Moscow sẽ ra sao khi Kiev "liều lĩnh" xây dựng căn cứ án ngữ phía nam Nga

Đức Trí |

Chính quyền Kiev đang có kế hoạch xây dựng 2 căn cứ quân sự theo tiêu chuẩn NATO án ngữ toàn bộ vùng phía Nam nước Nga. Kế hoạch của Ukraine được đưa ra sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kết thúc chuyến thăm Kiev.

Ngày 9/2, thời báo Kiev dẫn tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine, ông Andrii Zagorodniuk cho biết, một trong những nhiệm vụ quan trọng của Bộ Quốc phòng Ukraine trong năm 2020 là xây dựng các căn cứ quân sự theo tiêu chuẩn NATO.

Trong đó, sẽ ưu tiên xây dựng 2 căn cứ ở vị trí trọng yếu gồm, 1 căn cứ ở thành phố Mariupol ở Donetsk và 1 căn cứ ở thành phố Sieverodonetsk ở Luhansk.

Moscow sẽ ra sao khi Kiev liều lĩnh xây dựng căn cứ án ngữ phía nam Nga - Ảnh 1.

Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine là người theo xu hướng tăng cường hợp tác với NATO. Nguồn: Sohu.

“Chúng tôi có kế hoạch xây dựng một số cơ sở hạ tầng chất lượng cao để mọi người biết rằng, chúng tôi cũng có thể có các căn cứ quân sự theo tiêu chuẩn của NATO. Đây là hai căn cứ mà chúng tôi sẽ xây dựng trong tương lai gần”, vị Bộ trưởng này nói.

Ngoài ra, người đứng đầu Bộ Quốc phòng Ukraine dự định sẽ giới thiệu một chiến lược phòng thủ quốc gia mới, có thể đưa nước này trở thành thành viên của NATO sau năm 2020.

Trước khi tuyên bố này được đưa ra, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo hôm 1/2 đã đến thăm Ukraine và có cuộc gặp với Tổng thống Ukraine Vladimir Zelensky, Bộ trưởng Ngoại giao Vadim Priestayko, Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Andrei Zagorodniuk.

Ngoại trưởng Mỹ cũng cho biết, Washington sẽ tiếp tục toàn lực ủng hộ Ukraine gia nhập NATO.

Moscow sẽ ra sao khi Kiev liều lĩnh xây dựng căn cứ án ngữ phía nam Nga - Ảnh 2.

Ngoại trưởng Mike Pompeo thăm Ukraine và tái khẳng định sự ủng hộ của Washington trong việc Kiev gia nhập NATO. Nguồn: Sohu

Nhiều chuyên gia cho rằng, việc Ukraine lựa chọn vùng Donbass để xây dựng 2 căn cứ quân sự theo tiêu chuẩn NATO là có “thâm ý”. Đây là các khu vực rất có ý nghĩa đối với các nước cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Lugansk.

Đầu tiên, cuộc xung đột ở Donbass đến nay vẫn xảy ra và chưa có dấu hiệu sẽ kết thúc. Thứ hai, Mariupol là một trong những địa điểm quan trọng để kiểm soát Biển Azov, do đặc trưng của đáy biển, nên rất dễ đóng cửa các tuyến đường thủy ở những khu vực này.

Còn đối với Sieverodonetsk, thành phố này nằm gần với tuyến đường sắt và cao tốc chiến lược Moscow – Rosto cùng một số tuyến ống dẫn khí, cách khu vực khống chế của Kiev không đến 40 km.

Năm 1942, Quân đội của Hitler đã băng qua huyện Chertkovsky của tỉnh Rostov để tiến đánh thành phố Stalingrad (sau đổi tên thành Volgograd) và khu vực Kavkaz.

Có thể nói, Sieverodonetsk có vị trí chiến lược quan trọng trong việc tiến đánh khu vực phía Nam của Nga một khi xảy ra chiến tranh.

Moscow sẽ ra sao khi Kiev liều lĩnh xây dựng căn cứ án ngữ phía nam Nga - Ảnh 3.

Bản đồ khu vực tiếp giáp giữa Ukraine và Nga. Nguồn: Sohu.

Về phía các quốc gia tự xưng, ông Rodion Miroshnik, cố vấn của người đứng đầu Cộng hòa nhân dân tự xưng Lugansk về quan hệ đối ngoại, đại diện cho nước cộng hòa này tại các cuộc đàm phán ở Minsk đã chỉ trích mạnh mẽ tuyên bố của Andrei Zagorodniuk.

Theo chính trị gia Lugansk, nếu chính quyền Kiev tiếp tục xây dựng các căn cứ quân sự ở Donbass, thì Lugansk sẽ không đứng ngoài cuộc.

Còn đối với Nga, nhà báo Nga và là người dẫn chương trình truyền hình nổi tiếng Vladimir Solovyov cũng bình luận về kế hoạch xây dựng căn cứ quân sự ở Donbass theo tiêu chuẩn của NATO.

Ông cho rằng, việc Kiev xây dựng 2 căn cứ quân sự theo tiêu chuẩn NATO là vấn đề nhạy cảm, có thể tạo thành mối đe dọa nhất định đối với Nga.

Nhưng nếu Ukraine xây dựng các cơ sở quân sự ở ngay gần các khu vực tiếp giáp các bên tham gia xung đột, thì cuối cùng Kiev sẽ mất hoàn toàn hai khu vực Donetsk và Lugansk.

Moscow sẽ ra sao khi Kiev liều lĩnh xây dựng căn cứ án ngữ phía nam Nga - Ảnh 5.

Tổng thống Ukraine cũng là người ủng hộ chủ trương gia nhập NATO. Nguồn: Sohu.

Trước đó, vào tháng 2/2019, Quốc hội Ukraine đã phê chuẩn sửa đổi Hiến pháp Ukraine, củng cố khát vọng gia nhập NATO của nước này. Đảm bảo đến năm 2020 sẽ có sự tương thích hoàn toàn của lực lượng vũ trang Ukraine với quân đội của các nước NATO.

Những thay đổi này được khởi xướng bởi Tổng thống Ukraine lúc đó là ông Petro Poroshenko.

Vào tháng 6/2019, Tổng thống đương nhiệm của Ukraine Vladimir Zelensky tuyên bố rằng, nước này nhất thiết phải gia nhập NATO, nhưng chỉ sau một cuộc trưng cầu dân ý.

Việc Ukraine gia nhập NATO đồng nghĩa với việc Ukraine sẽ trở thành trạm chốt của NATO trong vùng bụng phía tây nam của Nga.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại