Nhờ kỹ nghệ gọt khoét hoa quả thối điêu luyện của mình mà chị Trần Thị Thơm (quê ở Đồng Văn, Hà Nam) có thể kiếm thêm được vài trăm ngàn đồng mỗi ngày từ việc nhặt hoa quả thối rồi gọt bán cho các quán cà phê.
Chị Thơm kể, chị là dân bốc vác, gánh thuê hoa quả chính hiệu cho các chủ hàng tại chợ đầu mối Long Biên đã ngót nghét 10 năm nay. 5 năm trở lại đây, ngoài nghề gánh vác thuê, chị có thêm nghề phụ là nhặt hoa quả dập thối mà các chủ hàng loại ra để về gọt khoét sạch sẽ rồi đem bán lại.
Theo đó, hàng đêm, trong lúc gánh vác thuê, chị thường “đặt gạch” trước các chủ hàng, nếu có hoa quả thối hỏng loại ra thì cho chị xin hoặc mua lại.
“Đa phần là xin được, bởi nếu không cho thì họ cũng vứt đầy ra lối đi tại chợ. Thỉnh thoảng có mớ quả dập nát ít, hàng nhìn vẫn còn tươi ngon thì mua lại với giá rẻ bèo”, chị Thơm nói. Hoa quả xin được trong một đêm được chị tập kết về điểm cố định.
Đến sáng, lúc công việc gánh vác thuê kết thúc, chị tranh thủ trở về điểm tập kết, cầm dao gọt khoét đống hoa quả dập, thối để kịp cho các mối quen đến lấy hàng.
Hoa quả thối được tập kết lại một điểm tại chợ Long Biên
Vừa nói, chị Thơm vừa móc từ trong túi đựng đồ nghề ra con dao bản nhỏ, đầu nhọn hoắt khoe hàng được thửa riêng. Sau đó, chị nhanh tay lách con dao vào quả bơ, xoay một vòng thoăn thoắt như đang múa. Trong tích tắc, trên tay chị Thơm đã là một quả bơ cắt dở, lộ phần thịt bên trong vàng ươm.
Ngồi chưa đầy 30 phút đồng hồ, toàn bộ số bơ lên đến cả tạ đã được chị gọt khoét sạch sẽ phần thối dập. Số còn lại là hàng “đạt chuẩn”, chị chia thành 3 túi sẽ được giao cho 3 khách hàng thân thiết để làm món sinh tố bơ thơm ngon, béo ngậy bán cho khách.
“Nay gặp được mớ bơ ngon, dập và thối ít nên khi gọt khoét xong, bơ không hao hụt mấy”. Nhìn vào những túi bơ đã được chị buộc cẩn thận chờ khách, chị Thơm nói: “Tạ bơ thối hôm nay, sau khi khoét sạch cũng phải làm được khoảng 300 cốc sinh tố.
Dân hàng cà phê sinh tố mua bơ này với giá rẻ bèo, về chế biến bán được 45.000-60.000 đồng/cốc”.
Tuy nhiên, để biến được đống bơ thối thành những cốc sinh tố thơm ngon, béo ngậy, theo chị Thơm là cả một nghệ thuật. Chị đã phải thửa riêng một con dao chuyên để gọt khoét, bởi hoa quả thối là loại đã chín quá độ, phải dùng dao thật sắc thì gọt xong không bị nát, phần quả còn lại nhìn mới hấp dẫn, giống y hàng xịn.
Còn chuyện làm thế nào để cầm dao gọt một lần đã hết chỗ thối thì là kỹ nghệ được đúc kết sau 5 năm trời ngồi khoét gọt hoa quả thối, chị Thơm nói.
Sau khi gọt bỏ phần thối...
...những quả bơ này sẽ được bán cho các hàng cà phê làm sinh tố.
Chị cũng tiết lộ, giờ chỉ cần đưa mắt nhìn qua là chị biết đống hoa quả thối của chị sau khi gọt còn lại bao nhiêu cân. Khi gọt, chị lấy đầu ngón tay trái ấn nhẹ vào quả là biết được cần cắt từ đoạn nào. Sau đó đưa dao vào cắt sát luôn phần thối, dập.
“Phải làm vậy thì khi gọt khoét hoa quả mới tiết kiệm được tối đa. Chứ cứ gọt xong cái đưa lên mũi ngửi xem đã hết phần thối hay chưa thì vừa mất thời gian, vừa khiến hoa quả hao hụt nhiều”, chị Thơm cho biết.
Thừa nhận điều này, chị Đinh Thị Hạnh cũng cho hay, đã 4 năm nay, tất cả các loại hoa quả thối dân buôn loại ra đều được chị cũng nhặt, và mua lại.
“Mỗi ngày tôi ngồi gọt vài chục ký. Có ngày nhiều thì gọt được khoảng 2 tạ gồm đủ các loại từ dưa, cam, xoài, táo,... thậm chí ngồi ngọt cả nho thối để bán cho hàng cà phê làm nước ép”, chị nói.
Theo chị Hạnh, ai cũng có thể ngồi gọt bỏ được phần thối của quả ra để lấy phần còn ăn được. Tuy nhiên, gọt sao để phần thối hết và biến quả thối thành quả ngon như thường thì là cả một kỹ nghệ mà người làm phải có nhiều năm kinh nghiệm mới thành tạo được.
“Mới đầu theo nghề này, gọt xong thấy quả nham nhở, còn lại không được mấy, chủ quán cà phê trả giá rất rẻ. Giờ thì trình độ gọt của tôi càng ngày lên tay, chỉ cần lách dao một đường là phần thối được cắt hết sạch”, chị Hạnh khoe.
Nhờ vào kỹ nghệ gọt hoa quả ngày càng điêu luyện mà hàng của chị không bao giờ bị các quán nước, nhà hàng chê kém ngon. Nhờ đó, chị có thể kiếm được từ 200.000-300.000 đồng/ngày, chưa tính khoản tiền từ việc gánh vác thuê.