Chế độ ăn của một người Mỹ vốn được đánh giá là tương đối thiếu lành mạnh. Trung bình mỗi năm tiêu thụ hơn 1,3 triệu calories và gần 70kg đường. Nhưng khi biết họ đang nạp đến 74.000 hạt vi nhựa/năm vào người thì quả là một chuyện gây sốc.
Đó là kết quả của một nghiên cứu mới đây tại Canada, dựa trên dữ liệu về chế độ ăn của người Mỹ và số lượng hạt nhựa trung bình tìm thấy trong chai nhựa, nước uống, và các loài sinh vật biển. Mục đích của nghiên cứu là tìm hiểu xem một người đang nạp những gì vào người, dựa trên chế độ thông thường tại Mỹ.
Tiếc thay, đây có thể là câu chuyện đang xảy ra với tất cả chúng ta, trên phạm vi toàn thế giới.
Vi nhựa - "đại dịch" lan tỏa ra cả thế giới
Hiểu một cách đơn giản, vi nhựa là những mảnh rác nhựa có kích cỡ rất nhỏ (chỉ khoảng vài micromet), được tạo thành khi các mảnh nhựa lớn hơn bị phân giải. Và bởi rác nhựa đang nhiều đến mức khủng hoảng, các hạt vi nhựa vì thế cũng xuất hiện ở khắp mọi nơi trên phạm vi toàn thế giới, thậm chí ở cả những vùng biển sâu nhất của Nam Cực.
Các nghiên cứu trước đây từng chỉ ra rằng những người hay ăn hải sản có thể nạp vào người tới 11.000 hạt vi nhựa mỗi năm. Một số khác cho rằng trung bình chúng ta nạp khoảng 100 mảnh nhựa cho mỗi bữa ăn.
Trong nghiên cứu mới nhất, các chuyên gia hiểu rằng lượng nhựa trong khẩu phần ăn sẽ thay đổi tùy thuộc vào chế độ ăn của từng người, cũng như độ tuổi, giới tính, sở thích cá nhân... Tuy nhiên kết quả cho thấy lượng nhựa trung bình con người nạp vào dao động trong khoảng 74.000 - 121.000 hạt mỗi năm. Và nếu bạn có thói quen uống nước bằng chai nhựa dùng 1 lần, con số sẽ còn cộng thêm 90.000 nữa.
Trong đó, khoảng 39.000 - 52.000 hạt đến từ thực phẩm. Số còn lại là qua đường hô hấp. Tuy nhiên, những con số này có thể là ước tính không chính xác, chỉ phản ánh một phần những gì người Mỹ ăn mỗi ngày.
Điều này có ý nghĩa gì?
Tác động của hạt vi nhựa tới sức khỏe con người hiện tại cũng chưa thực sự rõ ràng. Một số mảnh nhựa có thể nhỏ đến mức hòa lẫn được vào các mô của con người, từ đó mang đến rủi ro tiết ra chất độc cho cơ thể và ép hệ miễn dịch phải hoạt động. Dù vậy, chưa có tác động thực sự xấu nào đến sức khỏe từng được ghi nhận.
"Báo cáo cho thấy xu hướng đáng lo ngại về tác động của ô nhiễm rác nhựa. Đó là một cuộc khủng hoảng không chỉ đến môi trường, mà ảnh hưởng cả đến đồ ăn và thức uống chúng ta nạp vào người," - trích lời Thavamani Palanisami, chuyên gia tại GCER (Trung tâm xử lý Môi trường toàn cầu) thuộc ĐH Newcastle.
Động vật biển ăn rác nhựa và phải trả giá
Tuy nhiên, một số nhà khoa học cũng chỉ ra hạn chế của nghiên cứu, đặc biệt là trong vấn đề tác động đến sức khỏe từ hạt nhựa.
"Cần phải làm rõ rằng con số kia chỉ là tình huống lý tưởng nhất trong mẫu nghiên cứu tương đối hẹp," - Kevin Thomas, giám đốc QAEHS (Liên minh khoa học sức khỏe môi trường) tại ĐH Queensland (Úc) cho biết.
"Nhựa là một vấn đề nghiêm trọng với môi trường. Động vật hoang dã thiệt mạng khi ăn nhựa, thường là các mảnh rác lớn làm nghẽn dạ dày chúng."
"Về tác động đến sức khỏe con người, hiện tại chưa có bằng chứng khoa học nào cả. Nhưng điều này không có nghĩa là chúng không có hại. Có thể chỉ là chúng ta chưa tìm ra thôi."
Tham khảo: Daily Mail, IFL Science