Ảnh: Xinhua.
Nhật báo China Daily dẫn lại thông báo hôm thứ Tư từ Bộ Thương mại Trung Quốc, ngành thương mại dịch vụ của nước này đã tăng 33,5% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt 953,48 tỷ Nhân dân tệ (tương đương 149,7 tỷ USD), trong hai tháng đầu năm nay.
Trái ngược với thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ đề cập đến việc bán và phân phối các sản phẩm vô hình như giao thông vận tải, du lịch, viễn thông, xây dựng, quảng cáo, máy tính và tài chính - kế toán.
Theo đó, xuất khẩu dịch vụ đạt tổng cộng 467,58 tỷ Nhân dân tệ trong 2 tháng đầu năm, tăng 39,4% so với cùng kỳ. Nhập khẩu dịch vụ ở mức 485,9 tỷ Nhân dân tệ, tăng 28,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Tăng trưởng xuất khẩu thương mại dịch vụ cao hơn nhập khẩu 11,1 điểm phần trăm, thâm hụt thương mại dịch vụ giảm 57,6%, xuống còn 18,32 tỷ Nhân dân tệ, thấp hơn 24,91 tỷ Nhân dân tệ so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo số liệu của Bộ, Thương mại dịch vụ sử dụng nhiều tri thức cũng tăng trong hai tháng đầu năm nay, đạt 382,4 tỷ Nhân dân tệ, tăng 17,9%/năm. Trong khi đó, thương mại dịch vụ du lịch tăng 16,9% so với cùng kỳ năm ngoái lên 149,77 tỷ Nhân dân tệ.
Cùng đó, hãng Xinhua dẫn dữ liệu từ Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước cho thấy Trung Quốc tiếp tục thâm hụt thương mại dịch vụ quốc tế trong hai tháng đầu năm 2022.
Tại Việt Nam, số liệu thống kê sơ bộ của Tổng cục Hải quan cho thấy, tổng trị giá xuất, nhập khẩu hàng hóa trong kỳ 1 tháng 3 (từ ngày 1-15/3) đạt 30,55 tỷ USD, tăng 12,7% (tương ứng tăng 3,44 tỷ USD) so với kết quả thực hiện trong nửa cuối tháng 2/2022.
Kết quả đạt được trong nửa đầu tháng 3 đã đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của cả nước đến hết ngày 15/3 đạt 140,05 tỷ USD, tăng 14,3%, tương ứng tăng 17,48 tỷ USD. Trong đó, tổng trị giá xuất, nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đạt 97,45 tỷ USD, tăng 11,8% (tương ứng tăng tới 10,31 tỷ USD).
Trong kỳ 1 tháng 3 năm 2022, cán cân thương mại hàng hóa thặng dư 93 triệu USD. Tính từ đầu năm đến hết ngày 15/3, cán cân thương mại hàng hóa thâm hụt 492 triệu USD.