Hôm 7/7 Tổng thống Biden xác nhận Mỹ sẽ cung cấp đạn dược chùm, còn gọi là bom chùm, cho Ukaine sử dụng chống lại Nga trong " chiến dịch quân sự đặc biệt ". Động thái này diễn ra bất chấp việc Mỹ từng lên án hành động sử dụng thứ vũ khí này.
Bom chùm Mỹ thả từ máy bay B1. Ảnh: Không quân Mỹ.
Bom đạn chùm bị 123 nước cấm theo Công ước năm 2008 về Bom đạn chùm, có sự tham gia của hầu hết các nước NATO. Riêng Mỹ, Ukraine và Nga nằm trong số các nước không cấm hoàn toàn việc sử dụng loại vũ khí này.
Bom chùm là gì?
Nói chung, thuật ngữ "bom chùm" dùng để chỉ bất cứ loại đạn bom nào bung ra ở trên không và giải phóng một số loại thiết bị nổ nhỏ hơn, gọi là bom con, văng ra trên một diện tích rộng hơn. Bom đạn chùm có thể được thiết kế để phóng đi từ nòng pháo, bệ phóng rocket hoặc thả từ máy bay.
Nhiều tổ chức nhân quyền quốc tế lên án việc sử dụng bom chùm do một số bom con sau khi được bom mẹ giải phóng thì có tới 40% số này không phát nổ ngay. Bom con rơi xuống đất, rồi trở thành mìn mặt đất (địa lôi), có khả năng cướp đi sinh mạng của người dân trong nhiều năm và nhiều thập kỷ tiếp theo.
Mỹ sẽ gửi bom chùm gì cho Ukraine?
Loại bom chùm mà Mỹ định gửi cho Ukraine được lấy từ "Kho bom chùm thông thường được cải tiến cho mục đích kép" mà trước đó quân Mỹ tuyên bố sẽ tiêu hủy. Chúng có thể bắn từ các khẩu lựu pháo 155mm và mang tới 88 quả bom con trong khoang chứa, mỗi quả bom con có tầm sát thương là 10m2. Một quả bom như vậy có thể phát tán hỏa lực lên một diện tích rộng tới 30.000m2.
Khi Thư ký báo chí Lầu Năm Góc Patrick Ryder nói với phóng viên hôm 7/7 rằng các vũ khí này có tỷ lệ chưa nổ lên tới 2,35%, tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW) cho rằng vũ khí này có tuổi trên 20 năm và khét tiếng vì có tỷ lệ cao bom đạn chưa nổ.
Lịch sử chính sách Mỹ liên quan đến bom chùm
Mỹ thỉnh thoảng đề cập chấm dứt sử dụng bom đạn chùm. Một sắc lệnh của Bộ Quốc phòng Mỹ năm 2008 có chữ ký của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush đã chỉ thị cho quân đội nước này gỡ tất cả trừ một tỷ lệ nhỏ của kho đạn này vào năm 2018 cho tới khi có các phiên bản an toàn hơn, với tỷ lệ không nổ chỉ là dưới 1%. Sau khi Lầu Năm Góc không tạo ra được các loại bom chùm có đủ tin cậy dù đầu tư nhiều triệu USD, Tổng thống Mỹ Trump vào năm 2017 đã thu hồi sắc lệnh của Tổng thống Bush vào thời kỳ đó.
Sắc lệnh của ông Bush duy trì một điều khoản cấm xuất khẩu bom đạn chùm với tỷ lệ chưa nổ trên 1% nhưng lại có 1 ngoại lệ nếu tổng thống Mỹ quyết định có "nhu cầu đặc biệt" và nước nhận cam kết không sử dụng vũ khí này ở khu vực dân sự.
Mỹ còn sử dụng bom đạn chùm không?
Lần cuối cùng Mỹ sử dụng bom chùm (được xác nhận) là ở Yemen vào năm 2009. Còn lần cuối mà quân đội Mỹ sử dụng bom chùm trên quy mô lớn là trong cuộc Chiến tranh Iraq 2003 và ở chiến trường Afghanistan.
Có thông tin nói rằng Mỹ tiếp tục sản xuất bom đạn chùm cho tới năm 2016 và có bằng chứng về việc liên quân do Saudi Arabia đứng đầu đã sử dụng bom đạn chùm do Mỹ cung cấp trong cuộc chiến chống lại lực lượng chiến binh Houthi ở Yemen.
Liệu bom đạn chùm đã được sử dụng ở Ukraine?
Phía Nga cho rằng Ukraine lần đầu sử dụng bom chùm vào năm 2014 để chống lại lực lượng ly khai ở vùng Donbass, miền Đông nước này. Theo Liên Hợp Quốc, tổ chức Theo dõi Nhân quyền và truyền thông Mỹ, các lực lượng Ukraine sử dụng bom đạn chùm ở nơi đông dân bên trong và xung quanh Donetsk trong chưa đầy 1 tháng sau khi ký Thỏa thuận Minsk 2014. Ukraine khi đó đã phủ nhận các cáo buộc.
Theo HRW và Liên Hợp Quốc, Ukraine cũng sử dụng bom chùm quanh và trong thành phố Izium trong nhiều ngày vào năm 2022 khi khu vực này nằm dưới sự kiểm soát của Nga. Ukraine bác bỏ các thông tin đó và không đưa ra bằng chứng.
Bản thân Nga cũng bị cáo buộc sử dụng bom đạn chùm ở khu vực dân cư và nước này đã cực lực phản đối các cáo buộc như vậy. Đại sứ quán Nga ở Mỹ trước đó đã lên án các cáo buộc đó, gọi đây là thông tin giả nhằm đánh lạc hướng dư luận khỏi điều mà họ gọi là hoạt động pháo kích của các lực lượng Kiev nhằm vào các khu dân cư Donetsk.
Vì sao Mỹ lại gửi bom đạn chùm cho Ukraine vào lúc này?
Người ta cho rằng Mỹ đưa bom đạn chùm vào gói viện trợ quân sự của họ cho Ukraine vì cuộc phản công của Ukraine cho tới lúc này bị xem là chưa thành công mặc dù đã được Mỹ và Ukraine "quảng bá" trong thời gian dài.
Hội nghị thượng đỉnh NATO ở Vilnius (Litva) sẽ diễn ra trong các ngày 11-12/7. Tại đó, Mỹ và Tổng thống Ukraine Zelensky (người được mời tới sự kiện này) dự kiến sẽ gây áp lực với các đồng minh của NATO về việc cung cấp thêm vũ khí và các loại viện trợ cho Kiev.