Miền Bắc vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại vừa sản xuất

B.T sưu tầm, SGK Sử 9 |

Song song với đẩy mạnh hành động quân sự ở miền Nam, Mĩ mở các đợt chiến tranh phá hoại ở miền Bắc. Nhân dân miền Bắc vừa chiến đấu, vừa sản xuất để làm hậu phương lớn cho miền Nam.

Mĩ tiến hành chiến tranh không quân và hải quân phá hoại miền Bắc

Cuối năm 1964 đầu năm 1965, cùng với việc đẩy mạnh chiến tranh xâm lược miền Nam. Mĩ mở rộng chiến tranh không quân và hải quân phá hoại miền Bắc,

Ngày 5 - 8 - 1964, sau khi dựng lên "sự kiện Vịnh Bắc Bộ", Mĩ cho máy bay ném bom bắn phá một số nơi ở miền Bắc như cửa sông Gianh (Quảng Bình), Vịnh Bến Thủy (Nghệ An), Lạch Trường (Thanh Hóa), thị xã Hòn Gai (Quảng Ninh).

Miền Bắc vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại vừa sản xuất - Ảnh 1.

Hải quân Việt Nam chiến đấu trong "sự kiện Vịnh Bắc Bộ"

Ngày 7 - 2 - 1965, lấy cớ "trả đũa" việc quân giải phóng miền Nam tiến công doanh trại quân Mĩ ở Plây Cu, Mĩ cho máy bay ném bom bắn phá thị xã Đồng Hới (Quảng Bình), đảo Cồn Cỏ (Vĩnh Linh – Quảng Trị)... chính thức gây ra cuộc chiến tranh bằng không quân và hải quân phá hoại miền Bắc (lần thứ nhất).

Không quân và hải quân Mĩ tập trung ném bom các mục tiêu quân sự, các đầu mối giao thông, các nhà máy, xí nghiệp, hầm mỏ, các công trình thủy lợi, các khu đông dân... Chúng ném bom cả trường học, nhà trẻ, bệnh viện, khu an dưỡng, đền, chùa và nhà thờ.

Miền Bắc vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại, vừa sản xuất

Ngay từ ngày đầu Mĩ mở rộng chiến tranh, miền Bắc đã kịp thời chuyển mọi hoạt động sang thời chiến, thực hiện quân sự hóa toàn dân, đào đắp công sự chiến đấu, hầm hào phòng tránh; triệt để sơ tán, phân tán những nơi đông dân để tránh thiệt hại về người và của.

Miền Bắc vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại vừa sản xuất - Ảnh 2.

Cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) là một trong những mục tiêu bắn phá của Mĩ

Trong điều kiện chiến tranh phá hoại, ta chủ trương đẩy mạnh kinh tế địa phương. chú trọng phát triển nông nghiệp. Xây dựng kinh tế thời chiến theo hướng đó sẽ hạn chế được sự tàn phá của chiến tranh, tăng khả năng đáp ứng yêu cầu của cuộc chiến đấu tại chỗ và đời sống của nhân dân từng địa phương.

Trên toàn miền Bắc dấy lên phong trào thi đua chống Mĩ, cứu nước, thể hiện sáng ngời chân lí "Không có gì quý hơn độc lập, tự do".

Trong hơn bốn năm (từ ngày 5 - 8 - 1964 đến ngày 1 - 11 - 1968), miền Bắc bắn rơi, phá huỷ 3243 máy bay, trong đó có 6 máy bay B52, 3 máy bay F111; loại khỏi vòng chiến đấu hàng nghìn phi công; bắn cháy và bắn chìm 143 tàu chiến. Ngày 1 - 11 - 1968, Mĩ tuyên bố ngừng chiến tranh phá hoại miền Bắc.

Miền Bắc vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại vừa sản xuất - Ảnh 3.

Công nhân giao thông Nam Định thông đường sau khi Mỹ ném bóm phá hoại năm 1968

Trên mặt trận sản xuất, miền Bắc cũng lập được những thành tích quan trọng.

Về nông nghiệp, diện tích canh tác được mở rộng, năng suất lao động không ngừng tăng lên, ngày càng có nhiều hợp tác xã, nhiều địa phương đạt "Ba mục tiêu" (5 tấn thóc, 2 đầu lợn, 1 lao động trên 1 hécta diện tích gieo trồng trong 1 năm). Năm 1965, miền Bắc có 7 huyện, 640 hợp tác xã đạt mục tiêu 5 tấn thóc trên 1 hécta trong hai vụ, đến năm 1967 tăng lên 30 huyện và 2485 hợp tác xã.

Về công nghiệp, năng lực sản xuất ở một số ngành được giữ vững. Các cơ sở công nghiệp lớn đã kip thời sơ tán, phân tán, sớm đi vào sản xuất, đáp ứng nhu cầu thiết yếu nhất cho chiến đấu và đời sống. Công nghiệp địa phương và công nghiệp quốc phòng phát triển. Mỗi tỉnh trở thành một đơn vị kinh tế tương đối hoàn chỉnh.

Giao thông vận tải là một trong những trọng điểm bắn phá ác liệt của địch, nhưng ta vẫn bảo đảm giao thông thông suốt, đáp ứng được yêu cầu phục vụ chiến đấu, sản xuất và tiêu dùng của nhân dân.

Miền Bắc thực hiện nghĩa vụ hậu phương lớn

Là hậu phương lớn của cuộc kháng chiến chống Mĩ, cứu nước, miền Bắc luôn hướng về miền Nam. Vì miền Nam ruột thịt, miền Bắc phấn đấu "Mỗi người làm việc bằng hai". Vì tiền tuyến kêu gọi, hậu phương sẵn sàng đáp lại "Thóc không thiếu một cân, quân không thiếu một người".

Miền Bắc vừa chiến đấu chống chiến tranh phá hoại vừa sản xuất - Ảnh 4.

Tàu không số chở hàng chi viện miền Nam bằng đường Hồ Chí Minh trên biển

Tuyến đường vận chuyền chiến lược Bắc - Nam mang tên Hồ Chí Minh trên bộ (dọc theo dãy Trường Sơn) và trên biển (dọc theo bờ biển) bắt đầu khai thông từ tháng 5 - 1959, đã nối liền hậu phương với tiền tuyến.

Nhờ hai tuyến đường vận chuyển chiến lược trên, qua 4 năm (1965 - 1968), miền Bắc đã đưa hơn 300.000 cán bộ, bộ đội vào Nam tham gia chiến đấu, phục vụ chiến đấu, xây dưng kinh tế, văn hoá tại các vùng giải phớng; gửi vào miền Nam hàng chục vạn tấn vũ khí, đạn dược, quân trang, quân dụng, xăng dầu, lương thực. thực phẩm, thuốc men và nhiều vật dụng khác. Tính chung sức người, sức của từ miền Bắc chuyển vào miền Nam sau bốn năm đã tăng gấp 10 lần so với thời kì trước.

Bài viết nhằm giúp cho độc giả nào chưa có điều kiện tìm hiểu lịch sử nước nhà có thêm kiến thức tham khảo, theo tinh thần "Dân ta phải biết Sử ta". Nguồn: SGK Sử lớp 9.


Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại