Hé lộ sứ mệnh đặc biệt được ông Kim Jong Un phó thác, vị thế tổng thống Putin tăng vọt

Hải Võ |

Hội nghị thượng đỉnh đầu tiên giữa chủ tịch Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 25/4 đã kéo dài đến 3 tiếng rưỡi đồng hồ.

Ông Kim nhờ ông Putin chuyển lời tới Mỹ

Cuộc gặp giữa hai ông Kim và Putin bắt đầu từ 14h05 (giờ địa phương) tại Đại học liên bang Viễn Đông, Vladivostok, Nga. Trong 3 tiếng rưỡi lịch trình sự kiến, có đến 2 giờ đồng hồ dành cho cuộc đối thoại 1-1 của hai nhà lãnh đạo.

Trả lời báo chí sau cuộc gặp, ông Putin đánh giá cuộc gặp với ông Kim là "hết sức triệt để", "hài lòng với kết quả hội đàm". Tổng thống Nga mô tả "Ủy viên trưởng Kim Jong Un là một người tương đối cởi mở, chúng tôi đã tự do thảo luận trong tất cả các vấn đề của nghị trình".

Sina (Trung Quốc) dẫn tin từ hãng Tass (Nga) cho hay, sau cuộc đối thoại 1-1, lãnh đạo Nga-Triều đã trả lời ngắn gọn báo chí. Trong đó, ông Putin thông báo: "Ngày mai (26/4), tôi sẽ có mặt tại Bắc Kinh và hội đàm với lãnh đạo Trung Quốc. Đương nhiên chúng tôi cũng sẽ công khai, thẳng thắn thảo luận với Mỹ về cuộc gặp [Nga-Triều]."

"Tại đây không có bí mật gì cả. Lập trường của Nga luôn luôn cởi mở, không có âm mưu," ông nói, đặc biệt tiết lộ thêm "đích thân ngài Kim Jong Un đã đề nghị chúng tôi thông báo với Mỹ về lập trường của ông ấy."

Trước khi hội đàm với tổng thống Putin, chủ tịch Triều Tiên nói ông "kỳ vọng [Nga-Triều] có thể trao đổi đánh giá và quan điểm trong vấn đề [bán đảo Triều Tiên], cũng như tiến hành cuộc hội đàm có ý nghĩa, thảo luận phương án cùng nhau giải quyết vấn đề này".

Mục đích của Triều Tiên sau lời nhờ cậy Nga là gì?

Tại hội nghị thượng đỉnh lần thứ hai giữa ông Kim Jong Un với tổng thống Mỹ Donald Trump hồi tháng 2 vừa qua, phía Triều Tiên cho biết họ yêu cầu Mỹ dỡ bỏ một phần các biện pháp cấm vận có ảnh hưởng đến đời sống người dân nước này, để đổi lại Bình Nhưỡng phá dỡ khu phức hợp hạt nhân Yongbyon. Triều Tiên tin rằng đây là sự chủ động nhượng bộ đáng kể trong vấn đề phi hạt nhân hóa.

Trước đó khi hai ông Trump-Kim gặp nhau tháng 6/2018, Trung Quốc từng kêu gọi dỡ bỏ một phần trừng phạt đối với Triều Tiên, trong khi Hàn Quốc cũng hưởng ứng thúc đẩy chương trình du lịch ở núi Kim Cương (Triều Tiên) và tái khởi động khu công nghiệp chung Kaesong. Tuy nhiên, Mỹ bác bỏ đề xuất dỡ cấm vận.

Trong chuyến thăm Mỹ hồi giữa tháng này, tổng thống Hàn Quốc Moon Jae In cũng đề cập lại các kế hoạch kết nối với Triều Tiên, nhưng tiếp tục bị Washington phản đối.

Đối với nhà lãnh đạo Kim Jong Un, việc Nga-Trung-Hàn có thể chấp nhận dỡ bỏ cấm vận và nới lỏng chính sách hơn trong thực thi cấm vận hay không chính là then chốt trong diễn biến tiếp theo. Nói cách khác, việc "đi vòng" qua Mỹ để thúc đẩy giải trừ cấm vận là điều không thể bỏ qua lúc này.

Vị thế mới của Nga trong vấn đề Triều Tiên

Trong giai đoạn đầu, tương tác của Triều Tiên chủ yếu xoay quanh Mỹ và Hàn Quốc, với ba hội nghị thượng đỉnh liên Triều và hai hội nghị Mỹ-Triều. Sau khi hội nghị Trump-Kim 2.0 không thu được kết quả, thì đến nay, vai trò của Nga đang nổi lên trong tư cách ủy viên thường trực Hội đồng bảo an Liên hợp quốc, đồng thời là bên có lập trường cứng rắn với Mỹ. Moskva là nhân tố xứng đáng để ông Kim cân nhắc trong nỗ lực mở ra "đột phá khẩu".

Với hội nghị Putin-Kim, Triều Tiên kỳ vọng Nga phát huy vai trò quan trọng. Trung Quốc do vướng vào cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ nên trong vấn đề Triều Tiên thường bám sát theo nghị quyết của HĐBA, trong khi Nga có thái độ cứng rắn với Washington hơn rất nhiều so với Bắc Kinh. Như thế, việc lãnh đạo Triều Tiên "mượn lời" ông Putin để truyền đạt lập trường tới Mỹ và Trung Quốc là hợp lý.

Sau cuộc gặp với ông Kim, ông Putin đã tới Trung Quốc dự Diễn đàn cấp cao hợp tác Vành đai, Con đường và theo lịch trình có cuộc gặp với chủ tịch Tập Cận Bình. Cùng với đó, việc ông Kim đề nghị tổng thống Nga thông báo lập trường của mình tới Mỹ đã tạo thành một trục tương tác mới Mỹ-Triều-Nga-Trung.

Trong giai đoạn trước, Bình Nhưỡng thông qua tương tác với Hàn Quốc và Trung Quốc để gửi các thông điệp tới Mỹ. Từ Mỹ-Triều-Hàn-Trung đến Mỹ-Triều-Nga-Trung, ông Kim Jong Un dường như còn gửi tín hiệu rõ ràng đến Seoul rằng nếu Hàn Quốc không thể thúc đẩy tiến triển từ phía Mỹ thì nước này có thể bị "rớt" khỏi mạng lưới tương tác với Bình Nhưỡng.

Trong khi Moskva đạt được mục tiêu là có tiếng nói được ghi nhận trong vấn đề Triều Tiên, Bình Nhưỡng cũng đã thành công trong việc "mượn tay" ông Putin làm đòn bẩy để gây sức ép lên Seoul nhằm nhanh chóng tạo ra đột phá trong đàm phán hạt nhân với Mỹ.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại