Mặc dù thực tế Thế chiến II là một cuộc "chiến tranh của những chiếc xe tăng" và những ngày hoàng kim của kỵ binh đã biến mất từ lâu, ngựa vẫn đóng một vai trò quan trọng trong cuộc chiến lịch sử này, theo RBTH.
Các cuộc tấn công toàn diện bởi các đơn vị kỵ binh là một cảnh tượng hiếm hoi, vì sự tàn khốc của chiến tranh sẽ dẫn đến thương vong lớn đối với loài ngựa.
Đôi khi các đơn vị kỵ binh được sử dụng để tạo thế đột phá và đánh đuổi kẻ thù đang thoái chạy, nhưng các kỵ binh Liên Xô luôn đóng một vai trò đặc biệt và chiến đấu như lực lượng bộ binh chủ đạo.
Được trang bị súng hạng nhẹ, các kị binh Liên Xô thường xuyên xuất hiện một cách bất ngờ khiến kẻ địch không kịp trở tay. Chiến thuật này rất hữu ích trong trận chiến Moscow năm 1941, nơi các đơn vị kỵ binh chiếm gần 1/4 các sư đoàn Liên Xô.
Bên cạnh việc tham chiến, ngựa là con vật không thể thiếu trong việc vận chuyển hàng hóa và pháo binh trong địa hình hiểm trở. Trong những điều kiện khắc nghiệt của mùa Thu và mùa Đông nước Nga, ngựa có lợi thế hơn hẳn so với xe tải, vì chúng không bị kẹt trong bùn hoặc tuyết.
Ngoài ra, ngựa đôi khi còn là nguồn thực phẩm cứu trợ cho quân đội Liên Xô trước sự bao vây của kẻ thù.
Người Đức cũng có các đơn vị kỵ binh riêng nhưng không được phát triển mạnh về sau này. Về cơ bản, Đức không có nguồn động vật dồi dào như Liên Xô, vốn có số lượng lớn ngựa từ đồng minh Viễn Đông, Mông Cổ.
Bạn thân nhất của loài người
Chó luôn đóng vai trò quan trọng trong Thế chiến II.
Tương tự như vậy, những chú chó của Liên Xô cũng luôn theo sát người lính, không chỉ ở hậu tuyến mà còn ở tiền tuyến.
Được huấn luyện kỹ lưỡng tại các trung tâm đào tạo đặc biệt, những chú chó này thực hiện vai trò như một người lính y tế, kéo những người bị thương từ chiến trường. Ngoài ra, loài vật trung thành này còn làm các nhiệm vụ quan trọng khác như tìm kiếm bom mìn, chuyển tin, kéo xe trượt tuyết, bảo vệ các cơ sở quan trọng khỏi những kẻ phá hoại, hay thậm chí là thực hiện vai trò quấy phá.
Trong giai đoạn đầu của chiến tranh, Liên Xô sử dụng những chú chó cảm tử để đấu lại người Đức. Chúng được huấn luyện để mang theo thiết bị nổ trên người và lao về phía xe tăng địch. Hơn 300 xe tăng địch đã bị phá hủy bởi những chú chó dũng cảm của Liên Xô.
Trong những năm cuối của cuộc chiến, phương thức tác chiến như vậy không còn hiệu quả và loài vật này chuyển sang các nhiệm vụ khác.
Sau này, các chú chó anh hùng được Liên Xô vinh danh. Chúng là một trong những thành phần tham dự Cuộc diễu hành Chiến thắng năm 1945. Nhà lãnh đạo Stalin khi đó còn đích thân đưa chiếc áo khoác của mình cho Julbars (chú chó đã phát hiện ra 7468 bom mìn trong chiến tranh) và cùng chú chó này đi dọc Quảng trường Đỏ.
Chiến binh lạc đà
Lần đầu tiên lạc đà xuất hiện trên các chiến trường của cuộc chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại là ở trận Stalingrad. Khi đó, quân đội Liên Xô gần Astrakhan đang chuẩn bị tham gia vào một trong những trận đánh quan trọng nhất của cuộc chiến, nhưng họ thiếu xe tải và ngựa.
Vì vậy, những người lính bắt đầu tìm kiếm và bắt lạc đà hoang dã trong các khu vực bán sa mạc để sử dụng chúng cho nhiệm vụ vận chuyển hàng hóa và pháo binh. Không làm thất vọng, lạc đà đã sớm trở thành đồng đội chiến đấu thực sự đối với đội quân của Liên Xô.
Thời điểm này, gần 350 con lạc đà đã tham gia chiến tranh. Một số bị giết và phần lớn còn lại được những người lính giải giáp và đưa về các vườn thú địa phương trên con đường xuyên Đông Âu. Tuy nhiên, có một chú lạc đà thậm chí còn đến cả Berlin.
"Sư đoàn mèo"
Không giống như những loài vật khác tham gia trong chiến tranh, mèo không chiến đấu với kẻ thù hoặc chở hàng hóa. Mặc dù không bao giờ xuất hiện trên tiền tuyến nhưng sự đóng góp của chúng cho cuộc chiến cũng rất đáng kể.
Trong cuộc bao vây Leningrad, người dân nơi đây không còn lương thực. Họ ăn tất cả những con mèo trong thành phố, dẫn việc loài chuột trỗi dậy. Đám gặm nhấm đã chui vào nhà dân và kho chứa, ăn hết toàn bộ những thực phẩm cuối cùng.
Chính quyền thành phố săn lùng những con chuột, nổ súng vào chúng, thậm chí đè bẹp bằng xe tăng, nhưng không mang lại hiệu quả. Đó là lý do tại sao khi cuộc phong tỏa bị phá vỡ vào năm 1943, những toa xe đầy mèo là những vị khách đầu tiên vào thành phố.
"Sư đoàn mèo" nhanh chóng giải quyết vấn đề và giải cứu thành phố khỏi nỗi ám ảnh của những con chuột. Những di tích tôn vinh loài mèo của người dân cho đến ngày nay vẫn có thể được nhìn thấy tại St Petersburg.