MK: "Tín hiệu nóng" về quân Triều Tiên, 2000 quân Ukraine ở Kursk bị vây - Lộ vũ khí cả Nga cũng không có

Minh Minh |

“Vào thời điểm Tổng thống (Putin) ký hiệp ước, mọi thứ sẽ sẵn sàng. Các đơn vị Triều Tiên sẽ đột nhiên xuất hiện trên chiến trường ‘nhanh như một cú nhấp chuột’” – Ông Sukonkin nói.

Ông Putin: 2.000 lính Ukraine bị bao vây ở Kursk

"Một số đơn vị quân đội Ukraine tấn công tỉnh Kursk (Nga) đã bị phong tỏa và bao vây, số lượng lên tới 2.000 người" – Tổng thống Nga Vladimir Putin phát biểu trong cuộc họp báo sau Hội nghị thượng đỉnh BRICS ở Kaza ngày 24/10 – Quân đội Nga đã bắt đầu tiêu diệt các nhóm này".

Theo nhà lãnh đạo Nga, các nỗ lực của Ukraine nhằm phá vỡ vòng vây đã không thành công. Ông đồng thời lưu ý rằng các lực lượng Nga đang tự tin tiến dọc toàn bộ đường chiến tuyến tại khu vực chiến dịch đặc biệt.

 - Ảnh 1.

Ông Putin nói 2.000 quân Ukraine đang bị bao vây ở Kursk. Ảnh: Axios

Trước đó, Bộ Quốc phòng Nga thông báo, Ukraine đã tổn thất hơn 26.000 quân kể từ khi phát động chiến dịch tấn công xuyên biên giới vào tỉnh Kursk.

Riêng trong ngày 24/10, chỉ trong vòng 24 giờ, lực lượng Ukraine đã thiệt hại 280 binh sĩ, cùng 9 xe bọc thép. Cũng trong ngày, lực lượng Nga đã đẩy lùi 3 cuộc phản công của Ukraine ở Nizhny Klin, Novoivanovka và Plekhovo, đánh bại 10 lữ đoàn Ukraine.

Nguồn tin của tạp chí Newsweek (Mỹ) cho biết, hiện Ukraine chỉ còn kiểm soát hơn 700km2 ở Kursk, khoảng một nửa so với diện tích mà họ tuyên bố giành được ở giai đoạn đầu.

"Nếu xu hướng này tiếp diễn, Kiev có thể cần xem xét lại sự hiện diện quân sự của họ ở Kursk và tương lai toàn bộ chiến dịch" – Chuyên gia quân sự Emil Kastehelmi đến từ Phần Lan dự đoán.

Quân đội Triều Tiên "đã nhận tín hiệu tấn công"

Cũng trong khuôn khổ cuộc họp báo sau Hội nghị BRICS, Tổng thống Putin đã không phủ nhận các cáo buộc của Mỹ và Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên đã đưa quân tới Nga.

Khi được hỏi về hình ảnh vệ tinh cho thấy sự di chuyển của quân đội Triều Tiên, ông Putin nói: "Hình ảnh là một vấn đề lớn. Nếu có hình ảnh thì chúng phản ánh điều gì đó".

Người đứng đầu Điện Kremlin sau đó đề cập cụ thể đến Điều 4 của thỏa thuận hợp tác giữa Nga với Triều Tiên, liên quan đến vấn đề phòng thủ chung.

Trước đó một ngày, hãng tin Reuters (Anh) dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết, ít nhất 3.000 lính Triều Tiên đang được huấn luyện tại 3 căn cứ ở miền đông nước Nga. Trong khi đó, cơ quan tình báo quân sự Ukraine thông báo, các đơn vị quân sự đầu tiên của Triều Tiên đã được triển khai tới Kursk.

 - Ảnh 2.

Nhóm binh sĩ Triều Tiên đầu tiên tới Nga được cho là do đích thân ông Kim Jong Un tiến hành kiểm tra. Ảnh: Daily Wrap

Bình luận về chủ đề này trên tờ MK (Nga), chuyên gia quân sự Alexey Sukonkin cho rằng, sẽ không mất nhiều thời gian để triển khai các đơn vị chiến đấu Triều Tiên. Các đơn vị của Bình Nhưỡng "đã nhận tính hiệu tấn công", và sắp tới quân Ukraine sẽ phải đối mặt với các nhiệm vụ đặc biệt.

Ông lưu ý, theo Hiệp ước Đối tác Chiến lược Toàn diện Nga-Triều được Duma Quốc gia Nga phê chuẩn ngày 24/10, Nga và Triều Tiên có nghĩa vụ hỗ trợ quân sự lẫn nhau trong trường hợp một phía bị tấn công. Như trong trường hợp hiện tại, Ukraine đã điều quân "xâm lược tỉnh Kursk của Nga".

Nhà phân tích dự đoán, sự xuất hiện của quân đội Triều Tiên trên lãnh thổ Nga sẽ sớm được công bố chính thức, sau khi ông Putin ký ban hành Hiệp ước này.

"Vào thời điểm Tổng thống ký hiệp ước, mọi thứ sẽ sẵn sàng. Các đơn vị Triều Tiên sẽ đột nhiên xuất hiện trên chiến trường 'nhanh như một cú nhấp chuột'" – Ông Sukonkin nói.

Theo vị chuyên gia, sẽ là sai lầm khi cho rằng quân đội Triều Tiên lạc hậu. Về mặt vũ khí, họ đang tạo ra các hệ thống pháo và tên lửa phóng loạt mà thậm chí "Nga không có".

"Quá trình tạo ra tên lửa chiến lược ở Triều Tiên đang diễn ra với tốc độ đáng kinh ngạc. Ví dụ, họ trình làng 1 nguyên mẫu tên lửa, một năm sau, nguyên mẫu này không chỉ được đưa vào sử dụng, mà còn được trang bị cho các đơn vị" – Ông Sukonkin cho hay.

Bên cạnh đó, nếu như trong thời gian mới thành lập khu vực tác chiến đặc biệt (SVO), Nga gặp vấn đề về liên lạc thì ở Triều Tiên, vấn đề liên lạc đã được giải quyết hoàn toàn.

Triều Tiên đã cung cấp hệ thống liên lạc ổn định và khép kín cho các đơn vị của mình – được "mã hóa, trang bị khả năng chống tác chiến điện tử" khiến đối thủ của họ như quân đội Hàn Quốc và Mỹ rất khó chịu.

Theo ông Sukonkin, Triều Tiên cũng đã bí mật lấy được các mẫu UAV chiến lược của Mỹ, nghiên cứu rồi đưa vào sản xuất hàng loạt bản sao. Họ còn cho ra đời những mẫu xe tăng và hệ thống pháo tự hành ưu việt.

Quân Triều Tiên ở Kursk có thể thay đổi cục diện?

Theo tờ Financial Times (Mỹ), Hàn Quốc và Ukraine đã công bố các đoạn video cho thấy hàng trăm binh sĩ Triều Tiên xuất hiện tại căn cứ quân sự ở vùng Viễn Đông (Nga). Trước đó, tình báo Hàn Quốc thông báo, họ đã nắm được thông tin rằng Triều Tiên quyết định điều 12.000 quân tới hỗ trợ Nga trong cuộc chiến với Ukraine.

Một số chuyên gia cho rằng, lực lượng này quá nhỏ để xoay chuyển cục diện cuộc chiến, bởi Nga sẽ gần tăng gấp đôi lực lượng gồm 50.000 binh sĩ đang chiến đấu ở Kursk để đẩy lui quân đội Ukraine.

 - Ảnh 4.

Hàn Quốc công bố ảnh vệ tinh cho thấy khoảng 400 quân nhân Triều Tiên được cho là đã tập trung tại một cơ sở quân sự của Nga ở Ussuriysk ngày 16/10. Ảnh: NIS

Song, theo chuyên gia Jack Watling đến từ Viện Royal United Services, khả năng của quân Triều Tiên có thể gây ra nhiều vấn đề hơn cho Kiev.

"Họ có thể có sự gắn kết khá tốt. Họ có thể có tinh thần cao. Họ có thể hoạt động ở quy mô mà người Nga đang phải vật lộn để đạt được" – Ông Watling nhận định.

Theo Cơ quan Tình báo Quốc gia Hàn Quốc, lực lượng được gửi đến Nga thuộc Tập đoàn quân số 11 của Triều Tiên, một đơn vị tinh nhuệ được gọi là "Quân đoàn Bão táp".

"Đây là lực lượng bộ binh hạng nhẹ cơ động được trang bị tốt và được huấn luyện bài bản" – theo ông Go Myong-hyun, thành viên cấp cao tại Viện Chiến lược An ninh Quốc gia Hàn Quốc tại Seoul.

Ông Go nhận định, Triều Tiên có thể muốn triển khai quân đội tới Ukraine vì điều này sẽ giúp họ đổi lại việc được tiếp cận các công nghệ quân sự tiên tiến của Nga nhằm thúc đẩy các chương trình tên lửa đạn đạo, không gian và hạt nhân.

Song, vị chuyên gia cảnh báo, động thái của Bình Nhưỡng sẽ dẫn tới hệ lụy.

Ví dụ, Seoul trước đây đã phản đối đề nghị từ các đối tác phương Tây về việc cung cấp vũ khí cho Kiev do lo ngại Nga sẽ đáp trả bằng cách cung cấp các công nghệ tiên tiến liên quan đến quốc phòng cho Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên, sau khi thông tin Triều Tiên đưa quân tới Nga trở nên rầm rộ, một quan chức Nhà Xanh đã nói với phương tiện truyền thông nhà nước Hàn Quốc rằng, Seoul sẽ cân nhắc gửi vũ khí phòng thủ cho Kiev, "và nếu vượt quá ngưỡng, cuối cùng chúng tôi cũng có thể cân nhắc cả vũ khí tấn công".


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại