Xuất khẩu thép của Trung Quốc đang ở mức cao nhất trong 8 năm do cuộc khủng hoảng bất động sản đã làm suy yếu tiêu dùng nội địa ở nước này và gây ra lo ngại về tình trạng dư cung toàn cầu trong một số ngành công nghiệp.
Theo số liệu từ Cục Thống kê Quốc gia của Trung Quốc, trong hai tháng đầu năm nay, xuất khẩu thép của Trung Quốc đã tăng 32,6% so với cùng kỳ năm trước lên 15,9 triệu tấn, là mức cao nhất kể từ năm 2016 trong giai đoạn này.
Các nhà phân tích tin rằng xuất khẩu thép của Trung Quốc trong năm nay sẽ bằng hoặc vượt mức so với năm ngoái do Trung Quốc nỗ lực kích thích nền kinh tế và những nỗ lực cắt giảm sản xuất dường như là chưa đủ.
Thép là một phong vũ biểu quan trọng cho thấy sự tăng trưởng trong nền kinh tế thâm dụng đầu tư của Trung Quốc, nền kinh tế mà nhiều người lo ngại sẽ chuyển sang tình trạng dư cung trong các lĩnh vực từ ô tô đến tấm pin mặt trời do tiêu dùng nội địa phục hồi yếu hơn dự kiến sau đại dịch.
Trung Quốc sản xuất khoảng 55% lượng thép của thế giới, do đó, ngay cả một sự gia tăng nhỏ trong xuất khẩu cũng có thể gây áp lực giá trên thị trường thế giới. Lần cuối cùng xuất khẩu thép của Trung Quốc đạt mức cao như vậy là trong thời kỳ kinh tế suy thoái từ năm 2015 đến 2016.
Colin Richardson, người đứng đầu bộ phận thép tại cơ quan báo cáo giá Argus Media cho biết: “Có quá nhiều thép trên thế giới… Ngay cả khi Trung Quốc thoái lui, vẫn còn rất nhiều thép”.
Tomas Gutierrez, nhà phân tích của Kallanish Commodities cho biết, các công ty thép Trung Quốc bắt đầu đưa ra các hợp đồng xuất khẩu với mức chiết khấu đáng kể.
“Kỳ vọng ban đầu của chúng tôi là xuất khẩu có thể giảm bớt trong năm nay nếu thị trường bất động sản ổn định. Nhưng với tình hình bất động sản vẫn đang sụt giảm, có vẻ như chắc chắn rằng xuất khẩu sẽ mạnh mẽ từ ngay thời điểm này”, ông cho biết.
Harry Murphy Cruise, nhà kinh tế tại Moody's Analytics cho biết, triển vọng kinh tế yếu hơn cũng ảnh hưởng đến giá quặng sắt.
“Việc thiếu các biện pháp kích thích có ý nghĩa từ các phiên họp của các nhà chức trách Trung Quốc tuần trước đã làm sứt mẻ đường ống xây dựng trong năm nay, đẩy giá quặng sắt xuống chỉ còn khoảng 100 USD/tấn, mức thấp nhất kể từ tháng 8/2023”, ông cho biết.
Bên cạnh nhu cầu nội địa yếu hơn ở Trung Quốc, chính sách tiền tệ dễ dàng hơn ở các thị trường phát triển, dự kiến sẽ được áp dụng vào cuối năm nay, sẽ tạo động lực bên ngoài cho xuất khẩu thép của nước này.
Colin Hamilton, nhà phân tích hàng hóa tại BMO cho biết, Trung Quốc đang chuyển thép sang các dự án cơ sở hạ tầng ở nước ngoài tại các thị trường đang phát triển mà họ thường tự tài trợ và xây dựng, chẳng hạn như các thị trường thuộc Sáng kiến Vành đai và Con đường.
Một số nhà phân tích cho biết, các nhà sản xuất phương Tây được bảo vệ tốt hơn khỏi tác động của xuất khẩu ngày càng tăng của Trung Quốc so với năm 2016, phần lớn nhờ thuế quan và các rào cản thương mại khác nhắm vào hàng nhập khẩu của Trung Quốc, cũng như trợ cấp cho thép xanh.
Tuy nhiên, thép Trung Quốc vẫn đang tìm đường vào thị trường phương Tây thông qua các quốc gia châu Á khác.
Việt Nam tăng nhập khẩu thép Trung Quốc gấp 3 lần
Theo Tổng Cục hải quan, trong 2 tháng đầu năm 2024, lượng sắt thép nhập khẩu về Việt Nam đạt hơn 2,6 triệu tấn, gần gấp đôi so với cùng kỳ năm trước.
Trong đó, Trung Quốc là thị trường nhập khẩu lớn nhất, chiếm tỷ trọng gần 70%, tương đương 1,8 triệu tấn, trị giá hơn 1,1 triệu USD, tăng đột biến gấp 3 lần (191%) về lượng và 2,3 lần (133%) về giá trị. Giá nhập khẩu mặt hàng này từ Trung Quốc đạt 627,6 USD/tấn, giảm hơn 20% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngành thép Việt Nam vốn đang khó khăn khi nhu cầu thấp, nay lại thêm sức ép to lớn bởi thép nhập khẩu giá rẻ từ Trung Quốc.
Từ đầu quý I, giá nguyên vật liệu (quặng sắt, than coke, phế, ..) giảm, nhưng các chi phí tài chính và tỷ giá USD tăng khá cao, cộng với nhu cầu tiêu thụ thép thấp khiến các nhà máy phải điều chỉnh giảm giá bán nhằm bù lại một phần chi phí sản xuất tăng.
Do đó, từ đầu tháng 3, các doanh nghiệp như Hòa Phát, Việt Đức thông báo điều chỉnh giảm giá bán sau hơn 4 tháng tăng liên tiếp để mở rộng hoặc giữ thị phần. Nhiều nhà máy sản xuất còn phải chịu cảnh tạm dừng các lò do tồn kho lớn.
Việc thép ồ ạt tràn về Việt Nam đặt ra yêu cầu về giám sát. Theo thống kê từ Hiệp hội Thép Việt Nam, giai đoạn 2016 - 2023, Việt Nam đã khởi xướng điều tra 10 vụ việc phòng vệ thương mại liên quan đến sản phẩm thép nhập khẩu. Trong đó, đa phần các vụ việc, sản phẩm thép có xuất sứ từ Trung Quốc.
Trong một báo cáo mới đây, bộ phận phân tích của CTCP Chứng khoán SSI (SSI Research) kỳ vọng giá thép có thể phục hồi trong thời gian tới, tuy nhiên giá khó có thể tăng mạnh vì thị trường bất động sản ở Trung Quốc chưa có nhiều khởi sắc, nhu cầu chung vẫn đang bị ảnh hưởng.