Hãng tin Bloomberg (Mỹ) dẫn nguồn hãng phân tích dữ liệu Singapore Kpler cho biết, các tàu chở 22 triệu thùng dầu Nga, Iran và Venezuela đang "xếp hàng dài chờ đợi" ngoài khơi Trung Quốc trong bối cảnh quốc gia tỷ dân này đang phải chiến đấu với đợt bùng phát dịch COVID-19 mới khiến nhu cầu sụt giảm và dẫn đến các vấn đề về hậu cần (logistics) khác.
Trung Quốc, nhà nhập khẩu dầu thô lớn nhất thế giới, là một trong những khách hàng ít ỏi mua dầu của Iran và Venezuela trong vài năm qua, khi hai quốc gia này phải chịu các lệnh trừng phạt của quốc tế.
Trong bối cảnh dầu Nga bị "xa lánh" do các lệnh trừng phạt kinh tế liên quan đến cuộc xung đột quân sự ở Ukraine, Trung Quốc vẫn tiếp tục mua dầu thô từ nước này.
Tuy nhiên, hiện tại, việc mua dầu khí giá rẻ của Trung Quốc đang bị gián đoạn do đợt bùng phát dịch COVID-19 nghiêm trọng tại nước này, khiến thời gian chờ đợi của các tàu hàng ngày càng kéo dài.
Theo nhà phân tích cấp cao của Kpler, Jane Xie, nhu cầu về dầu sẽ giảm ít nhất 450.000 thùng/ngày trong tháng 4 - chủ yếu do nhu cầu tiêu thụ xăng và nhiên liệu máy bay giảm sút.
Bà Xie cho biết: "Việc Trung Quốc phong tỏa chống dịch chắc chắn sẽ có ảnh hưởng lớn tới nhu cầu di chuyển trong nước, đồng nghĩa với việc nhu cầu tiêu thụ dầu mỏ sụt giảm."
"Bên cạnh đó, cũng có những 'nút cổ chai' về hậu cần", chuyên gia của Kpler nhận định.
Trước đó, vào đầu năm nay, đã có khoảng 10 triệu thùng dầu từ Nga, Iran và Venezuela cũng bị tắc nghẽn ngoài khơi Trung Quốc. Theo tính toán của Bloomberg dựa trên các số liệu chính thức, nhu cầu về dầu mỏ của Trung Quốc đạt khoảng 13,7 triệu thùng/ngày vào tháng 1 và tháng 2 trước khi dịch COVID-19 tái bùng phát.
Trung bình thời gian các tàu chờ đợi tại các cảng của Trung Quốc hiện đã tăng lên 5,85 ngày từ 4,46 ngày trong tuần từ 28/3.
Bloomberg cho biết đối với các tàu Suezmax – loại tàu được thiết kế để đi qua kênh đào Suez có thể chứa tới 1 triệu thùng dầu thô, thì thời gian chờ đợi đã tăng từ 4,46 ngày trong tuần trước lên 15 ngày.
Còn theo Vortexa Ltd., một công ty phân tích khác, có khoảng 16 triệu thùng dầu thô của Iran và Venezuela đang xếp hàng chờ đợi ngoài khơi Trung Quốc.
Tuy nhiên, có 10 tàu cỡ lớn có thể chở khoảng 100.000 tấn dầu mỗi ngày từ vùng Viễn Đông của Nga đến Trung Quốc, theo Emma Li, một nhà phân tích của Vortexa. Bà Li cho biết Trung Quốc có thể đã mua số dầu này trước khi cái được gọi là "chiến dịch quân sự tại Ukraine" bắt đầu.
Ảnh minh họa
Trung Quốc gia tăng mua dầu khí giá rẻ của Nga
Trước đó, Bloomberg hôm 4/4 trích dẫn các nguồn thạo tin cho biết nhiều tập đoàn năng lượng nhà nước của Trung Quốc như Sinopec và PetroChina đang thương thảo với các nhà cung ứng để đặt mua LNG giao ngay từ Nga với mức chiết khấu cao.
Bloomberg cũng cho biết một số nhà nhập khẩu Trung Quốc thậm chí còn đang tính đến khả năng sử dụng tư cách pháp nhân Nga để thay mặt tham gia các đợt mở thầu chào bán LNG giá chiết khẩu từ Nga để tránh bị chính phủ nước ngoài phát hiện.
Do cuộc xung đột quân sự tại Ukraine và loạt đòn trừng phạt kinh tế mà phương Tây đã giáng lên Nga, đa phần các nhà nhập khẩu LNG trên thế giới sẽ tránh nguồn cung này dù mức giá vô cùng ưu đãi.
Tuy nhiên, Bloomberg cho biết các công ty Trung Quốc là một trong số ít khách hàng sẵn sàng mạo hiểm mua mặt hàng này từ Nga "một cách lặng lẽ", tránh gây sự chú ý.
Thực tế, hiện tại không phải thời điểm Trung Quốc có nhu cầu cấp bách về dầu khí do thời tiết đã bắt đầu ấm lên, trong khi nhu cầu sử dụng nhiên liệu cho các phương tiện giao thông lại giảm xuống do các lệnh phong tỏa.
Tuy nhiên, LNG của Nga đang được bán với mức giá thấp hơn 10% so với LNG từ khu vực Bắc Mỹ trên thị trường hàng hóa giao ngay, do đó mức giá chiết khấu sâu này vẫn là lựa chọn hợp lý của Trung Quốc để bổ sung cho các kho chứa tại nước này, trong bối cảnh giá năng lượng được dự đoán sẽ còn tiếp tục tăng do cuộc khủng hoảng Ukraine kéo dài.
Bloomberg dẫn nguồn tin ẩn danh cho biết các nhà nhập khẩu Trung Quốc đang tìm kiếm các hợp đồng mua bán thông qua đàm phán song phương với phía Nga nhằm tránh những ồn ào không đáng có trên thị trường giao ngay, tránh các đơn hàng khối lượng lớn, hoặc tìm cách sử dụng một thực thể "bình phong" để thay mặt thực hiện hợp đồng mua bán.
Theo Bloomberg, các công ty Trung Quốc cũng tránh việc mua bán thông qua các văn phòng vệ tinh trên các sở giao dịch hàng hóa từ London cho tới Singapore, để tránh xảy ra rắc rối với các chính quyền nước sở tại. Hiện cả PetroChina và Sinopec vẫn chưa đưa ra phản hồi chính thức về thông tin của Bloomberg.
Về các mặt hàng liên quan đến dầu mỏ, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho biết Trung Quốc là khách hàng mua dầu lớn nhất của Nga và đã mua trung bình 1,6 triệu thùng/ngày từ Nga vào năm 2021.
Trong khi đó, bà Ellen Wald, Chủ tịch hãng tư vấn Transversal Consulting, nhận định với CNBC: "Trung Quốc vẫn đang nhập khẩu dầu Nga, và có khả năng sẽ tăng lượng mua nếu họ có thể được thanh toán bằng đồng nhân dân tệ và được chiết khẩu".
Theo bà Wald, mức giá chiết khấu thực sự là lựa chọn hấp dẫn đối với Trung Quốc: "Nếu họ có thể mua dầu của Nga với mức giá chiết khẩu đáng kể - 30 hoặc 35 USD/thùng so với giá chuẩn, thì tôi không thấy có lý do gì để Trung Quốc không lựa chọn mua thêm dầu Nga"./.