Một năm Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều: Giấc mơ và thực tế

Phạm Hà |

Ngày 27/4 đánh dấu tròn 1 năm Thượng đỉnh liên Triều nhưng giấc mơ “kỷ nguyên mới hòa bình” vẫn cần nhiều nỗ lực hơn từ 2 nước và quốc tế.

Hôm qua (27/4), tròn 1 năm kỷ niệm hội nghị Thượng đỉnh lịch sử đầu tiên giữa Tổng thống Moon Jae In và nhà lãnh đạo Kim Jong Un ở làng đình chiến Bàn Môn Điếm (Panmunjom). Sự kiện quan trọng này được đánh giá là một “ngày rực rỡ”, mang lại làn gió mới cho quan hệ ngoại giao song phương, cũng như đẩy lùi bóng ma chiến tranh trên Bán đảo Triều Tiên.

Tuy nhiên, để đạt được giấc mơ về một “kỉ nguyên mới hòa bình” trên Bán đảo Triều Tiên như người dân hai nước mong muốn vẫn cần sự nỗ lực hơn nữa của hai nước và sự hỗ trợ của cộng đồng quốc tế.

Hàn Quốc ngày 27/4 tổ chức lễ kỷ niệm tại làng đình chiến Bàn Môn Điếm bên phía nước này, với sự tham dự của khoảng 500 quan chức và người dân. Bên cạnh đó, buổi lễ cũng có sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ từ 4 quốc gia Hàn Quốc, Mỹ, Nhật Bản và Trung Quốc. Tuy nhiên, lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên đều không tham dự sự kiện quan trọng này.

Trong một thông điệp bằng video gửi đến buổi lễ kỷ niệm, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In bày tỏ lạc quan hai miền Triều Tiên sẽ đạt được "hòa bình không thể đảo ngược" và cùng thịnh vượng trên cơ sở thỏa thuận Thượng đỉnh với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un một năm trước đây.

“Đây là một con đường mới và chúng ta phải đi cùng nhau. Tuy nhiên cũng có những thời điểm trên con đường đó, chúng ta cần phải chờ đợi vì có những rào cản. Chúng ta cần phải vượt qua và tìm cách để tiếp tục đi cùng nhau. Đây là con đường tiến tới hòa bình mà tất cả chúng ta, người dân Hàn Quốc và Triều Tiên, đều phải bắt đầu cùng nhau”, Tổng thống Moon nhấn mạnh.

Nhân dịp tròn 1 năm kỉ niệm Tuyên bố Bàn Môn Điếm được kí kết giữa hai nhà lãnh đạo Hàn Quốc và Triều Tiên, Giáo hoàng Francis cũng cầu nguyện một kỉ nguyên hòa bình mới cho tất cả người dân trên Bán đảo Triều Tiên.

“Tôi xin gửi lời chúc mừng nhân dịp kỉ niệm 1 năm Tuyên bố Bàn Môn Điếm vì hòa bình, thịnh vượng và thống nhất trên Bán đảo Triều Tiên. Sự kiện này tạo cho chúng ta hy vọng về một tương lại dựa trên sự đoàn kết, đối thoại và thống nhất. Bằng sự kiên nhẫn và nỗ lực, ý nguyện theo đuổi hòa bình và thịnh vượng, chúng ta có thể vượt qua sự chia rẽ và đối đầu. Tôi xin cầu nguyện cho một kỉ nguyên hòa bình mới trên Bán đảo Triều Tiên”, Giáo hoàng nói.

Cách đây tròn 1 năm, dư luận cả thế giới đổ dồn sự chú ý vào làng đình chiến Bàn Môn Điếm khi ông Kim Jong Un trở thành nhà lãnh đạo cấp cao đầu tiên của Triều Tiên bước chân qua biên giới sang phía Hàn Quốc kể từ khi Bán đảo này xảy ra nội chiến cách đây 70 năm.

Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều đầu tiên giữa Tổng thống Moon Jae In và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un không chỉ mang lại làn gió mới cho quan hệ ngoại giao song phương, mà còn giúp xoa dịu những căng thẳng vốn phủ bóng quan hệ song phương trong nhiều năm và tái khởi động những mối liên hệ và trao đổi liên Triều đã trì hoãn từ lâu.

Hàng loạt các bước tiến được đưa ra với 2 hội nghị Thượng đỉnh liên Triều được tổ chức sau đó, với các dự án hợp tác hai bên được khởi động. Mối quan hệ liên Triều được cải thiện cũng tạo điều kiện thúc đẩy đàm phán về vấn đề hạt nhân trên Bán đảo Triều Tiên giữa Mỹ và Triều Tiên được cả thế giới hoan nghênh.

Tuy nhiên, 1 năm sau sự kiện lịch sử đó giới quan sát nhận định, giấc mơ về thống nhất hòa bình trên Bán đảo Triều Tiên và thực tế vẫn còn rất xa vời. Tờ Dong-A Ilbo của Hàn Quốc hôm 27/4 nhận định, mối quan hệ giữa Triều Tiên và Hàn Quốc dường như đang trở lại “mô hình cũ”.

Điều đó được thể hiện khá rõ trong ngày kỉ niệm tròn 1 năm Tuyên bố chung Bàn Môn Điếm. Triều Tiên không đáp lại lời mời của Hàn Quốc tới dự lễ kỷ niệm. Thay vào đó, Hãng thông tấn trung ương Triều Tiên (KCNA) lên tiếng chỉ trích các cuộc tập trận chung giữa Hàn Quốc và Mỹ, đồng thời cảnh báo rằng những hoạt động quân sự chung “thiếu thận trọng” của hai nước đồng minh này sẽ chỉ đem lại “sự hối tiếc” và hậu quả khôn lường.

Vấn đề cải thiện quan hệ liên Triều trong quá khứ cho thấy luôn đối mặt với những thách thức và khó khăn.

Mối quan hệ này không chỉ bị chi phối bởi ý chí của lãnh đạo và người dân hai nước, mà còn bị tác động nhiều bởi quan hệ Mỹ- Triều cũng như vấn đề phi hạt nhân hóa trên Bán đảo Triều Tiên.

Để con đường hòa bình giữa hai quốc gia láng giềng này được hiện thực hóa cần sự hỗ trợ lớn hơn nữa của cộng đồng quốc tế.

Bộ trưởng Thống nhất Hàn Quốc Kim Yeon Chul hôm qua kêu gọi các bên liên quan thực hiện hóa giấc mơ hòa bình trên trên Bán đảo Triều Tiên: “Tôi nghĩ đây là thời điểm để thúc đẩy các nỗ lực nối lại các cuộc đối thoại giữa Mỹ và Triều Tiên. Hội nghị Thượng đỉnh Nga - Triều vừa qua có thể là chất xúc tác để thúc đẩy tiến trình này”.

Với mong muốn tháo gỡ bế tắc và khởi động lại các cuộc đàm phán phi hạt nhân hóa, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In gần đây bày tỏ hy vọng tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh liên Triều lần 4 với nhà lãnh đạo Kim Jong Un nhưng phía Triều Tiên chưa phản hồi về đề nghị này./.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại