Một chú vẹt đả bại 21 sinh viên Harvard trong một trò chơi về trí nhớ

STEVE |

Loài vẹt xám châu Phi (Psittacus erithacus) có nhiều khả năng như sống hơn 50 năm, ghi nhớ nhiều từ tiếng Anh, và nếu có cơ hội, có thể chiến thắng cả một nhóm sinh viên Harvard trong trò chơi về trí nhớ.

Tên của chú vẹt là Griffin, và chú là chủ đề của một nghiên cứu được công bố gần đây vào ngày 6 tháng Năm trên tạp chí Scientific Reports. 

Các nhà nghiên cứu đã thử thách Griffin với một nhiệm vụ về trí nhớ, cụ thể là chú vẹt sẽ phải chỉ được một cục pom-pom (búi xơ vải/bông màu sắc sặc sỡ) ẩn dưới một chiếc cốc nhựa sau khi đã được tráo đổi qua lại trên mặt bàn nhiều lần. Trong cuộc thi này, chú vẹt Griffin đã hòa hoặc thắng 21 sinh viên Harvard ở 12 trong 14 vòng thi đấu.

“Hãy nghĩ xem: vẹt xám đánh bại các sinh viên Harvard. Điều đó mới tuyệt vời làm sao,”, tác giả chính của nghiên cứu, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ tại Harvard, Hrag Pailian cho hay. “Chúng tôi đã tập trung các sinh viên thuộc đủ các ngành từ kỹ thuât cho tới y khoa, và chú vẹt đơn giản là đã hoàn toàn đánh bại họ.”

Để công bằng thì, Griffin cũng không phải là một chú vẹt “thường thường”. Theo các tác giả nghiên cứu, chú chim 22 tuổi “đã là chủ đề của các nghiên cứu về nhận thức và giao tiếp kể từ khi được nhận nuôi lúc 7,5 tuần tuổi”

Người chăm sóc Griffin - nhà tâm lý học, đồng tác giả nghiên cứu, Irene Pepperberg - trước đó đã dạy khoảng 30 từ tiếng Anh cho chú vẹt, và khiến chú hiểu được nghĩa những từ này, bao gồm cả tên của những màu sắc. 

Vì vậy, Griffin không cần được huấn luyện đặc biệt gì để học cách chơi trò này. Pepperberg chỉ chơi mẫu vài lần cho chú vẹt xem, cũng không khác gì với những đối thủ con người của chú.

Bên cạnh các sinh viên Harvard, cũng có 21 trẻ nhỏ (tuổi từ 6 đến 8) tham gia vào trò chơi này. Mọi người (và vẹt) trưởng thành tham dự cuộc thí nghiệm sẽ chơi 120 vòng trò chơi này, trong khi với trẻ em là 36 vòng, được chia ra làm 14 thử thách theo cấp độ ngày càng khó hơn. 

Đầu tiên, người tham dự sẽ được yêu cầu nhớ vị trí của chỉ 2 cục bông ẩn dưới 2 chiếc cốc không bị di chuyển. Nhưng đến cuối ngày, những người tham dự sẽ phải theo dõi chuyển dịch của 4 cục bông khác màu dưới 4 chiếc cốc được tráo đổi vị trí ngẫu nhiên tới 4 lần. Sau đó, người tham dự sẽ phải trả lời cục bông màu nào nằm dưới chiếc cốc nào.

Một chú vẹt đả bại 21 sinh viên Harvard trong một trò chơi về trí nhớ - Ảnh 1.

Griffin đang tham gia cuộc chơi

Griffin có khả năng chỉ ra đúng cục pom-pom với độ chính xác cao hơn hẳn nhóm trẻ ở cả 14 vòng thi. Khi mà các sinh viên Harvard bắt đầu gặp khó khăn ở vòng có 3 cục pom-pom được tráo vị trí 3-4 lần, chú vẹt Griffin vẫn có độ chính xác 100%.

Chỉ vào cuối ngày, khi đến vòng thi có 4 cục pom-pom được đổi vị trí 3-4 lần, độ chính xác của Griffin mới đi xuống. (Độ chính xác của các sinh viên cũng giảm xuống rõ rệt ở vòng này, dù không nhiều như Griffin.)

Vậy, nghiên cứu về bộ não vẹt này cho chúng ta biết gì về khả năng nhận thức? Theo các nhà nghiên cứu, cả những người (và chim) tham gia đều sử dụng một khả năng của trí nhớ ngắn hạn, có thể gọi là “khả năng thao túng” (manipulation) để hoàn thành các thử thách. 

Họ không chỉ có khả năng ghi nhớ cục pom-pom nào ở dưới cốc nào khi không nhìn thấy, họ còn có thể xử lí các thông tin này sau khi những chiếc cốc được tráo đổi vòng quanh. Sự thật là một chú vẹt có khả năng vượt qua 42 người tham dự có thể là manh mối cho việc khả năng thao túng là một kĩ năng tiến hóa cổ xưa, có từ một loài tổ tiên chung từ nhiều triệu năm trước.

Dù bị một chú chim đánh bại trong trò chơi, mọi sinh viên Harvard đều vẫn sẽ tiếp tục mọi quyền lợi trong môi trừng giáo dục Ivy League. Chú vẹt Griffin thì lại chỉ được thưởng chút hạt điều khô, các nhà nghiên cứu cho biết.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại