"Mổ xẻ" chi tiết vụ trực thăng Mi-8 của Nga bị bắn hạ tại Syria

Trung Hiếu |

Tin tức về vụ trực thăng Mi-8 của Nga bị bắn hạ tại Syria khi đang làm nhiệm vụ nhân đạo đã khiến dư luận thế giới sửng sốt. Nhiều luồng ý kiến tranh luận trái chiều đã được đưa ra sau vụ việc.

Đang trên đường trở về căn cứ không quân Hmeymim sau khi hoàn thành nhiệm vụ cứu trợ nhân đạo ở Aleppo – thành phố bị tàn phá nặng nề vì cuộc xung đột đang diễn ra, chiếc Mi-8 của Nga bất ngờ bị bắn hạ, khiến cả 5 người có mặt trên trực thăng thiệt mạng.

Điều đáng nói là mặc dù chiến sự diễn ra ác liệt, phía Nga và Syria vẫn cố gắng triển khai chiến dịch cứu trợ nhân đạo cho những người bị mắc kẹt ở Aleppo. Trong vòng 24 giờ qua, đã có 6.500 gói đồ ăn gồm bột mỳ, gạo, thịt hộp và cá được chuyển tới khu vực này.

Mổ xẻ chi tiết vụ trực thăng Mi-8 của Nga bị bắn hạ tại Syria - Ảnh 1.

Hiện trường vụ rơi Mi-8 của Nga tại Syria. Ảnh: Reuters

Sau khi xảy ra sự cố bắn hạ kể trên, một số nguồn tin đã đặt ra nghi vấn rằng liệu Mi-8 có thực sự làm nhiệm vụ nhân đạo, khi chiếc trực thăng này được trang bị những vũ khí công nghệ cao như bộ phóng rocket/tên lửa (LPC) và hệ thống tác chiến điện tử Vitebsk. Trong những bức ảnh chụp hiện trường của chiếc Mi-8 bị rơi, có thể thấy rõ các LPC.

Tuy nhiên, các chuyên gia quân sự ủng hộ Nga cho rằng điều đó không có gì là bất thường, nhất là khi Mi-8 phải hoạt động trong khu vực đầy nguy hiểm như vậy. Chiếc trực thăng này cần vũ khí để tự vệ, chứ không phải thực hiện nhiệm vụ tấn công.

Một phi công trong lực lượng không quân đề nghị giấu tên chia sẻ với hãng tin RBC rằng, phi hành đoàn Mi-8 khi thực hiện nhiệm vụ bay trong các khu vực xung đột luôn sử dụng những vũ khí như vậy.

“Họ thực hiện nhiệm vụ nhân đạo nhưng không có nghĩa rằng họ không được quyền tự vệ”, nguồn tin cho hay.

Bên cạnh đó, các phương tiện truyền thông cũng chỉ ra rằng chiếc Mi-8 bị rơi được trang bị hệ thống tác chiến điện tử Vitebsk do Nga chế tạo. Hệ thống này do hãng KRET phát triển và được dùng để bảo vệ máy bay khỏi tên lửa tấn công.

Mặc dù Vitebsk được ghi nhận hồi tháng 9/2015 là vượt qua được mọi bài kiểm thử, điều đó không có nghĩa là máy bay trang bị hệ thống này được bảo vệ an toàn 100%.

Nhà phân tích quốc phòng Vasily Kashin nói với RBC: “Thậm chí khi kẻ tấn công chỉ cần dùng tên lửa vác vai – loại mà Vitebsk đã được thiết kế để đánh chặn – thì tên lửa vẫn có thể đánh trúng mục tiêu được Vitebsk bảo vệ”.

Cho tới giờ, phía quân đội Nga vẫn chưa công bố thông tin xem chính xác loại vũ khí nào được dùng để bắn hạ chiếc Mi-8.

Theo nhận định của một chỉ huy từ Lực lượng Không gian Nga đăng trên Gazeta.ru, đó có thể là một tên lửa vác vai, một khẩu súng máy hạng nặng như DShK 1938 hoặc KPVT, súng phóng lựu hoặc pháo phòng không nòng nhỏ.

Trong khi đó, bình luận của tờ báo Vzglyad cho rằng, thủ phạm trong vụ bắn hạ trực thăng Mi-8 của Nga là những kẻ muốn “phá hoại hoạt động nhân đạo” mà Moscow và Damascus thực hiện tại Aleppo – thành phố lớn thứ 2 của Syria.

Khu vực mà Mi-8 bị bắn hạ hiện đang nằm dưới sự kiểm soát của nhóm chiến binh Syria “hỗn tạp” gọi chung là Jaish al-Fatah. Đây là tổ chức gồm cả al-Nusra Front, Ahrar al-Sham và các nhóm phiến quân Syria khác có quan điểm chống lại chính phủ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại