Ông Trương là chủ cửa hàng hải sản ở tỉnh Hà Nam (Trung Quốc), công việc kinh doanh nhiều năm nay đều thuận lợi. Một ngày tháng 8/2020, con ông Trương nói muốn ăn tôm nhưng vì cửa hàng hôm đó đã bán hết tôm nên người đàn ông này đến một hàng hải sản khác trong chợ để mua.
Ông Trương mua 6kg tôm với giá 168 NDT (hơn 500.000 đồng). Vì thói quen nghề nghiệp, người đàn ông này còn yêu cầu được xem giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cũng như nguồn gốc tôm. Sau đó ông Trương quay lại cửa hàng của mình, thả tôm vào bể để đảm bảo chúng vẫn còn tươi trước khi đem về nhà.
Lúc này có 2 người đàn ông đển hỏi mua tôm. Ông Trương không muốn từ chối làm mất khách nên bán lại 3kg tôm bán với giá gốc. Không lâu sau đó, ông Trương nhận được thông báo xử phạt từ Cục Quản lý Giám sát thị trường tỉnh Hà Nam.
Trên thực tế, 2 vị khách hỏi mua tôm là cán bộ của Cục mặc thường phục đến cửa hàng ông Trương, tiến hành lấy mẫu thực phẩm để kiểm nghiệm chất lượng. Phía Cục Quản lý Giám sát thị trường cho rằng tôm tại cửa hàng ông Trương không đảm bảo tiêu chuẩn an toàn thực phẩm, có chứa chất cấm nên sẽ bị xử phát 11.000 NDT (38 triệu đồng).
Theo quy định của Luật An toàn thực phẩm Trung Quốc, việc sản xuất, kinh doanh thực phẩm có chứa chất cấm, phụ gia thực phẩm trái phép có thể bị phạt đến 100.000 NDT (350 triệu đồng).
Ông Trương ngỡ ngàng và bất bình trước thông báo xử phạt, quyết định khiếu nại để bảo vệ quyền và lợi ích của bản thân. Chủ cửa hàng này trình bày sự việc xảy ra ngày hôm đó cùng hoá đơn mua tôm, mục đích là để gia đình sử dụng, không phải tôm ông vẫn bán hàng ngày. Ông Trương từ đầu cũng không có ý định bán ra ngoài, chia cho 2 “vị khách” với giá gốc mình mua mà không kiếm lời.
Chủ cửa hàng nói hành động của bản thân không gây ra hậu quả nghiêm trọng, vì vậy mức phạt của Cục Quản lý Giám sát thị trường là quá nặng với một tiểu thương như ông.
Người đàn ông này cũng cung cấp được nguồn hàng nhập bán mỗi ngày, có giấy phép kinh doanh và sẵn sàng hợp tác để phía Cục kiểm tra trực tiếp chất lượng thực phẩm ngay tại cửa hàng.
Với những bằng chứng từ phía chủ cửa hàng, Toà án cho rằng quyết định xử phạt từ Cục Quản lý Giám sát thị trường có phần vội vàng, chưa xem xét toàn cảnh sự việc. Cuối cùng Toà án đưa ra phán quyết huỷ bỏ quyết định xử phạt với ông Trương.
Vụ việc thu hút sự chú ý của dư luận đất nước tỷ dân bởi vấn đề an toàn thực phẩm vẫn luôn khiến người tiêu dùng băn khoăn, đau đầu trong việc lựa chọn nơi mua thực phẩm mỗi ngày.
Nhiều cư dân mạng bày tỏ thay vì xử phạt ông Trương, Cục Quản lý Giám sát thị trường nên kiểm tra cửa hàng nơi người đàn ông này đã mua 6kg tôm hôm đó. Trong khi đó không ít người lại cho rằng ông Trương đã có một bài học “đắt giá” vì vài phút giây chủ quan.
Trước đó, năm 2019 tại tỉnh Hà Nam (Trung Quốc) cũng xảy ra một vụ việc tương tự khi lão nông tên Giả Lão Hàn bị phạt hành chính 55.000 NDT (gần 200 triệu đồng) vì bán 17kg chuối có dư lượng thuốc trừ sâu vượt quá tiêu chuẩn an toàn thực phẩm.
Người nông dân này cũng khiếu nại với lý do bản thân chỉ nhập hàng từ chợ đầu mối, không có cách nào kiểm tra dư lượng thuốc trừ sâu nên việc này là ngoài mong muốn. Trong khi đó phía Cục quản lý thị trường cho rằng là một tiểu thương kinh doanh, ông Giả cũng phải có trách nhiệm đảm bảo chất lượng và an toàn trước khi bán cho người tiêu dùng.
Cuối cùng Toà án đã thay đổi mức phạt lão nông này từ 55.000 NDT xuống còn 3.000 NDT (gần 10 triệu đồng).
Theo Toutiao