Theo số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan, nhập khẩu than các loại của Việt Nam đạt hơn 4,8 triệu tấn, tương đương gần 630 triệu USD trong tháng 12/2023, giảm 3,2% về lượng và giảm 8,6% về trị giá so với tháng trước đó.
Tính chung cả năm 2023, nhập khẩu than các loại đạt hơn 51,1 triệu tấn, trị giá hơn 7,1 tỷ USD, tăng mạnh 61,4% về lượng, tăng 0,7% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022. Giá nhập khẩu bình quân ghi nhận giảm kỷ lục, đạt 140,2 USD/tấn, giảm 37,6% so với cùng kỳ năm 2022.
Xu hướng chuyển đổi dòng chảy cung cấp than từ châu Âu sang châu Á đã bùng nổ trong năm 2023, sau khi châu Âu dừng mua hàng vì các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga. Việt Nam cũng không phải ngoại lệ và kéo theo sản lượng nhập khẩu tăng vọt.
Xét về thị trường, Úc là nhà cung cấp than lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023 với 19,8 triệu tấn, đạt trị giá hơn 3,28 tỷ USD, tăng 17,6% về lượng nhưng giảm 23,1% về giá so với cùng kỳ. Đứng sau lần lượt là Indonesia và Nga.
Trong đó, Việt Nam đang tăng mạnh nhập khẩu từ Indonesia với giá rẻ nhất trong tất cả các thị trường.
Cụ thể, trong tháng 12/2023, nhập khẩu than từ quốc gia Đông Nam Á đạt hơn 1,9 triệu tấn với trị giá hơn 179,4 triệu USD, tăng 106,4% so với tháng 12/2022. Lũy kế 12 tháng, Việt Nam chi gần 2,1 tỷ USD để nhập khẩu 19,2 triệu tấn than từ Indonesia, tăng 49,5% về sản lượng và tăng 8,5% về trị giá so với cùng kỳ năm 2022.
Thị trường này chiếm tỷ trọng 37,6% về lượng và 28,8% về kim ngạch. Giá nhập khẩu bình quân đạt 111 USD/tấn, giảm 27,4% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu của tổ chức tư vấn môi trường Ember, sản lượng điện đốt than trên toàn cầu là 8.295 terawatt giờ (TWh) tính đến tháng 10/2023, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2022 và là mức cao nhất được ghi nhận. Tổng xuất khẩu than nhiệt là 1,004 tỷ tấn trong cả năm, tăng 62,5 triệu tấn hay 6,6% so với năm 2022, dữ liệu theo dõi tàu biển từ Kpler.
Khai thác, xuất khẩu và nhập khẩu than cũng như việc sử dụng than trong sản xuất điện tập trung chủ yếu ở châu Á, vì nhiều nơi khác trên thế giới bao gồm châu Âu và Bắc Mỹ đã áp dụng các biện pháp giảm dần việc sử dụng than làm điện. Nhưng ngay cả khi khu vực địa lý sử dụng và buôn bán than đang bị thu hẹp, khối lượng khai thác, xuất khẩu và tiêu thụ hoàn toàn trong các nhà máy điện vẫn có xu hướng tăng lên.
Dữ liệu của Ember cho thấy tại các quốc gia nhập khẩu than lớn, sản lượng điện đốt than tăng so với cùng kỳ năm trước ở Trung Quốc, Ấn Độ, Philippines, Thổ Nhĩ Kỳ và Việt Nam. Sản lượng đốt than giảm 8,2% ở Nhật Bản và 4% ở Hàn Quốc, nhưng mức giảm đó gần như được bù đắp bằng mức tăng chỉ riêng ở Việt Nam trong năm ngoái.
Trên toàn cầu, khoảng 82% tổng sản lượng điện đốt than diễn ra ở châu Á vào năm 2023, tăng từ mức trung bình khoảng 75% vào năm 2019. Tỷ lệ sử dụng và nhập khẩu than của châu Á sẽ tiếp tục tăng khi các khu vực khác tiếp tục giảm tiêu thụ than.
Tuy nhiên, tổng khối lượng than nhập khẩu và tiêu thụ để sản xuất điện của châu Á cũng sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt là ở các nền kinh tế lớn và đang phát triển nhanh như Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Philippines và Indonesia, nơi nguồn năng lượng giá rẻ vẫn rất quan trọng đối với khả năng cạnh tranh của ngành.
Những quốc gia tương tự cũng cam kết tăng mạnh việc triển khai các nguồn năng lượng tái tạo, nhưng trong thời gian tới, họ có vẻ có khả năng tiếp tục đẩy tổng lượng than sử dụng và lượng khí thải lên mức cao hơn nữa.