuồn cuộn như lũ, nhiều tòa dân cư phải dùng bao cát để làm đê ngăn nước tràn vào - điều chưa từng có trong lịch sử. Còn tại làng Apgulde, ngoại ô thủ đô Riga (nước Cộng hòa Latvia) mưa đá xuất hiện với những viên có kích thước bằng quả bóng golf.
Với châu Á, các hình thái khí hậu cực đoan cũng vô cùng dữ dội. Tại Indonesia, nắng nóng kéo dài khiến các dòng sông khô cạn. Làng Karanganyar (tỉnh Trung Java) 4 tháng ròng không có mưa. Ruộng đồng khô khốc buộc người nông dân phải đào lòng sông cạn để tìm nước. Ông Sunardi, 52 tuổi, người làng Karanganyar cho biết, kể từ đầu tháng 4 tới nay không hề có bất cứ giọt mưa nào, dân làng đang sống trong hỏa ngục. Còn tiến sĩ Sopaheluwakan - Phó Giám đốc Phòng khí hậu quốc gia thì cho rằng 70% trong tổng số 200 triệu người Indonesia bị ảnh hưởng.
Tại Trung Quốc, kể từ đầu tháng 8 tới nay, mưa lớn trút xuống nhiều nơi. Thủ đô Bắc Kinh, mưa lớn kỷ lục đã khiến 33 người chết, 18 người mất tích. Đây là trận mưa lớn nhất trong vòng 140 năm. Tỉnh Hà Bắc giáp Bắc Kinh, 15 người thiệt mạng, 22 người mất tích. Tỉnh Cát Lâm, 14 người thiệt mạng, 1 người mất tích.
Thảm họa đến từ mưa lớn đã khiến các cơ quan khoa học địa lý và thời tiết của Trung Quốc đặt lại vấn đề có hiệu quả hay không khi đầu tư phát triển theo hướng “thành phố bọt biển” như những năm qua. Mô hình “Thành phố bọt biển” bắt đầu được triển khai từ năm 2015, đó là sử dụng các khu vườn trên mái nhà, vỉa hè có thể thấm nước; bể chứa ngầm và những vật chứa tương tự, hoạt động như miếng bọt biển để hấp thụ lượng mưa lớn và sau đó từ từ chảy ra sông hoặc hồ chứa. Kể từ đó, khoảng 30 thành phố, bao gồm Bắc Kinh đã tiến hành thử nghiệm.
Ví dụ như tại sân bay Đại Hưng, trung tâm hàng không lớn ở ngoại ô Bắc Kinh, các bể chứa nước và hệ thống thoát nước được thiết kế để hấp thụ lượng nước mưa có thể lấp đầy 1.300 bể bơi thi đấu theo chuẩn thế vận hội Olympic. Nhưng với đợt mưa vừa qua nó cũng bị “khuất phục” khi mà những đường băng lênh láng nước.
Nhưng, một ngạc nhiên rất lý thú là hình như Tử Cấm Thành ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc “miễn nhiễm” với bất cứ trận lũ lụt tồi tệ nào. Tân Hoa xã đưa tin, khi khắp nơi chìm trong biển nước thì Tử Cấm Thành lại bình yên vô sự. Hệ thống thoát nước trong Tử Cấm Thành được xây dựng lần đầu tiên vào thời nhà Minh (1368-1644), tới nay vẫn còn những con mương cổ có chiều dài 15km, trong đó có 13km ngầm. Tất cả những con mương thoát nước đó dẫn đến kênh Kim Thủy - con kênh nhân tạo bên trong Tử Cấm Thành. Từ đó, nước chảy vào Đông Hoa Môn rồi hòa vào dòng kênh bên ngoài.
Suốt gần 600 năm tồn tại, Tử Cấm Thành chưa từng chứng kiến trận ngập lụt nào, dù mưa bão có lớn đến đâu - Tân Hoa xã thông tin đồng thời đưa ra kết luận rất cần nghiên cứu kinh nghiệm trị thủy của người xưa vì đó là là những tích lũy sinh tồn vô giá.