Napoléon đã từng nói: "Anh binh nhì nào không có ước mơ rằng một ngày kia mình sẽ trở thành một vị tướng là một binh nhì kém cỏi". Một tác giả mạng nổi tiếng khác thì từng nói: "Những vị sếp chỉ nói về lý tưởng là những vị sếp tồi". Còn riêng tôi hôm nay lại muốn nói rằng: Một ông chủ không thưởng cuối năm cho nhân viên thì không phải là một ông chủ tốt.
Bởi lẽ, khoản thưởng Tết đó mới chính xác là một trong những biện pháp khuyến khích nhân viên hiệu quả nhất.
01
Năm mới đang đến gần, và chủ đề được nhắc đến nhiều nhất trên MXH lúc này chính là chuyện lương lậu, thưởng Tết. Ai cũng muốn biết mặt bằng chung của thưởng Tết năm nay là bao nhiêu, sau đó đem ra so sánh với công ty mình.
Tôi còn nhớ vào Tết năm đầu tiên tôi đi làm, tôi đã ngốc nghếch đến độ xông vào phòng của sếp và hỏi tiền thưởng cuối năm nay của tôi là bao nhiêu. Vừa nghe thấy câu hỏi của tôi, mặt sếp đã nhăn lại. Sau đó, sếp nói với tôi bằng giọng rất nghiêm túc: "Người trẻ không quan tâm đến lãi lỗ trước mắt. Tương lai còn dài, cơ hội kiếm tiền còn nhiều".
Tiếp nữa, cuộc trao đổi bắt đầu biến tướng thành: "Người trẻ bây giờ được chiều quen rồi, đã không chịu khổ được lại còn chẳng có tinh thần cống hiến".
Rồi sếp bắt đầu kể lể: "Hồi tôi bằng tuổi cậu bây giờ, ngày nào tôi cũng dậy từ 5 giờ sáng rồi làm việc quần quật ngoài đồng đến tối mịt mới về nhà. Tôi mệt đến mức không duỗi thẳng được eo, mà ăn còn không đủ no cơ. Mệt sống mệt chết thế mà tiền kiếm được có mấy đồng".
Cuối cùng, sếp nhìn thẳng vào mắt tôi và nói: "Xin hỏi cậu đã đóng góp được gì cho công ty? Nếu hôm nay cậu không chăm chỉ thì ngày mai cậu sẽ phải lao đầu để tìm việc đấy". Gương mặt sếp khi ấy còn khó đăm đăm như thể đang uy hiếp tôi.
Tôi nộp đơn từ chức vào ngay ngày hôm sau, bởi vì tôi biết tôi sẽ không học được gì và có được lợi ích gì từ một người sếp như thế này. Sếp kiểu này chỉ biết nói đạo lý, nói lý tưởng, nói về quá khứ và cố tình phớt lờ chuyện hiện tại. Sếp kiểu này thực sự không phải là một người sếp tốt.
Nơi làm việc là nơi đề cao sự trao đổi giá trị, tôi là người cung cấp giá trị và bạn trả cho tôi mức lương tương ứng. Đó là một mối quan hệ win-win, hai bên hợp tác, không ai nợ ai. Vừa muốn ngựa chạy nhanh vừa không muốn cho ngựa ăn cỏ, ở đâu ra quy luật này? Chẳng lẽ nhân viên sinh ra đã có vị thế thấp kém và đáng bị ông chủ bóc lột rẻ mạt?
Tỷ phú Jack Ma từng nói: "Nhân viên từ chức suy cho cùng chỉ vì 2 lý do: 1. Tiền không đủ; 2. Lòng thấy thất vọng rồi". Hãy tránh xa những vị sếp chỉ biết nói chuyện công việc với bạn mà không chịu phát thưởng cuối năm.
02
Năm 2017, doanh thu bán hàng của Huawei đã vượt 600 tỷ USD, thu hút sự chú ý của cả thế giới. Một trong những bí quyết thành công của Huawei là đưa ra mức lương cực hấp dẫn cho nhân viên. Năm 2016, Huawei đã phát tổng cộng 94,179 tỷ NDT (hơn 14,5 tỷ USD) và 13,076 tỷ NDT (hơn 200 triệu USD) tiền thưởng.
Huawei có tổng cộng 170.000 nhân viên. Học sinh tiểu học có thể làm được bài toán chia con số trung bình này, và có thể kết luận rằng mức lương trung bình của mỗi nhân viên Huawei rơi vào khoảng 631.000 NDT (tương đương 97.000 USD, khoảng 2,2 tỷ VNĐ).
Trần Lê Phương, Phó Chủ tịch Huawei cho biết: "Lương khởi điểm của nhân viên tại Huawei dao động từ 140.000 (500 triệu VND) đến 170.000 NDT (606 triệu VNĐ), cao nhất là 350.000 NDT (1,2 tỷ VNĐ) mỗi năm, tiền lương chỉ là tiền tiêu vặt thôi".
Tiền lương chỉ là tiền tiêu vặt, nghe mới ngầu làm sao. Hơn nữa, đây là giá trị năm 2016.
Theo thống kê, tại Huawei, hơn 10.000 người có mức lương hàng năm hơn 1 triệu NDT (3,5 tỷ VNĐ), và hơn 5.000 người có mức lương hàng năm hơn 5 triệu NDT (17,7 tỷ VNĐ). Với nền tảng tốt và ưu đãi lương cao như vậy, không lạ khi sinh viên tốt nghiệp từ các trường danh tiếng lớn đều đổ xô về Huawei, và không có gì lạ khi nhân viên của Huawei lại làm việc chăm chỉ đến vậy.
Trong khi đó, để thu hút nhân viên, CEO Mark Zuckerberg của Facebook đã phải trả lương trung bình từ 500.000 USD đến 1 triệu USD/người. Nếu đó là một tài năng hàng đầu, thì con số tiền lương lên đến hàng chục triệu đô la cũng là chuyện thường.
Một ví dụ khác có thể kể đến chính là khi Liễu Truyền Chí còn nắm quyền điều hành tập đoàn Lenovo, ông luôn đặt tiêu chí cho nhân viên được ăn uống tốt nhất, ở nơi tốt nhất để có thể kiếm ra được nhiều tiền nhất.
Thưởng Tết suy cho cùng cũng là một phép thử để kiểm tra xem sếp bạn có thực sự tôn trọng và quan tâm đến nhân viên hay không. Nếu ban lãnh đạo thực sự tôn trọng nhân viên thì họ chắc chắn sẽ dùng tiền và những lợi ích thiết thực để thu phục lòng người.
Giống như những gì Konosuke Matsushita, doanh nhân huyền thoại của Nhật Bản đã từng nói: "Nhân viên mới là tài sản lớn nhất của công ty".
03
Mức lương hàng tháng của quản lý nhà hàng Haidilao là bao nhiêu? Ước tính ít ai đoán được một con số tương đối chính xác.
Vậy để tôi nói bạn nghe nhé: Đó là từ 20.000 NDT (71 triệu VNĐ) đến 700.000 NDT (2,5 tỷ VNĐ).
Đừng lắc đầu không tin. Bởi chỉ cần nhìn vào những lời của Trương Dũng - người sáng lập Haidilao, bạn sẽ hiểu rằng điều này không hề vô nghĩa. Trương Dũng từng nói: "Làm việc ở Haidilao rất mệt. Những người có thể đạt từ cấp quản lý trở lên đều đã có đóng góp rất lớn cho Haidilao. Thế nên bất kể vì lý do gì, chỉ cần họ muốn ra đi, tôi sẽ cho họ một khoản 'của hồi môn' xứng đáng."
Quản lý khu vực nhỏ ra đi, cho 200.000 NDT (710 triệu VNĐ). Quản lý khu vực to ra đi, tặng nguyên một quán lẩu, giá trị khoảng 8 triệu NDT (28 tỷ VNĐ). Mức lương hàng tháng của nhân viên phục vụ bình thường tại Haidilao là hơn 4.000 NDT (14 triệu VNĐ), công ty cũng sẽ cung cấp ký túc xá với điều kiện tốt, tất cả đều thuộc khu chung cư tương đối cao cấp.
Và Haidilao còn thiết lập một hệ thống khen thưởng hoàn hảo. Chỉ cần bạn làm tốt công việc, bạn sẽ có cơ hội trở thành giám đốc cửa hàng trong vòng vài năm. Ngoài ra, Haidilao cũng thỉnh thoảng bố trí những nhân viên xuất sắc đi học nước ngoài hoặc học các bậc cao hơn tại đại học.
Khi nhân viên gặp một ông chủ hào phóng như vậy, họ đương nhiên sẵn sàng phục tùng mọi mệnh lệnh sếp đưa ra. Mọi người đều tìm cách để tối ưu hóa công việc của chính mình. Chính trong bầu không khí tốt đẹp đó, Haidilao đã chào sàn thành công vào ngày 26 tháng 9 năm 2018, với giá trị thị trường hơn 100 tỷ USD Hongkong, trở thành công ty cung cấp thực phẩm lớn thứ 5 trên thế giới.
04
Jack Welch, huyền thoại giới lãnh đạo chuyên nghiệp - người từng được mệnh danh là "nhà quản lý của thế kỷ 20" có câu:
"Động viên về mặt tinh thần và động viên về mặt vật chất đều cần thiết. Cả hai đều không thể thiếu. Tôi đã từng gặp một người sếp chỉ trao tặng huy chương cho nhân viên. Ông ta nghĩ thật là ngu ngốc khi cho thêm tiền. Tôi nghĩ đây là một sai lầm lớn, động viên cả về tiền bạc và tinh thần mới là cách tiếp cận nhân viên hiệu quả nhất".
Một chuyên gia về quản lý nhân sự cũng đã khẳng định chắc như đinh đóng cột rằng: "Nếu ông chủ chỉ nói với bạn về lý tưởng chứ không phải tiền bạc thì bạn nên tìm cách tránh xa anh ta vì thứ anh ta mang tới không thể giúp bạn sinh tồn được. Miếng ăn còn chưa có, làm sao người ta có thể nói chuyện văn vẻ, lý tưởng?".
Ông chủ Haidilao Trương Dũng cũng đồng quan điểm: "Nói về tiền là sự tôn trọng tốt nhất dành cho nhân viên".
Thời nay, nhiều vị sếp vẫn luôn miệng chê bai người trẻ lười biếng, suốt ngày chỉ biết tiêu tiền. Thế nhưng, dân mạng đã dùng lập luận của mình để đáp trả một cách hoàn hảo:
"Không phải người trẻ bây giờ không chịu được khổ mà họ không muốn bị coi là kẻ ngu muội. Không phải người trẻ bây giờ không chịu được khổ mà vì người trẻ bây giờ ngày càng khó lừa hơn".
Nếu công ty có thể cung cấp cho họ một nền tảng phù hợp và một mức lương tương đương với giá trị họ tạo ra, tôi tin rằng phần đông người trẻ sẽ sẵn sàng cống hiến hết sức mình cho nơi họ đang làm việc.
Kết luận lại, thưởng Tết không chỉ là tiêu chuẩn đánh giá giá trị của một nhân viên trong cả năm mà còn là biểu hiện của trí tuệ và sức mạnh của một người lãnh đạo. Một ông chủ không thưởng cuối năm cho nhân viên không phải là một ông chủ tốt. Bởi sau tất cả, thưởng Tết chính là biện pháp khích lệ nhân viên hiệu quả nhất.