Khi Tuấn Mạnh vào sân thay Văn Lâm ở trận đấu cuối cùng vòng loại châu Á 2019 gặp Jordan, nhiều khán giả mới bắt đầu chú ý tới sự hiện diện của thủ môn thuộc biên chế Sanna Khánh Hòa. Với đám đông, Tuấn Mạnh là cái tên còn tương đối xa lạ.
Nhưng bản thân Mạnh không thấy lạ lẫm với cảm giác ăn cơm tuyển. Thậm chí, trong những gương mặt được HLV Park Hang Seo triệu tập đợt rồi, không nhiều người có thâm niên kinh nghiệm cấp quốc gia như Mạnh. 7 năm trước, khi mới 21 tuổi, Mạnh đã được HLV Phan Thanh Hùng gọi vào Đội tuyển Quốc gia.
7 năm biết bao nhiêu ngày, Mạnh đã ở đâu và làm gì? Điều gì đã xảy ra với một trong những thủ môn triển vọng nhất của bóng đá Việt Nam? Giữa cái nắng đầu mùa oi ả của Sài Gòn, Mạnh đã rơi nước mắt khi nhắc về quãng thời gian 7 năm đã qua.
"Mạnh sẽ kể câu chuyện của mình, như một lời nhắc nhở với những cầu thủ trẻ đi sau. Bởi vì, không phải ai cũng may mắn và có cơ hội làm lại như Mạnh" – thủ môn 28 tuổi bộc bạch.
Pha cản phá xuất thần của Tuấn Mạnh trận ĐT Việt Nam làm khách trước ĐT Jordan
SỰ SẮP ĐẶT CỦA SỐ PHẬN
Nhà Mạnh là gia đình thể thao. Bố mẹ đều là những VĐV bóng chuyền có tiếng của tỉnh Thanh Hóa. Bố Mạnh là cây chuyền hai nổi tiếng của đội Đường sắt Việt Nam và Nhà máy bia Thanh Hoa, mẹ anh thi đấu cho đội bóng Bộ Tư lệnh Công Binh.
Tuấn Mạnh có người anh trai là Trọng Hùng. Lúc nhỏ, anh em họ sớm được bố mẹ "quy hoạch" cho hai con đường thể thao rõ ràng: Hùng đi đá bóng, Mạnh đánh bóng chuyền.
Mạnh không thích bóng chuyền. Nhưng cả hai đứa đều đi đá bóng thì cái nghề bố mẹ bao năm gây dựng coi như mai một. Anh trai Mạnh, Trọng Hùng lại sớm cho thấy tiềm năng của một tiền đạo xuất chúng. Hùng thuộc lứa ăn tập cùng Tăng Tuấn, Thái Dương và đã được triệu tập vào tuyển U15 Việt Nam. Vì vậy, số phận của Mạnh là bóng chuyền. Trong giấc mơ của cậu bé 9 tuổi, Mạnh luôn tưởng tượng ra hình bóng của bố: Hớt hải trong bộ đồ công nhân thợ leo trụ điện, chạy từ cơ quan ra sân cho kịp giờ chơi.
Năm 1997, bố Mạnh chuyển công tác vào Gia Lai. Cuộc sống của một VĐV bóng chuyền bán thời gian không đủ kinh phí trang trải. Mạnh vẫn nhớ thuở nhỏ, cứ mỗi lần về quê nội Tĩnh Gia thăm bà là 4 người phải ngồi trên chiếc xe Cub 50. Giữa đường, bố mẹ thường phải tạt vào lề đường, xin nhà dân ít khoai ít mỳ vì các con đang tuổi ăn tuổi lớn.
Ông Chữ, bố của Mạnh sau đó chuyển về công ty điện lực tỉnh Gia Lai và vào biên chế. Ba mẹ con Mạnh vẫn ở lại Thanh Hóa thêm hai năm vì cửa hàng quần áo ở chợ vườn hoa vẫn là nguồn thu nhập chính. Năm 1999, Mạnh mới chuyển hẳn vào Gia Lai.
Động tác "chuyền hai" một cách bản năng của Tuấn Mạnh, bởi bóng chuyền đã từng, là môn thể thao mà số phận dành cho anh (Ảnh: Hoàng Tùng)
MÀN ĐỔI NGÔI THÚ VỊ
Vào Gia Lai được 3 tháng, công việc đầu tiên của mẹ Mạnh là đi bán than hoa. Tuy cực nhọc, nhưng đảm bảo cuộc sống. Sau khi bán căn nhà ở Thanh Hóa được 99 triệu VNĐ, gia đình Mạnh mua mảnh đất đối diện trường văn hóa nghệ thuật quân đội Gia Lai. Nhờ là khu trung tâm nên khi chuyển qua bán cơm và làm quán café, cuộc sống vật chất của cả nhà đã khấm khá hơn rất nhiều.
Công việc của bố Mạnh cũng tốt hơn. Làm thợ điện, nhưng ngoài giờ hành chính ông còn đi chạy cự li ngắn ở các giải phong trào. Mạnh kể ông Chữ từng học 7 năm ở trường Từ Sơn Bắc Ninh, chơi đủ 5 môn là bóng đá, bóng chuyền, cầu lông, tennis và điền kinh nên "nhạc nào cũng nhảy".
Nhưng đúng vào thời điểm đời sống của gia đình được cải thiện, bố Mạnh phát hiện bị thoái hóa đốt sống lưng. Công việc của một thợ leo trụ điện 500kV là quá sức cho các hoạt động thể chất khác. Đó là bước ngoặt đầu tiên cho sự nghiệp sau này của Mạnh.
Trọng Hùng, anh trai Mạnh thuộc lứa năng khiếu đầu tiên của bóng đá Gia Lai. Nhưng đúng vào ngày Hùng nhận giấy triệu tập lên đội U15 Quốc gia, ông Chữ quyết định cậu con cả phải dừng theo đuổi nghề cầu thủ. Ông đang trải qua nỗi đau tột cùng về thể xác, tới mức hàng đêm liền không thể nằm thẳng nên hiểu rất rõ về cái nghiệp thể thao.
"Mạnh là người Bắc nên nhiều khi lề lối gia đình còn khá giống ngày xưa. Bố mẹ bao giờ cũng nhìn vào con trai cả, không muốn anh Hùng đứt gánh giữa đường nên bảo nghỉ, xin vào biên chế điện lực Gia Lai theo chân bố", Mạnh chia sẻ.
Trong nhiều ngày liền, Hùng và ông Chữ không nói chuyện với nhau. Nhưng có lẽ phải ở vào vị trí của người làm cha làm mẹ mới hiểu được. Chính họ đã thấm thía sự nghiệt ngã của thể thao, đã phải tha phương cầu thực rời quê hương nên khi có cơ hội ổn định cuộc sống thì không muốn nó trôi qua.
Hùng cuối cùng cũng nghe lời bố. Anh trai đi học trung cấp điện lực và đó là cơ hội để Mạnh làm điều mình muốn: Đi đá bóng. Nhà đã có một người hoàn thành giấc mơ của bố, người còn lại - ở đây là Mạnh - sẽ "dễ thở" hơn, nói dân dã là "thích làm gì thì làm".
Tuấn Mạnh đã chơi cực hay khi vào sân thay Văn Lâm trận gặp ĐT Jordan
ĐƯỜNG ĐẾN CẦU MÔN
Cho đến năm 14 tuổi, tức là gần hết cấp 2, Mạnh mới quyết theo nghiệp quần đùi áo số. Khi thi vào lớp năng khiếu tỉnh, Mạnh được thầy Hoàng (HLV thủ môn hiện tại của HAGL) và thầy Vinh (ông Đinh Hồng Vinh, HLV trưởng của XSKT.Cần Thơ) bố trí chơi hậu vệ trái.
Trước khi lên U17, Mạnh vẫn gắn bó với hành lang trái và suy nghĩ về đời sống bóng đá rất đơn giản, như một cuộc dạo chơi vô tư. Ở VCK U15 Quốc gia tại Quảng Ngãi, Mạnh chỉ nằm trong nhóm dự bị. Và Mạnh cũng không buồn, vì được đi xa là được đi chơi, vậy tốt lắm rồi.
2-3 năm liền, Mạnh giậm chân tại chỗ. Gần như không có biến chuyển gì và việc chuyển lên đội U17 giống như một phép cộng cơ học về mặt số tuổi, chứ không phải những phép nhân thăng tiến trong sự nghiệp.
Trong buổi hội quân lần đầu với U17, Mạnh nhỏ tuổi nhất. Thật kỳ lạ, bằng một cách nào đó, cả 3 thủ môn đều không thể ra sân. Giáo án huấn luyện thì đã lên sẵn, không thể bỏ bài tập sút cầu môn. Thầy Hoàng không còn cách nào, bè chỉ định người nhỏ tuổi nhất và cao nhất vào đóng vai quân xanh cho cả đội hoàn thành giáo án.
"Tiện găng đây, em nào bé nhất và cao nhất thì bắt tạm giúp đội nhé", thầy Hoàng đưa ra yêu cầu. Tuấn Mạnh chưa bao giờ bắt gôn trước đó, và cũng chưa từng nghĩ là mình sẽ bắt gôn. Mạnh sắm vai người đóng thế vì được yêu cầu.
Nhưng sau hai ngày, Mạnh biết cuộc đời mình sẽ gắn chặt với khung gỗ. Thầy Hoàng rất thẳng thắn, bảo với Mạnh luôn: "Thầy thấy em có khiếu thủ môn, nên theo lâu dài. Với cả mày đá không nổi đâu, không thể cạnh tranh suất đá chính được nên làm thủ môn là lành nhất", thầy Hoàng đã định hướng lại nghề nghiệp cho Mạnh.
CÁI GIÁ CỦA "TỶ PHÚ MỘT ĐÊM"
Năm 2009, Mạnh là thủ môn thứ ba của HAGL. Gọi là số 3 cho "oai", nhưng tất cả đều ngầm hiểu cho Mạnh lên đội một là để Mạnh cứng cáp hơn, trưởng thành hơn, dần làm quen với bầu không khí của bóng đá đỉnh cao.
Mạnh dùng từ "đơn giản" và nhắc đi nhắc lại nó để khái quát thời trai trẻ. Chỉ khi Thanh Tú – thủ môn số 1 bị chấn thương trong tình cảnh HAGL đã thua Đà Nẵng 3 bàn, Mạnh mới được vào sân. Khoảnh khắc đó, Mạnh chợt thấy mình đã chuyên nghiệp rồi. Được vào sân tức là thuộc diện quy hoạch cho tương lai.
Năm 2010, Mạnh lại có thêm 2 trận nữa. Rồi tới vòng 5 mùa 2011 là khi cờ đến tay Mạnh. Thanh Tú chấn thương dài hạn, và phần còn lại là lịch sử: Mạnh được trao cơ hội và bắt tốt cho đến hết mùa.
Sự nổi lên của Tuấn Mạnh ở Pleiku khiến Phan Thanh Hùng, HLV cực kỳ khó tính cũng phải chú ý. Ông triệu tập Mạnh lên đội Olympic chuẩn bị cho trận gặp Saudi Arabia trong khuôn khổ Vòng loại Thế vận hội London 2012. Rồi Mạnh cũng có tên trong danh sách ĐTQG gặp Qatar cho chiến dịch Vòng loại World Cup 2014, diễn ra trong năm 2011.
Ở Pleiku, nhiều cặp mắt dõi theo Tuấn Mạnh. Dưới cabin, các HLV kháo nhau rằng, trong vài năm nữa thôi, Mạnh sẽ là thủ môn số 1 của Việt Nam. Trên khán đài, bầu Đức muốn biến những viễn cảnh xa xôi thành bản cam kết tài chính nhằm giữ chân viên ngọc sáng giá. Bầu Đức đích thân gọi cho Mạnh bảo lên văn phòng ngay trước khi đi SEA Games 26.
"Giờ CLB sẽ ký chuyên nghiệp với cháu, cháu có nguyện vọng gì không", bầu Đức đặt vấn đề.
Vấn đề này nằm ngoài sức tưởng tượng của Mạnh. 21 tuổi, cả đời chưa bao giờ kiếm được chục triệu mỗi tháng thì phải trả lời chú Đức sao đây? Mạnh "nhường" quyền trả lời cho ông bầu, và nhận lại lời đề nghị: Hợp đồng 3 năm, lót tay 500 triệu/mùa, thanh toán trước 2 mùa, lương 25 triệu/tháng.
Chỉ một ngày sau khi đặt bút, tài khoản ngân hàng của Mạnh reo "ting ting". 1 tỷ đồng được chuyển khoản trực tiếp. Mạnh ngợp. Quá nhiều cho một cậu bé mới lớn. Giây phút ấy, Mạnh biết mình trở thành con người khác.
"Mạnh tự nhủ giờ mình có tất cả, từ vị trí đội U23 đến vị trí ở V.League. Còn chần chừ gì mà không hưởng thụ?", những suy nghĩ ấy cứ len lỏi trong đầu của một cậu bé qua một đêm bỗng trở thành tỷ phú.
Có 1 tỷ, Mạnh để dành 600 triệu mua miếng đất gần nhà bố mẹ. Số còn lại, Mạnh dồn hết vào mua chiếc xe hơi của KIA. Phải nhắc lại, là 1 tỷ ấy được Mạnh "giải ngân" hết sạch. Không còn một xu nào.
Hàng tháng, Mạnh có 25 triệu đồng, và may mắn đội thắng thì mỗi trận có thêm 20 triệu. Mạnh dần để ý tới những điều nằm bên ngoài sân bóng và tự cho mình cái quyền lơ là. Có những ngày, Mạnh tiêu hơn 1 triệu đồng, cứ triền miên như vậy. Mà 1 triệu đồng với mệnh giá thời ấy, rồi mức sống ở Gia Lai thì to và kinh khủng lắm. Thích là nhảy lên taxi đi chơi, rồi cũng vào bar, tiệc tùng tụ tập bạn bè tới 1-2 giờ sáng.
Rồi những cô gái lạ mặt bỗng từ đâu chui ra và ở quanh. Mạnh thừa nhận, là vướng vào nhiều mối quan hệ không rõ ràng. Có nhiều tối, người ta gọi điện là Mạnh leo lên taxi, đi ăn đêm và làm những gì mà đối phương yêu cầu. Về nhà, trong đầu Mạnh cứ lởn vởn những hình ảnh ấy và tự dưng, bóng đá từ bao giờ không còn là mối quan tâm hàng đầu nữa.
Nghĩ lại, Mạnh thấy xót xa. Xót xa chính mình. Bây giờ, khi đã tìm lại vinh quang, có cuộc sống đủ đầy ở Nha Trang, Mạnh chỉ dám tiêu 200.000 đồng mỗi ngày. Không bao giờ tiêu nhiều hơn, vì còn cả một gia đình đứng sau và chờ đợi. Mạnh cũng đã bán chiếc xe, không phải vì không thể nuôi nó hay để mua một chiếc xe xịn hơn, mà bởi Mạnh biết cái gì là nhu cầu thiết thực, là cấp bách trong cuộc sống.
Nhắc về quãng thời gian trượt dài đó, Mạnh nhớ về bạn gái, cũng là người vợ sau này. Khi bắt đầu chệch hướng và vướng vào các mối quan hệ không rõ ràng, Mạnh cũng thường lân la, "thả thính" những người đàn bà có nhan sắc. Mạnh biết vợ, chị Phan Tuyết, qua Facebook, nhưng chỉ nhớ là người gốc Kontum, học cùng trường cấp 3.
Lần đầu tiên nhắn tin làm quen, Mạnh chỉ bâng quơ "Bạn này nhìn quen quen không biết đã gặp ở đâu chưa nhỉ" chứ cũng chẳng nghĩ sâu xa gì. Bẵng đi mấy tháng, Tuyết bất ngờ phản hồi. Rồi sau kỳ SEA Games thảm họa ở Indonesia, Mạnh nán lại Sài Gòn, nơi Tuyết theo học quan hệ quốc tế ở trường ĐH Hồng Bàng. Cứ thế, hết vòng đấu hay lịch tập là Mạnh bay về Sài Gòn. Mối tình ấy kéo dài suốt 3 năm, đúng thời điểm Mạnh mất vị trí chính thức vào tay Bassey và trượt dài trong sự nghiệp.
Mạnh quen Tuyết là một câu chuyện tình nghịch lý tới… dễ hiểu. Vì Mạnh thừa nhận trong tiềm thức khi mới quen, không hề mảy may định gắn bó lâu dài với người con gái này. Cũng một phần vì quen Tuyết đúng giai đoạn mới nổi mà Mạnh có phần lơ đễnh, chểnh mảng tập luyện.
Tất nhiên, Tuyết chỉ là một trong nhiều người con gái Mạnh từng có quan hệ. Nhưng trong những tháng ngày đeo đuổi đằng đẵng ấy, Mạnh mới nhận ra ai phù hợp với mình. Tuyết học quan hệ quốc tế nên giao tiếp tốt, nhận thức tốt và sống có trước sau. Cái lần hai người chia tay nhau 1 tháng, là vì Tuyết bất lực trước cảnh Mạnh tiêu xài hoang phí. Hôm chia tay, Mạnh đập vỡ cái điện thoại Sony trị giá 8 triệu đồng. Lúc ấy, Mạnh hiểu cần phải gắn bó với ai.
Ba năm yêu Tuyết là ba năm Mạnh mất phương hướng trong công việc. Nhưng cũng là 3 năm biết bao đắng cay và gian khổ, đã cho Mạnh một cái nhìn khác về "làm người lớn". 24 tuổi, giữa giông bão bộn bề, Mạnh lấy vợ. Vì chỉ có ràng buộc bản thân vào một trách nhiệm cao cả, Mạnh mới biết cách đứng dậy.
PHÍA CUỐI CON ĐƯỜNG, LUÔN LÀ MỘT LỐI THOÁT
Hết mùa 2013, Mạnh lờ mờ hiểu mình không còn nằm trong kế hoạch sử dụng của CLB. Nhưng Mạnh có nằm mơ, cũng không ngờ nổi lần chia ly với HAGL.
Mạnh đã ở đây 8 năm, có những người bạn thân thiết là Hoàng Thiên (giờ thuộc CLB Sài Gòn), đã chứng kiến những thăng trầm của đội bóng núi. Trên cánh tay của Mạnh có xăm hình dải đất chữ S, khắc logo của CLB ở đúng vị trí của tỉnh Gia Lai như một lời tri ân tới đội bóng nuôi nấng mình.
Hết mùa 2013, đội xả trại ai về nhà nấy. Hợp đồng còn 1 năm và Mạnh vẫn đinh ninh gì thì gì, chắc chắn là đá nốt mùa tới đã rồi đến đâu thì tính. Nhưng cú điện thoại từ GĐĐH Huỳnh Mau tới sớm hơn dự kiến. Mạnh chắc mẩm chuyện chẳng lành.
Bên kia đầu dây, Mạnh biết tin mình bị thanh lý hợp đồng. Mạnh không biết làm gì, ngoài cầu xin: "Chú Mau cho con đá nốt một mùa, con không lấy tiền lót tay mùa cuối cũng được, chỉ cần được tập thôi".
GĐĐH Huỳnh Mau lắc đầu. Ông không làm gì khác được, vì đó là quyết định của bầu Đức. Nói cho cùng thì quyết định ấy cũng là lẽ tất yếu: Mạnh đã phụ công HAGL, phụ công của bầu Đức. CLB giải quyết hai tháng lương hỗ trợ Mạnh và thế là, đường ai nấy đi.
Trong lòng Mạnh là khoảng trống mênh mang. Mạnh biết mình sai, nhưng cái tình với HAGL còn đó. Mạnh ra đi không kèn không trống, không kịp cả nói lời chào tạm biệt với những người bạn đã lớn lên cùng mình. Với Mạnh, đó mãi mãi là kỷ niệm buồn nhất. Gần 8 năm rồi, Mạnh không dám liên hệ về HAGL, không dám bốc điện thoại gọi cho bầu Đức.
"Ban đầu, Mạnh giận HAGL. Nhưng nghĩ lại, Mạnh thấy mình nợ HAGL, nợ chú Đức một lời xin lỗi", Mạnh chia sẻ.
Rời HAGL, Mạnh rơi xuống vực thẳm. Tuyết vì chồng mà bỏ lên Tây Nguyên, trước giờ vẫn dựa vào lương của Mạnh. Cả đời Mạnh chưa bao giờ rời xa Gia Lai, tên tuổi giờ cũng chẳng còn nên giải nghệ là lối thoát duy nhất.
Khi Văn Pho và Thái Dương, những cầu thủ hết thời ở phố Núi tìm lên Đồng Nai thử việc, Mạnh xin đi cùng. Nếu lần này không được thì Mạnh sẽ về phụ nhà rồi tìm công việc chân tay nào đó.
Tài khoản ngân hàng còn lúc này còn... 0 đồng, lại không dám xin bố mẹ đẻ vì sợ hai cụ lo lắng nên Mạnh nói chuyện với bố mẹ vợ. Mạnh mượn 10 triệu để mua đôi găng và đôi giày mới cho tự tin, phần còn lại trang trải sinh hoạt phí trong 3 tuần tập ở Đồng Nai.
Tới Đồng Nai, Mạnh lên phòng HLV Trần Bình Sự, người mà anh gọi là "Bố Sự". Mạnh không mưu cầu gì, chỉ xin bố Sự cho một cơ hội thể hiện. Một HLV lão làng như Trần Bình Sự luôn nắm trong tay lượng kiến thức đồ sộ về các cầu thủ, và dù đánh giá rất cao Tuấn Mạnh, thì ông vẫn không thể lựa chọn thủ môn quê Thanh Hóa.
Bấy giờ, Thanh Diệp đang vướng vào lùm xùm hợp đồng. Cách duy nhất để Mạnh được giữ lại Đồng Nai là Diệp ra đi. Song phút chót, Diệp và BLĐ tìm được tiếng nói chung. Bản thân Diệp cũng là người địa phương nên Đồng Nai muốn tạo điều kiện cho người con quê hương phát triển. Mạnh tốt, nhưng Đồng Nai rất tiếc.
Mạnh dường như đã đầu hàng số phận. Bóng đá có thể cho Mạnh nhiều thứ, nhưng cũng có thể vùi dập Mạnh trong một nốt nhạc. Vừa thất nghiệp, hết tiền, Mạnh lại phát hiện bị viêm sụn viền đau khớp vai.
Chấn thương ấy là hệ quả tích tụ sau nhiều năm Mạnh đổ người sai tư thế trên nền đất cứng, và cũng có thể là do những ngày ăn chơi quên tập luyện khiến sức đề kháng và cơ địa của Mạnh không thích ứng tốt. Mạnh chỉ ước là giá như ngày xưa không lông bông đêm hôm, dành thêm thời gian tập luyện thì đã khác. Với chấn thương ấy, Mạnh có thể phải giải nghệ sớm, đời cầu thủ không vượt quá tuổi 30.
Có lẽ, sự nghiệp của Mạnh sẽ đong đếm theo từng trận, chứ không phải từng năm. Thêm chút nào hay chút ấy, nói gì là tính xa, cơ số năm. Số phận ấn định vậy rồi, Mạnh tự hiểu cuộc chơi của mình đã đến hồi kết. Mạnh lững thững ra bến xe về Sài Gòn. Cả ngày trời, Mạnh ngồi café một mình ở Lữ Khánh, trong túi còn đúng 2 triệu đồng. Ở Gia Lai, Tuyết sắp sinh em bé. Mạnh nghĩ kỹ lắm rồi, về nhà thôi.
Trên chuyến xe ngược về Gia Lai, Mạnh gọi cho HLV Đinh Hồng Vinh. "Anh Vinh ơi, Đồng Nai từ chối em rồi. Em đang trên đường về quê", Mạnh thều thào trong điện thoại.
HLV Đinh Hồng Vinh đã theo dõi bước tiến của Mạnh từ rất lâu. Nghe xong, anh bảo: "Em chờ tí rồi anh gọi lại".
Ở cuộc điện thoại thứ hai, anh Vinh thông báo tới Mạnh: "Em lại bắt xe quay về… Đồng Nai đi. Khánh Hòa sẽ đá giao hữu với Đồng Nai, anh Tân (HLV trưởng) đồng ý cho em một cơ hội".
Không hiểu sao, trận đấu bị hoãn, lùi về tổ chức ở Thành Long. Mạnh sẽ có thêm thời gian chuẩn bị tâm lý. Nhưng tâm lý của một kẻ thất bại khiến Mạnh đánh mất toàn bộ sự tự tin vốn có. Gặp những cậu em nhỏ hơn nhiều tuổi như Quốc Chí hay Hoài An, Mạnh cũng chào là "anh". Mạnh chống chế bằng cách giải thích rằng hình ảnh nước da ngăm nâu của các chàng trai phố biển khiến họ già hơn so với tuổi, nhưng tận sâu trong đáy lòng, Mạnh biết rõ vị trí của mình.
Vả lại, vốn hiểu biết của Mạnh về đội bóng Nha Trang là không nhiều. Anh chỉ biết đấy là đội Khánh Hòa, còn không rõ chữ BVN là viết tắt của cái gì. Muôn vàn nỗi lo lắng, sợ hãi.
HLV Võ Đình Tân là người ít nói nhưng luôn bao quát sự việc. Ông động viên Mạnh đi ngủ sớm, mai bắt hiệp 1 rồi "thầy tính tiếp". Có tới 5 thủ môn xuất hiện ở sân tập, nhưng chỉ chọn được 3 trong khi ngày chốt danh sách đã tới gần, cỡ đâu 9-10 ngày gì đó.
Sau hai trận giao hữu khác ở Long An, ông Tân loại Ngọc Tú của Nam Định. Nhưng vẫn còn 4 thủ môn, mà qua quan sát, Mạnh đoán là đội sẽ ký với Đức Anh của Nghệ An.
Không muốn "vượt mặt đàn anh", với cả cũng là "ma mới" nữa nên Mạnh tới chỗ HLV thủ môn: "Thầy ơi cho con về", để rồi nhận lại câu trả lời đầy sự ngạc nhiên: "Ông bị cái gì đấy?".
HLV thủ môn "kết" Mạnh, và đánh bài ngửa với Mạnh: "Thế giờ có muốn quay lại V.League không? Hợp đồng lương lậu sao nói thầy nghe coi để thầy trình với chú Tân?".
Mạnh không thể cành cao, mà cũng chẳng ở thế để đòi hỏi. Mạnh chỉ xin CLB 25 triệu đồng mỗi tháng lo cho vợ sắp sinh, còn lót tay thì không nhận vì chưa đóng góp được gì.
Ở đời, lương duyên là cái gì đó khó định nghĩa và nắm bắt. Khi tới Khánh Hòa, Mạnh coi như sự nghiệp của mình đã chấm dứt. Nhưng ở thành phố biển, Mạnh đã đứng dậy từ cõi chết. Mạnh không hiểu vì sao một người "ngồi chơi" gần 3 năm ở V.League mà vẫn được ưu ái khi thầy Tân đích thân nhắn: "Cho Mạnh 200 triệu/mùa lo cho vợ, ký 2 năm, mỗi tháng 20 triệu. Thi đấu tốt thì lên lương loại A 27 triệu".
Đó là cơ hội cuối cùng. Thật sự là cuối cùng. Nếu lại phụ lòng mọi người thì cuộc đời Mạnh sẽ chấm dứt. Ngày hôm đó, Mạnh biết là số phận đã đưa mình về Khánh Hòa. Mạnh sẽ chỉ ra đi, nếu một ngày HLV và BLĐ nói "Khánh Hòa không cần Mạnh nữa". 3 năm qua, mùa nào đội bóng quê hương FLC Thanh Hóa cũng liên lạc, nhưng Mạnh khéo từ chối vì cái nợ chân tình ở đây.
Ở Nha Trang, Mạnh có tất cả. Nhưng khái niệm "tất cả" đã thay đổi theo thời gian. Không phải là nhà cửa, là xe cộ mà là sự bình yên. Vợ Mạnh được tập đoàn tạo điều kiện cho vào làm việc khối văn phòng, Mạnh cũng bán xe để góp thêm ít tiền mở cửa hàng chăm sóc bà bầu trước và sau khi sinh.
Nếu ngày trước, Mạnh sẵn sàng tiêu tiền hoang phí cho những thứ vô bổ thì bây giờ, đến cả hình xăm nhỏ Mạnh cũng suy nghĩ. "Xăm một hình có thể chỉ mất 100.000 vnđ, nhưng xóa được nó tốn 10 triệu chưa chắc giải quyết được". Hình logo Gia Lai trên cánh tay vẫn là bài học nằm nguyên đó nhắc nhở Mạnh. Muốn làm phải nghĩ, làm rồi thì không tiếc.
Chính cái cuộc sống tuy không thừa mứa vật chất nhưng yên bình, giàu tình cảm là bàn đạp giúp Mạnh đi lên. Bây giờ, Mạnh không còn nhiều trăn trở. Với Mạnh, danh hiệu là thứ duy nhất còn thiếu trong sự nghiệp. Danh hiệu với CLB càng tốt, nhưng trước mắt mục tiêu sẽ là danh hiệu tại AFF Cup 2018 cùng ĐT Việt Nam.
"Mạnh quá vô duyên với đội tuyển tại cúp Đông Nam Á, hy vọng năm nay có huy chương là yên lòng", thủ môn sinh năm 1990 đặt ra mục tiêu lớn nhất mùa giải này.