Đó là bông. Theo số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan, trong tháng 12/2023, Việt Nam đã nhập khẩu 121.171 tấn bông, với trị giá hơn 241 triệu USD, tăng 1,7% về trị giá so với cùng kỳ tháng trước đó. Đặc biệt, lũy kế cả năm 2023, nước ta đã nhập khẩu hơn 1,3 triệu tấn bông (giảm 6,8% so với năm 2022), với tổng giá trị hơn 2,8 tỷ USD. Con số này giảm mạnh 29,7% về trị giá so với năm 2022.
Theo Tổng cục Hải quan, sở dĩ trị giá giảm mạnh là do giá bông nhập khẩu về Việt Nam trong năm 2023 đã giảm xuống mức thấp, đạt 2.117 USD/tấn. Trong khi đó, trong năm 2022, bình quân giá bông nhập khẩu về nước ta là 2.807 USD/tấn.
Úc, Mỹ, Ấn Độ lần lượt là 3 nhà cung cấp bông lớn nhất của Việt Nam trong năm 2023 (theo số liệu từ Tổng cục Hải quan). Biểu đồ: MH
Về thị trường nhập khẩu, trong năm 2023, Úc đã vượt qua Mỹ để trở thành nhà cung cấp bông lớn nhất cho Việt Nam. Cụ thể, tính đến hết tháng 12/2023, Việt Nam đã nhập từ Úc tổng cộng 467.718 tấn bông (tăng 10,6% so với cùng kỳ năm trước), với trị giá hơn 1,01 tỷ USD (giảm 15,8% so với năm 2022).
Trong khi đó, Mỹ là nhà cung cấp bông lớn thứ 2 cho Việt Nam. Nước ta đã nhập khẩu 416.505 tấn bông, với trị giá hơn 912 triệu USD trong năm 2023. Kế tiếp, Ấn Độ là nhà cung cấp bông lớn thứ 3 cho Việt Nam, với 61.126 tấn, trị giá hơn 91 triệu USD.
Vậy, câu hỏi đặt ra là vì sao Việt Nam lại chi tới hàng tỷ USD để nhập khẩu số lượng lớn bông từ các quốc gia trên thế giới?
Theo Tổng cục Hải quan, Việt Nam hiện đang là quốc gia nhập khẩu bông lớn thứ 3 trên thế giới, với sản lượng tiêu thụ lên tới 1,5 triệu tấn/năm. Sở dĩ Việt Nam chi hàng tỷ USD để nhập khẩu bông vì mặt hàng này là nguyên liệu đầu vào cho ngành công nghiệp xơ sợi và dệt may của Việt Nam. Trong khi đó, theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam (VITAS), sản lượng bông trong nước hiện nay mới chỉ đáp ứng được khoảng 1% nhu cầu; xơ, sợi khoảng 30%; vải 20%; công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển.
Theo Hiệp hội Bông Quốc tế (ICAC), giá bông sợi trung bình trên thế giới năm 2023 ước tính là 68,6 xu/Ib, giảm 9% so với năm 2022. Đây cũng là mức giảm thứ ba liên tiếp, kể từ năm 2021. Nguyên nhân chính là vì nhu cầu tiêu thụ bông sợi giảm mạnh do đại dịch Covid-19, trong khi đó sản lượng sản xuất vẫn cao dẫn tới tình trạng bị dư thừa nguồn cung.
Mặt khác, giá của bông sợi còn bị ảnh hưởng vì giá của những nguyên liệu thay thế như visco, polyester, chính sách thương mại của các quốc gia… Theo ICAC, giá bông được dự báo sẽ có xu hướng tăng vì nhu cầu dần hồi phục trong năm 2024.
Cơ hội chuyển mình cho ngành Dệt may trong năm 2024
Theo Hiệp hội Dệt may Việt Nam, tổng kim ngạch xuất khẩu của ngành Dệt may trong năm 2023 ước đạt 40,3 tỷ USD, giảm 9,2% so với năm 2022. Trong số đó, xuất khẩu hàng may mặc ước giảm 3,1 tỷ USD (tương đương với 8,9%), vải ước giảm 186 triệu USD (tương đương 6,9%), xơ sợi ước giảm 485 triệu USD (tương đương 10,3%) và nguyên phụ liệu ước giảm 218 triệu USD (tương đương 16%).
Tại Hội nghị Tổng kết năm 2023, ông Vũ Đức Giang, Chủ tịch Hiệp hội Dệt may việt Nam đã chia sẻ về những khó khăn, thách thức, áp lực về giá, chi phí sản xuất, sự thiếu hụt đơn hàng, sự cạnh tranh gay gắt trên thị trường, áp lực về công ăn việc làm cho người lao động… mà cộng đồng doanh nghiệp dệt may phải đối mặt trong suốt năm 2023. Mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn nhưng các doanh nghiệp dệt may cũng cho thấy nhiều nỗ lực trong việc đa dạng hóa thị trường, sản phẩm và đặc biệt là xuất khẩu đến 104 thị trường trên thế giới, đạt được doanh thu ấn tượng tại các thị trường mới như châu Phi, Nga…
Bên cạnh đó, tuy kim ngạch xuất khẩu dệt may không đạt được mục tiêu 45 – 47 tỷ USD đặt ra vào đầu năm 2023, nhưng VITAS nhận định, trong năm 2023, cơ cấu của mặt hàng xuất khẩu có sự thay đổi rõ rệt. Cụ thể, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực của dệt may như đồ nỏ, quần áo trẻ em, quần short… giảm mạnh. Ngược lại, các mặt hàng như quần jeans, quần áo y tế, đồ bảo hộ lao động, bộ comple lại tăng nhanh.
Trong năm 2024, căn cứ vào triển vọng phục hồi kinh tế thế giới và dự báo về tình hình kinh tế của Việt Nam, VITAS đưa ra mục tiêu phấn đấu về tổng kim ngạch xuất khẩu của toàn ngành trong năm 2024 sẽ đạt 44 tỷ USD, tăng 9,2% so với năm 2023.
Để đáp ứng mục tiêu kim ngạch xuất khẩu của ngành Dệt may trong năm 2024, trong năm 2024, Việt Nam vẫn sẽ nhập khẩu nhiều bông từ các quốc gia khác trên thế giới. Bởi nguyên liệu bông xơ chiếm tỉ trọng lớn trong cơ cấu giá thành xuất khẩu của sản phẩm dệt may hiện nay.
Mặt khác, ngành Dệt may của Việt Nam có cơ hội chuyển mình một phần là do giá nguyên liệu quan trọng là bông được dự báo là sẽ có xu hướng tăng vì nhu cầu dần hồi phục. Ủy ban Cải cách và Phát triển Quốc gia Mỹ, quốc gia này sẽ cấp hạn ngạch nhập khẩu bông dựa theo thuế suất trượt lên tới 750.000 tấn bông cho những công ty quốc doanh. Việc này được cho là sẽ góp phần thúc đẩy nhu cầu về bông sẽ tăng trong thời gian tới.
Bài viết tham khảo nguồn: Customs, Vcosa, VITAS, ICAC