Mỗi người đều có một Trịnh Công Sơn của riêng mình

PV |

Em Và Trịnh đã họa nên chân dung một Trịnh Công Sơn như thế nào? Hãy lắng nghe chia sẻ từ những người thân thiết từng gắn bó, tiếp xúc với nhạc sĩ lúc sinh thời và đã đi xem bộ phim.

 Mỗi người đều có một Trịnh Công Sơn của riêng mình  - Ảnh 1.

Bà Trịnh Vĩnh Trinh, đại diện gia đình nhạc sĩ từng nhiều lần không cầm được nước mắt và khẳng định đã tìm thấy trong phim hình ảnh “anh Sơn kính yêu của chúng tôi”.

Nghệ sĩ cải lương Bạch Tuyết, người quen biết ông Trịnh Công Sơn ngoài đời, nói rằng sau khi xem phim bà tìm thấy được: “một chân dung Sơn thật đẹp, cảm xúc và tinh tươm”. Bà Bạch Tuyết nào phải người xa lạ. Nhà bà cách nhà nhạc sĩ vài trăm thước, và thi thoảng vợ chồng bà vẫn cùng nhau “gầy độ” trong sân nhà ông Sơn.

 Mỗi người đều có một Trịnh Công Sơn của riêng mình  - Ảnh 2.

Nhưng Trịnh Công Sơn là một huyền thoại âm nhạc. Mà đã là huyền thoại thì bất kỳ ai cũng đều có một hình dung riêng về ông, những kỷ niệm riêng về ông. Sự thật của người này có thể không phải là sự thật của người kia.

 Mỗi người đều có một Trịnh Công Sơn của riêng mình  - Ảnh 3.

Ê kíp biên kịch đã quyết định lấy cảm hứng từ sự thật, đồng thời sáng tạo để thúc đẩy và làm bật lên cốt lõi, tinh thần của câu chuyện. Em và Trịnh không phải là một bộ phim tiểu sử thuật lại chính xác từng chi tiết như mô phỏng cuộc đời thật của nhạc sĩ. Nó trước hết là một cuốn phim tình cảm, lãng mạn.

 Mỗi người đều có một Trịnh Công Sơn của riêng mình  - Ảnh 4.

Em Và Trịnh không “thánh hóa” Trịnh Công Sơn, mà chỉ vẽ nên chân dung một nhạc sĩ trẻ, đứng trước những va đập, những lựa chọn của thời cuộc. Trong bối cảnh chiến tranh đó, không ai biết điều gì sẽ đến, sống níu giữ hay sống để cho đi, chọn bên này hay bên kia. Chàng thanh niên mang tên Trịnh Công Sơn đã tựa vào âm nhạc, vào cái đẹp, vào sức mạnh to lớn, lãng mạn của tình yêu và vào nỗi cô đơn cùng cực của bản thân để có thể bám trụ giữa những con sóng đời xô đẩy. Như nhạc sĩ Trần Tiến có nói một câu rất thấm thía rằng: “Người ta không lớn lên trong chiến tranh, trong bão tố. Người ta lớn lên trong chính nỗi cô đơn của mình”.

Em Và Trịnh cũng không phải là một bộ phim âm nhạc. Phim là hành trình chàng Trịnh lần theo những hoài niệm, ký ức tươi đẹp với từng nàng thơ từng đi qua đời mình và cả những biến động cuộc đời. Âm nhạc từ chỗ trở thành điểm tựa, vô tình đưa chàng trai ấy trở thành huyền thoại, vì đã viết thay, nói thay tiếng lòng của nhiều người.

Vừa rời rạp, ca sĩ Uyên Linh xúc động: “Cảm ơn một bộ phim đầy cảm xúc, vừa đủ với lứa tuổi của mình, nhắc nhớ cuộc sống phồn hoa lẫn khổ đau buồn bã này; nhắc nhớ mình yêu nhạc Trịnh thế nào. Dù đây đó có ai chê bai nhạc Trịnh là đơn điệu tẻ nhạt, là chỉ có Đô trưởng La thứ, ... thì với mình, nhạc Trịnh - vì một lẽ nào đó - luôn mang tần số chạm đến nhiều ngõ ngách sâu xa của tâm hồn”.

 Mỗi người đều có một Trịnh Công Sơn của riêng mình  - Ảnh 5.

Hơn 1 triệu người đã xem Em và Trịnh, có biết bao nhiêu bình luận về bộ phim, nhưng giống như câu nói ý nhị về chiếc áo cưới của Michiko trong phim: “chỉ có mình mới biết, áo có vừa với mình hay không”. Cách xem hay nhất là bước vào rạp với tấm lòng rộng mở, bỏ lại hết những định kiến, những bàn tán quanh huyền thoại Trịnh Công Sơn, và háo hức khám phá câu chuyện đầy xúc cảm về tuổi trẻ, về tình yêu một thời như thế, thưởng thức những khung hình đẹp đến mê mẩn, những giai điệu rất quen, bỗng mới như nghe lần đầu dưới tài năng của nhạc sĩ Đức Trí.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại