Vài năm tới sẽ là một phép thử cho tham vọng của Ấn Độ, đó là trở thành trung tâm sản xuất có thể cạnh tranh với Trung Quốc.
Một dấu hỏi lớn là nước này có thể xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu nhanh đến mức nào để thực sự nắm bắt được cơ hội. Dù đã có những bước tiến gần đây, nước này cần phải làm nhiều hơn nữa để thu hút các nhà đầu tư khu vực tư nhân, tờ Wall Street Journal nhận định.
Ấn Độ đang trải qua thời kỳ “phục hưng sản xuất” do Apple và các nhà cung ứng Đài Loan (Trung Quốc) dẫn đầu. Trong năm tài chính vừa rồi, Ấn Độ là nước xuất khẩu smartphone có giá trị ròng khoảng 11 tỷ USD. Theo ngân hàng đầu tư Macquarie, khoảng một nửa trong số đó là sản phẩm của Apple.
Apple đang mở đường cho các nhà sản xuất khác muốn lấy Ấn Độ làm trung tâm. Tuy vậy, cơ sở hạ tầng còn yếu kém của Ấn Độ – điển hình là những con đường đầy ổ gà và những chuyến tàu dễ gặp tai nạn, đã “ngáng chân” nhiều nhà đầu tư đến với nước này. Các kế hoạch tăng cường nâng cấp cơ sở hạ tầng do chính phủ Ấn Độ đầu tư có thể xoa dịu một số lo lắng này.
Dẫu vậy, khu vực tư nhân rốt cục cũng sẽ phải tham gia vào công cuộc này vì nợ chính phủ của Ấn Độ hiện đang khá cao. Dự án Cơ sở hạ tầng quốc gia của Ấn Độ dự kiến chi 111 nghìn tỷ rupee (1,33 nghìn tỷ USD) từ năm tài chính 2020 đến 2025. Trong đó, năng lượng, đường bộ, cơ sở hạ tầng đô thị và đường sắt chiếm phần lớn.
Bên cạnh đó, tốc độ xây dựng đường cao tốc đã tăng gấp 6 lần so với giai đoạn 2002-2010. Tốc độ trung bình của tàu chở hàng đã tăng hơn 50% trong hai năm qua, và thời gian chờ đợi tại các cảng đã giảm 80% kể từ năm 2015, theo Macquarie. Còn theo công ty tư vấn Gavekal, mạng lưới đường bộ của Ấn Độ có tổng chiều dài 6,3 triệu km, tăng khoảng 40% trong thập kỷ qua và đứng thứ ba thế giới.
Quốc gia này cũng đã cắt giảm các thủ tục hành chính để giảm thiểu tình trạng đội vốn và chậm tiến độ. Tuy nhiên, dữ liệu của chính phủ từ tháng 10 cho thấy gần một nửa trong số 1.788 dự án cơ sở hạ tầng quy mô lớn do chính quyền trung ương giám sát đã bị chậm tiến độ và bị đội vốn khoảng 17%.
Theo Ngân hàng Thế giới, việc Ấn Độ tập trung củng cố cơ sở hạ tầng kém chất lượng là rất quan trọng để thu hút đầu tư vào lĩnh vực sản xuất – vốn chỉ chiếm chiếm 13% GDP nước này vào năm ngoái, so với 28% của Trung Quốc. Theo Macquarie, chi phí hậu cần chiếm từ 18%-20% tổng chi phí sản xuất ở Ấn Độ, so với 8%-10% ở Trung Quốc.
Ấn Độ đang bắt đầu “vay mượn” kế hoạch phát triển cơ sở hạ tầng của Trung Quốc, nhưng vẫn còn một chặng đường dài phía trước. Theo Bernstein, tổng vốn cố định của Trung Quốc đạt đỉnh 45% GDP vào năm 2009, tăng từ mức 25% vào năm 1990 với nguồn đầu tư của chính phủ là yếu tố chính. Còn với Ấn Độ, tỷ lệ này hiện ở mức khoảng 30% GDP, tăng từ mức 20% vào những năm 2000 với phần lớn từ đóng góp tư nhân và hộ gia đình.
Hơn nữa, trong khi Ấn Độ có thể muốn tăng đầu tư công vào cơ sở hạ tầng, thì nước này vẫn khó có thể sánh được với mức độ đầu tư của Trung Quốc. Gánh nặng nợ công của Ấn Độ chiếm khoảng 85% GDP, chỉ đứng sau Brazil trong số các nền kinh tế mới nổi. Quỹ Tiền tệ Quốc tế cảnh báo rằng nợ chính phủ của Ấn Độ có thể vượt quá 100% GDP trong trung hạn.
Điều đó gây ra một không gian tài chính hạn hẹp cho chính phủ nước này tăng cường chi tiêu vô thời hạn. Nhiều người hy vọng rằng việc chính phủ cấp thêm vốn cho cơ sở hạ tầng cũng sẽ giúp thu hút đầu tư vào khu vực tư nhân bằng cách loại bỏ các nút thắt về hậu cần và chia sẻ rủi ro tài chính. Gavekal nói rằng nếu khu vực tư nhân có thể thực hiện được thì Ấn Độ có thể duy trì được tổng chi tiêu vốn hàng năm tăng trưởng lên tới 10%.
Bắt kịp Trung Quốc không nhất thiết có nghĩa là sao chép toàn bộ chiến lược của nước này. Để đáp ứng tham vọng sản xuất của mình, Ấn Độ phải tìm ra con đường riêng để nâng cấp cơ sở hạ tầng của mình.