Mig-23 tự bay 900 km khiến châu Âu kinh hãi

Tuấn Hùng |

Chiến đấu cơ Mig-23 của Liên Xô dù không có phi công lái nhưng vẫn tiếp tục bay thêm 900 km qua 3 nước NATO khiến châu Âu kinh hãi.

Mỹ, NATO kinh hãi

Sự cố xảy ra ngày 4/7/1989, thời điểm cuối của cuộc Chiến tranh lạnh.

Theo lời Đại tá, phi công Nikolai Skuridin, đây là chuyến bay huấn luyện thường xuyên khởi hành từ căn cứ không quân Liên Xô Bagicz gần Kolobrzeg, Ba Lan.

Tuy nhiên sau khi cất cánh được ít phút, ông phát hiện buồng tăng lực bị hỏng, máy bay dần dần mất tốc độ khi đang ở độ cao 150 m. Phán đoán là động cơ đã hỏng hẳn nên Skuridin đã bấm nút ghế thoát hiểm, nhảy dù an toàn.

Nhưng viên phi công Liên Xô đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy chiếc máy bay không rơi mà lao lên đến độ cao tới 39.000 ft (khoảng 11,8km) sang không phận các nước NATO.

Sự việc 1 chiến đấu cơ Mig-23 của Liên Xô mang theo vũ khí đã khiến những người Mỹ tham dự lễ Ngày độc lập của nước này ở căn cứ Soesrberg, Hà Lan không khỏi kinh hãi.

Aviationist dẫn lời các quan chức của NATO lúc bấy giờ ở Brussel, Bỉ cho biết, ngay sau khi Mig-23 tiến vào không phận của NATO, không lực Mỹ đã phải tức tốc điều các chiến đấu cơ F-15 để đánh chặn.

Vào thời điểm đó, các phi công Mỹ hoàn toàn bất ngờ vì họ chưa bao giờ nghĩ rằng việc chuẩn bị cho các chuyến bay kỷ niệm ngày độc lập của mình lại trở thành chuyến bay thực hiện nhiệm vụ đánh chặn trước sự xâm nhập của một chiếc Mig vô cùng kỳ lạ của Liên Xô.

2 phi công được cử xuất kích F-15 đánh chặn Mig-23 của Liên Xô lại không liên lạc được với trạm điều khiển đánh chặn mặt đất do lỗi thông tin liên lạc.

Vất vả để tiếp cận Mig-23, 2 phi công Mỹ đã quá bất ngờ khi phát hiện ra MiG-23 không hề có người lái và không mang vũ khí gì quá ghê gớm ngoài những trang bị hết sức thông thường.

Tuy nhiên giới chức Mỹ và NATO vẫn lo sợ phi cơ của Liên Xô có vũ khí hóa học, sinh học thậm chí vũ khí hạt nhân nên mọi đề xuất đánh chặn đều bị từ chối.

Nhà chức trách Bỉ yêu cầu F-15 bắn hạ Mig-23 ngay khi nó tiến ra biển. Các lực lượng cảnh sát và các đội cứu hộ, phòng cháy trên đường bay của Mig-23 đều được đặt trong trạng thái sẵn sàng triển khai.

Mọi dự báo đều sai

Các chiến đấu cơ F-15 Mỹ được lệnh theo sát Mig-23. Khi chiến đấu cơ Liên Xô bắt đầu giảm độ cao và rơi nhanh xuống đất, các phi công trên F-15 đã dự báo Mig-23 sẽ rơi xuống Lille, một khu vực biên giới giữa Bỉ và Pháp.

Sau đó họ tính toán lại và nhận thấy Mig-23 có thể rơi xuống một cánh đồng vắng ở Bỉ và không có nguy cơ gây thương vong nào.

Tuy nhiên, mọi tính toán dự báo đều sai. Sau khi bay gần 900 km qua Ba Lan, vào không phận của Đông Đức, Tây Đức, Mig-23 bị hết nhiên liệu và đã rơi xuống một trang trại ở Wevelgem, cách phía tây thủ đô Brussels của Bỉ khoảng 80 km khiến một thanh niên 18 tuổi thiệt mạng.

Sau vụ tai nạn, chính phủ Bỉ đã chỉ trích Liên Xô vì phản ứng chậm khi không thông báo cho họ biết việc chiếc Mig-23 có mang vũ khí hạt nhân hoặc sinh học hay không.

Phía NATO và Liên Xô đều xác định đây chỉ là một vụ tai nạn ngoài ý muốn và bày tỏ hối tiếc về sự cố này.

Mig-23 là chiến đấu cơ thế hệ thứ 3 của Liên Xô, chính thức được đưa vào biên chế từ những năm 1970. Với tốc độ tối đa Mach 2,35 (hơn 2.800km/h), Mig-23 vẫn được đánh giá là một trong những chiến đấu cơ nhanh nhất trong thế giới.

Theo thống kê, có khoảng 5.000 chiếc Mig-23 thiết kế cánh cụp cánh xòe đã được sản xuất và xuất khẩu tới nhiều quốc gia trên thế giới.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại