Ảnh minh họa
Cuối năm 2022, Nga đã quyết định hồi sinh trở lại hãng xe huyền thoại từ thời Liên Xô của mình. Theo Reuters, việc một công ty nhà nước cho phép tái sinh trở lại chiếc ô tô cổ điển thời Liên Xô – Moskvich đã cho thấy khả năng phục hồi của ngành công nghiệp ô tô Nga trước các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Tuy nhiên sự tái sinh này lại là một dấu hiệu cho thấy Trung Quốc đang ngày càng lấn át lĩnh vực quan trọng này của nền kinh tế Nga: những chiếc xe lăn bánh khỏi nhà máy đã không còn giống với những mẫu Moskvich kim loại hình hộp như xưa. Thay vào đó, những chiếc SUV bốn cửa kiểu dáng đẹp có các bộ phận động cơ và vỏ từ JAC Motors của Trung Quốc. Mẫu Moskvich 3 hiện nay được lắp ráp tại Moscow bằng cách sử dụng các bộ dụng cụ mua từ đối tác Trung Quốc.
Moskvich cho biết trong một tuyên bố vào tháng trước rằng các mẫu 3 và 3e của họ được sản xuất bằng cách lắp ráp số lượng lớn và được chế tạo tại một nhà máy sản xuất ở nước ngoài trước khi được xuất khẩu và hoàn thiện ở Nga. Tuy nhiên các nguồn tin giấu tên cho biết đối tác này chính là JAC.
Nga đã trở thành một thị trường béo bở cho Trung Quốc. Theo dữ liệu từ Công ty phân tích Autostat, ô tô nhập khẩu của Trung Quốc hiện chiếm 49% thị trường Nga, đạt 40.000 chiếc vào tháng 6, tăng mạnh so với mức 7% trước khi xảy ra xung đột giữa Nga và Ukraine.
Theo thống kê của hải quan Trung Quốc, xuất khẩu ô tô chở khách của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc sang Nga trong 5 tháng đầu năm đã tăng 5,2 lần so với cùng kỳ năm ngoái lên gần 3,6 tỷ USD. Chỉ riêng trong tháng 4, kim ngạch xuất khẩu đã đạt gần 1 tỷ USD.
Bên cạnh những con số này, các công ty Trung Quốc cũng đang tăng doanh số bán hàng của họ ở Nga bằng cách lắp ráp xe tại các nhà máy do các hãng như Renault và Nissan bỏ trống.
6 nhà máy trước đây thuộc sở hữu của các nhà sản xuất ô tô châu Âu, Nhật Bản và Mỹ hiện đang sản xuất các mẫu xe Trung Quốc. Theo tính toán của Reuters, sáu nhà máy có công suất hàng năm khoảng 600.000 xe.
Cứu tinh của ngành ô tô Nga?
Vladimir Bespalov, một chuyên gia độc lập về lĩnh vực ô tô, cho biết sự hiện diện ngày càng tăng của các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc có lợi cho Nga, cho phép nước này khởi động lại sản xuất tại các nhà máy không hoạt động và giữ cho công nhân có việc làm. Tổng thống Vladimir Putin cho biết năm 2020 ngành này sử dụng khoảng 300.000 người.
Vào năm 2021, sản xuất trong nước của Nga đạt khoảng 1,4 triệu ô tô chở khách. Con số đó đã giảm xuống chỉ còn 450.000 vào năm ngoái - mức tồi tệ nhất của ngành kể từ năm 1991.
Chính phủ cho biết ô tô sản xuất trong nước hiện chiếm chưa đến 40% thị trường ô tô của Nga, giảm từ 70-75% trước khi xung đột xảy ra.
Andrey Olkhovsky, người đứng đầu chuỗi đại lý Avtodom, cho biết: "Không còn nghi ngờ gì nữa, việc mở rộng các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc trên thị trường Nga sẽ tiếp tục. Không có lựa chọn thay thế cho ngành công nghiệp ô tô của Nga."
Avtodom, công ty đã mua các công ty con của Mercedes-Benz ở Nga, đang đàm phán với một số nhà sản xuất ô tô Trung Quốc về việc lắp ráp một chiếc ô tô cao cấp của Trung Quốc tại nhà máy cũ ở Moscow của nhà sản xuất ô tô Đức và một đối tác có thể được công bố vào cuối năm nay.
Đó là một sự thay đổi hoàn toàn vận may cho các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc ở Nga. Việc sản xuất xe Trung Quốc chỉ bắt đầu ở Nga vào năm 2019 với sự xuất hiện của công ty ô tô Trung Quốc Great Wall Motor.
Doanh số bán xe hơi Haval, được sản xuất tại nhà máy Tula, chiếm gần 10% thị trường Nga hiện nay. Theo dữ liệu bán hàng 6 tháng đầu năm từ Autostat, 6 trong số 10 thương hiệu hàng đầu theo thị phần ở Nga là các nhà sản xuất ô tô Trung Quốc bao gồm Haval, Chery và Geely.
Theo Reuters