Những lời phát biểu mang tính cảnh báo nói trên của Chủ tịch Kim trong cuộc gặp với Tổng thống Putin hôm 26/4 dường như có mục đích là nhằm thúc đẩy Washington linh hoạt hơn trong việc giải quyết các yêu cầu, đòi hỏi của Triều Tiên về việc nới lỏng các biện pháp trừng phạt quốc tế nhằm vào Bình Nhưỡng.
Tổng thống Mỹ Donald Trump dường như rất bình thản trước cảnh báo mới nhất của Chủ tịch Kim Jong Un, nói rằng rất nhiều tiến bộ đã đạt được trong quá trình tìm kiếm một thỏa thuận. Ông Trump gây bất ngờ khi bày tỏ sự hoan nghênh và khen ngợi đối với ông Putin về việc đã ủng hộ cho tiến trình này.
"Tôi cho rằng, chúng ta đang làm rất tốt với Triều Tiên. Rất nhiều tiến bộ đã đạt được. Tôi đánh giá cao phát biểu ngày hôm qua của Tổng thống Putin. Ông ấy muốn chứng kiến một thỏa thuận được ký kết với Triều Tiên. Tôi cho rằng, có rất nhiều sự mong đợi trong việc ký được một thỏa thuận với Triều Tiên", ông Trump đã phát biểu như vậy trước các phóng viên ở Nhà Trắng.
Sau cuộc gặp trực tiếp mặt đối mặt đầu tiên với ông Kim ở thành phố cảng Vladivostok của Nga hôm 26/4, Tổng thống Putin cho rằng, những đảm bảo về an ninh mà Mỹ đưa ra cho Triều Tiên có thể chưa đủ để thuyết phục Bình Nhưỡng từ bỏ chương trình vũ khí hạt nhân.
Ông Putin tin rằng, bất kỳ sự đảm bảo nào của Mỹ đều cần phải được ủng hộ bởi các nước khác – những nước tham gia vào tiến trình đàm phán 6 bên về vũ khí hạt nhân của Triều Tiên. Những nước đó gồm Nga, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un đã không đạt được bất kỳ thỏa thuận nào trong Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai diễn ra ở Hà Nội hôm 27/2 và 28/2. "Không thỏa thuận nào đạt được trong lần này, nhưng các đội ngũ làm việc của hai bên vẫn trông chờ vào cuộc gặp gỡ trong tương lai", thư ký báo chí của Nhà Trắng - bà Sarah Sanders cho biết trong một tuyên bố.
Cuộc gặp thượng đỉnh lần thứ hai giữa ông Trump và ông Kim đã không đạt được kết quả như mong đợi dù trước đó nó đã được kỳ vọng khá nhiều.
Nguyên nhân khiến hội nghị thượng đỉnh lần này không đạt được thỏa thuận là do có một khoảng cách trong lập trường của hai bên. Mỹ và Triều Tiên vốn vẫn mâu thuẫn về việc dỡ bỏ các biện pháp trừng phạt. Bình Nhưỡng luôn đòi hỏi Mỹ phải dỡ bỏ hoàn toàn các biện pháp trừng phạt nhằm vào nước họ trước khi họ phi hạt nhân hóa hoàn toàn bán đảo Triều Tiên. Trong khi đó, Mỹ đòi hỏi Triều Tiên phải tiến hành phi hạt nhân hóa một cách đầy đủ và có kiểm chứng trước khi họ hủy bỏ chính sách trừng phạt.
Ngày hôm qua, Chủ tịch Kim Jong Un bày tỏ, ông này muốn chờ đợi cho đến cuối năm nay để xem Mỹ có hành động linh hoạt hơn không. "Tình hình trên bán đảo Triều Tiên và khu vực hiện đang bế tắc và đi tới điểm có thể quay trở lại tình trạng ban đầu do Mỹ đơn phương thể hiện sự thiếu thiện chí tại hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều Tiên lần thứ hai", hãng thông tấn chính thức của Triều Tiên – KCNA dẫn lời ông Trump phát biểu.
"Triều Tiên sẽ chuẩn bị cho mọi tình huống có thể xảy ra", ông Kim Jong Un cảnh báo.
Triều Tiên đã không tiến hành thử vũ khí hạt nhân hoặc tên lửa trong hơn một năm qua. Tuy nhiên, gần đây, có rất nhiều thông tin về việc Bình Nhưỡng có thể đang rục rịch chuẩn bị tái khởi động trở lại các hoạt động tên lửa và hạt nhân.