Vào giữa thế kỷ 20, nước Anh đã xảy ra một hiện tượng lạ: hàng đàn vẹt đuôi dài xanh (burgeoning parakeet) với số lượng lên đến cả ngàn con đột nhiên xuất hiện ở quốc gia này. Mà vấn đề nằm ở chỗ, chúng vốn là loài bản địa của Úc, châu Phi và các nước thuộc châu Mỹ Latin.
Làm sao chúng đến được châu Âu? Trong nhiều năm, rất nhiều câu chuyện và giả thuyết đã được thêu dệt ra. Trong đó, giả thuyết nổi tiếng nhất cho rằng đây là những con vẹt trong bộ phim The African Queen (Nữ hoàng châu Phi) do nam diễn viên Humphrey Bogart thủ vai. Bộ phim này từng được quay tại Ealing (London, Anh) vào năm 1951.
Một giả thuyết khác thì cho rằng đây là những con vẹt do nghệ sĩ guitar Jimi Hendrix thả ra trên đường đi lưu diễn tại Carnaby (London) vào thập niên 60. Ngoài ra, cũng có người cho rằng trận bão Great Storm khủng khiếp vào năm 1987 đã phá vỡ một con thuyền chở hàng nào đó, khiến hàng trăm con vẹt lọt ra ngoài tự nhiên.
Vậy rốt cục thì sự thật như thế nào? Các chuyên gia từ ĐH Queen Mary, ĐH College London và ĐH Goldsmiths mới đây đã tìm ra câu trả lời, và nó chẳng liên quan gì đến các giả thuyết trên cả.
Cụ thể theo như nghiên cứu đăng tải trên tờ Zoology, số vẹt hàng ngàn con này thực chất là vẹt nuôi từ người dân, được thả về tự nhiên do phóng sinh hoặc vì tai nạn sổ lồng. Dựa trên các phân tích, các chuyên gia nhận thấy lũ chim không hề xuất phát từ một địa điểm duy nhất như đường Carnaby hay phim trường tại Ealing, nghĩa là loại bỏ luôn 2 giả thuyết phổ biến nhất kể trên.
Ngoài ra, các tài liệu lịch sử cho thấy hiện tượng vẹt xanh xuất hiện ở London thực chất đã có từ thời Victoria (thế kỷ 19), nên giả thuyết về cơn bão Great Storm lại càng không phải.
Cũng theo nghiên cứu, có 2 đợt số lượng vẹt tăng đột biến: giai đoạn 1929 - 1931 và giai đoạn 1952. Nguyên nhân được cho là vì căn bệnh "sốt vẹt" do nhiễm khuẩn psittacosis khiến nhiều người tử vong được truyền thông giai đoạn này tuyên truyền mạnh, dẫn đến số lượng người thả vẹt về thiên nhiên nhiều hơn.
Jimi Hendrix - người bị "nghi oan" chịu trách nhiệm cho lũ vẹt tại London
"Có thể dễ dàng hình dung một vài tựa báo của năm 1952, chẳng hạn như "Hãy ngừng nhập khẩu những con vẹt nguy hiểm", và dẫn đến việc lũ vẹt được thả ra nhiều hơn," - trích lời Sarah Elizabeth Cox từ ĐH Goldsmiths.
"Giả dụ bạn biết rằng sẽ nguy hiểm nếu ở gần 1 con vẹt, rõ ràng việc thả nó đi sẽ dễ hơn là tự tay tiêu diệt nó."
Được biết, công nghệ trong nghiên cứu vốn được phát triển để phục vụ điều tra các vụ án giết người, nhằm theo dõi địa điểm gây án và nơi sinh sống của nghi phạm. Tuy nhiên khi áp dụng vào trong mô hình nghiên cứu, hóa ra nó cũng có thể xác định được nơi xuất phát của những loài ngoại lai - trong trường hợp này là loài vẹt đuôi dài.
"Loài vẹt này đã xâm lấn thành công 34 quốc gia trên 5 châu lục," - tác giả nghiên cứu Steven Le Comber cho biết. "Dẫu vậy, các giả thuyết thú vị về nguồn gốc của chúng sẽ vẫn còn đó - như từ các bộ phim chẳng hạn, dù nghiên cứu có chính xác như thế nào đi chăng nữa."
Tham khảo: Science Alert, Independent