Một quan chức xuất hiện "bất thường" bên ông Tập: Làng ngoại giao TQ thay đổi đội ngũ ra quyết sách?

An An |

Vào ngày 17/7, hàng trăm đại sứ Trung Quốc từ nước ngoài đã trở về Bắc Kinh để tham dự hội nghị công tác Đại sứ năm 2019.

Cùng ngày, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin, đội ngũ quyết sách ngoại giao, bao gồm Chủ tịch Tập Cận Bình đã gặp gỡ và chụp ảnh kỷ niệm với các đại sứ vào chiều hôm đó.

Xét về thời gian, cuộc họp này không tổ chức vào cuối năm như thông lệ gần đây nhưng điều này cũng không phải không có tiền lệ. ĐCSTQ đã tổ chức 11 cuộc họp tương tự từ năm 1952 đến năm 2009 nhưng chỉ sau Đại hội ĐCSTQ khóa 19 (2017), mới ra quy định thời gian tổ chức vào cuối năm.

Thực tế, hội nghị đại sứ ngoại giao năm nay của Trung Quốc rất đáng được chú ý. Thứ nhất về vấn đề nhân sự với xu hướng trẻ hóa. 

Theo giới quan sát, tính từ tháng 4/2019, trong số 9 Đại sứ cấp phó bộ (tương đương Thứ trưởng), không bao gồm các đại diện tại các tổ chức quốc tế, có 5 người đã vượt hoặc đến tuổi về hưu, gồm người lớn tuổi nhất là Đại sứ Trung Quốc tại Mỹ Thôi Thiên Khải (sinh tháng 10/1952), tiếp đó là các Đại sứ tại Triều Tiên Lý Tiến Quân (sinh tháng 5/19956), Đại sứ tại Pháp Địch Tuấn (sinh tháng 12/1954), Đại sứ tại Anh Lưu Hiểu Minh (sinh tháng 1/1956), Đại sứ tại Nga Lý Huy (sinh tháng 2/1953).

Nhưng tại hội nghị ngày 17/7, hai ông Địch Tuấn và Lý Huy đã không tham dự. Điều này được giải thích rằng, nhiệm kỳ của hai ông đã sắp kết thúc, các ông sẽ về hưu sau đó. Được biết, vị trí Đại sứ tại Pháp nhiệm kỳ tiếp theo sẽ do ông Lư Sa Dã - Đại sứ đương nhiệm tại Canada đảm nhận. Tương tự, Thứ trưởng Trương Hán Huy - phụ trách trách khu vực Á-Âu, các vấn đề an ninh và sự vụ đối ngoại lại xuất hiện rất nổi bật nên nhiều ý kiến cho rằng, ông sẽ là người kế nhiệm vị trí của ông Lý Huy.

Theo thông tin công khai, ông Trương Hán Huy sinh năm 1963 còn ông Lư Sa Dã sinh năm 1964. Hai ông đều có kinh nghiệm đối ngoại tương đối.

Ngoài ra, ba Đại sứ Thôi Thiên Khai, Lưu Hiểu Minh và Lý Tiến Quân đều tham dự cuộc họp, cho thấy, họ sẽ tiếp tục công tác dù đã lớn tuổi. Trên thực tế, mối quan hệ Trung-Mỹ, quan hệ Trung-Anh và quan hệ Trung Quốc - Triều Tiên gần đây đã trải qua những biến động không nhỏ. Ba Đại sứ này đều có kinh nghiệm phong phú trên vị trí của mình nên đây được hiểu là lý do tại sao Bắc Kinh không xem xét thay đổi nhân sự trong thời điểm hiện tại.

Thứ hai, việc ông Vương Hỗ Ninh - Ủy viên Ban thường vụ Bộ chính trị, Bí thư Ban bí thư kiêm Chủ nhiệm Văn phòng nghiên cứu chính sách trung ương ĐCSTQ tham dự cuộc họp cho thấy sự thay đổi trong đội ngũ ra quyết sách ngoại giao Trung Quốc.

Việc ông Vương Hỗ Ninh -  người chuyên trách các vấn đề sự vụ trong nội bộ đảng xuất hiện bên cạnh Chủ tịch Tập Cận Bình, Chủ nhiệm văn phòng trung ương Đinh Tiết Tường, Chủ nhiệm Văn phòng đối ngoại trung ương Dương Khiết Trì và Ngoại trưởng Vương Nghị đã gây không ít ngạc nhiên.

Trên thực tế, kể từ sau Đại hội khóa 19, hội nghị công tác đại sứ thường niên năm 2017 được xem là hội nghị công tác đại sứ cấp cao nhất. Thời điểm đó, tháp tùng Chủ tịch Tập Cận Bình tham dự hội nghị chỉ có Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư Ban Bí thư, Chủ nhiệm văn phòng trung ương Đinh Tiết Tường, Ủy viên Quốc vụ viện Dương Khiết Trì. 

Ngoài ra, mặc dù Thủ tướng Lý Khắc Cường kiêm nhiệm vị trí Phó Chủ nhiệm Ủy ban công tác đối ngoại trung ương nhưng lại không xuất hiện trong hội nghị lần này. 

Giới phân tích nhận định, điều này cho thấy những thay đổi trong quyền lực của đảng và chính phủ từ sau cải cách tổ chức đảng và nhà nước năm 2018 của Bắc Kinh. 

Thực tế, tại hội nghị vào năm 2017, ông Tập đã đưa ra bốn yêu cầu gồm duy trì lòng trung thành đối với đảng, chứng tỏ ĐCSTQ nắm quyền lực ngoại giao, đảng này cũng thực hiện quyền lãnh đạo tập trung và thống nhất về công tác ngoại giao.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại