Mệnh lệnh lúc 0h30: Thần tốc, phá tan cánh cửa thép, mở đường để đại quân tiến về phía Nam

Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt |

Tất cả các xe về kẻ hai chữ "THẦN TỐC" lên thân xe, lên tháp pháo! Các chiến sĩ bộ binh cơ giới thì kẻ khẩu hiệu lên vành mũ. Thực hiện ngay!

LTS: Trong cuộc tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975, thắng lợi của Chiến dịch tiến công Huế - Đà Nẵng có ý nghĩa chiến lược. Cùng với thắng lợi của Chiến dịch Tây Nguyên, nó đã làm thay đổi hẳn cục diện chiến tranh, tạo ra những điều kiện rất cơ bản, góp phần giải phóng Sài Gòn và hoàn toàn miền Nam một cách nhanh chóng.

Xin trân trọng giới thiệu với độc giả loạt bài của Đại tá Nguyễn Khắc Nguyệt (Nguyên Trưởng ban KH-CN-MT Trường Sĩ quan Tăng Thiết giáp, nguyên chiến sĩ lái xe tăng số 380 thuộc Đại đội 4, Lữ đoàn 203, cùng đơn vị với các xe tăng 390 và 843 húc đổ cổng Dinh Độc Lập trưa 30-04-1975) về những trận đánh lịch sử đó cùng những câu chuyện thú vị.

Mệnh lệnh là lệnh của cấp trên ban ra đối với cấp dưới, bắt buộc cấp dưới phải thi hành một nhiệm vụ, một công việc nào đó. Vì vậy, các mệnh lệnh thường rất ngắn gọn, cô đọng và có văn phong hết sức khô khan, lạnh lùng.

Tuy vậy, trong lịch sử chiến tranh Việt Nam, có một bản Mệnh lệnh đã vượt qua cái khuôn khổ thông thường ấy. Đó không chỉ là nhiệm vụ phải thực hiện mà còn là phương châm để thực hiện nhiệm vụ đó. Hơn thế nữa, nó còn như một lời hiệu triệu, một lời "hịch" của non sông đất nước gửi tới cán bộ, chiến sĩ trong toàn quân xốc tới hoàn thành nhiệm vụ.

Mệnh lệnh lúc 0h30: Thần tốc, phá tan cánh cửa thép, mở đường để đại quân tiến về phía Nam - Ảnh 1.

Đó chính là bản Mệnh lệnh số 157/ĐK của Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp gửi các đơn vị lúc 0 giờ 30 phút ngày 07.4.1975.

Mệnh lệnh nhưng cũng là phương châm hành động!

Mùa Xuân 1975, tại Tổng hành dinh trong thành cổ Hà Nội, Bộ thống soái tối cao đã làm việc khẩn trương: liên tục, tập trung trí tuệ, tài năng ra những quyết định, kế hoạch chiến lược, chiến dịch, những mệnh lệnh, chỉ thị cho quân và dân cả nước biến các Nghị quyết của Đảng thành sức mạnh chiến đấu và chiến thắng trên các mặt trận.

Cũng tại đây, các cơ quan của Tổng hành dinh: Bộ Tổng Tham mưu, Tổng cục Chính trị, Tổng cục Hậu cần, Tổng cục Kỹ thuật đã phát huy năng lực và kinh nghiệm theo chức năng, nhiệm vụ, cùng với các cơ quan của Đảng và Nhà nước giúp Bộ thống soái tối cao, góp phần vào thắng lợi chung.

Từ khi cuộc Tổng tiến công nổi dậy Mùa Xuân 1975 nổ ra, tại cơ quan Tổng hành dinh, đích thân Đại tướng Tổng Tư lệnh và các tướng lĩnh, sĩ quan thường xuyên theo dõi 24/24 tình hình các mặt trận.

Các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước cũng thường xuyên có mặt tại đây để nắm bắt tình hình và kịp thời đưa ra các quyết định sáng suốt nhất, phù hợp nhất.

Những ngày đầu tháng 4.1975, tình hình các chiến trường diễn biến hết sức thuận lợi. Sau hai chiến dịch Tây Nguyên và Huế - Đà Nẵng, Quân đoàn 1 và 2 của Việt nam cộng hòa (VNCH) đã hoàn toàn tan rã, toàn bộ lãnh thổ Quân khu 1 và phần lớn lãnh thổ Quân khu 2 VNCH đã nằm trong tay chính quyền cách mạng.

Thời cơ giải phóng miền Nam thống nhất đất nước đã hiện ra trước mắt.

Mệnh lệnh lúc 0h30: Thần tốc, phá tan cánh cửa thép, mở đường để đại quân tiến về phía Nam - Ảnh 2.

11h30' ngày 30/4/1975, quân giải phóng chiếm Dinh Độc lập, sào huyệt cuối cùng của quân địch tại Sài Gòn. Ảnh tư liệu.

Tuy nhiên, không phải không có những khó khăn, trở ngại.

Về phía VNCH, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu đang cố sống, cố chết giữ lấy phần lãnh thổ còn lại hòng tìm kiếm một giải pháp chính trị khác.

Dưới sự cố vấn của đích thân Đại tướng Uây-en, Tổng Tham mưu trưởng liên quân Hoa Kỳ, phía VNCH đã khẩn trương xây dựng một phòng tuyến mới kéo dài từ Phan Rang qua Xuân Lộc về Tây Ninh hòng thực hiện được ý định đó.

Một trở ngại lớn khác cũng đang hiện hình ở phía trước: mùa mưa đang tới. Từ thực tế nhiều năm của chiến trường miền Nam cho thấy mỗi khi mùa mưa đến, việc vận chuyển tiếp tế sẽ rất khó khăn, cái gì cũng thiếu thốn... Mùa mưa cũng là thời điểm sức khỏe của bộ đội bị ảnh hưởng nhiều nhất do gia tăng sốt rét, bệnh tật...

Trong hoàn cảnh đó phải nhanh chóng chớp lấy thời cơ, tận dụng bằng được thời cơ giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà trước mùa mưa. Lúc này, thời gian là lực lượng. Một ngày bằng hai mươi năm! Cần phải nhanh hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, táo bạo hơn nữa! Để lỡ thời cơ này sẽ là có tội với lịch sử, với nhân dân!

Và có lẽ chính những trăn trở đó đã thôi thúc Đại tướng Tổng Tư lệnh tự tay mình thảo bức điện 157/ĐK vào lúc 0 giờ 30 phút ngày 07.4.1975 gửi các cánh quân:

"Mệnh lệnh 1- Thần tốc, thần tốc hơn nữa; táo bạo, táo bạo hơn nữa, tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng". 2- Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ".

Một bản mệnh lệnh vô cùng ngắn gọn song cũng hết sức đày đủ, súc tích. Chỉ với 40 từ nhưng mệnh lệnh đã xác định rõ mục tiêu phải đạt được, đồng thời cũng chỉ rõ phương châm hành động để đạt được mục tiêu đó: Đã thần tốc rồi cần thần tốc hơn nữa! Đã táo bạo rồi cần táo bạo hơn!

Mệnh lệnh lúc 0h30: Thần tốc, phá tan cánh cửa thép, mở đường để đại quân tiến về phía Nam - Ảnh 3.

Quân Giải phóng hành quân thần tốc vượt eo biển miền Trung tiến về Sài Gòn, tháng 4-1975. Ảnh tư liệu.

Lời hịch của non sông âm vang mãi trong lòng mọi cán bộ, chiến sĩ

Khi nhắc đến bản mệnh lệnh đặc biệt này thường người ta chỉ chỉ chú ý đến nội dung thứ nhất của nó mà ít người để ý đến nội dung thứ hai: "2 - Truyền đạt tức khắc đến đảng viên, chiến sĩ!".

Điều đó cũng dễ hiểu bởi phần thứ nhất là phần quan trọng nhất, chỉ rõ nhiệm vụ và cách thức cần thực hiện. Tuy nhiên, phần thứ hai lại là con đường để thực hiện được phần thứ nhất nhanh chóng, hoàn hảo nhất.

Có lẽ, chính người thảo bức điện này hiểu hơn ai hết điều đó nên ông đã nhấn mạnh phải truyền đạt, mà là truyền đạt tức khắc - ngay lập tức, vô điều kiện đến từng người lính của ông.

Và ý định đó của ông đã được thực hiện hoàn hảo. Cho đến sáng 7.4.1975, bản mệnh lệnh mang số hiệu 157/ĐK đã đến với tất cả các phân đội chiến đấu và từng người lính trên toàn mặt trận dù họ đang ở đâu, dù đang bám địch nơi tuyến đầu hay đang hành quân trên những cung đường Trường Sơn đỏ bụi...

Sáng 7.4.1975 không khí tại căn cứ cũ của Sư đoàn 3 VNCH tại Hòa Khánh, Đà Nẵng thật là sôi nổi. Đây là nơi đóng quân của Bộ Tư lệnh và một số đơn vị của Quân đoàn 2.

Theo đúng kế hoạch hành quân, ngày hôm đó là ngày xuất phát Khối 1 của quân đoàn bao gồm Sư đoàn BB 325, Trung đoàn Cao xạ 284 và Tiểu đoàn TTG 4/ Lữ đoàn 203 (Tiểu đoàn TTG 5 sẽ nhập khối từ Tam Kỳ). Khối này có nhiệm vụ "đánh địch mà đi, mở đường mà tiến" cho toàn bộ đội hình quân đoàn.

Tại khu vực trú quân của Lữ đoàn xe tăng 203, hơn 20 chiếc xe tăng, thiết giáp của Tiểu đoàn TTG 4 đã xếp thành đội hình hàng dọc. Dẫn đầu là 5 chiếc tăng K63-85 của Đại đội XT 3. Tiếp đó là các xe thiết giáp K63 của Đại đội TG 8 và 9. Trên mỗi xe những lá cờ nửa xanh, nửa đỏ với ngôi sao vàng ở giữa phấp phới bay trong gió sớm.

Mọi công việc chuẩn bị đã xong. Bộ đội đang xếp hàng nghiêm chỉnh nghe Tiểu đoàn trưởng Phạm Ngọc Bảng hạ đạt mệnh lệnh hành quân. Các cán bộ chỉ huy của Lữ đoàn 203 cũng có mặt gần như đông đủ để tiễn phân đội phái đi trước lên đường.

Đúng lúc đó, một chiếc xe con phóng xuống và dừng lại cạnh đội hình xe tăng. Từ trên xe, một sĩ quan của Bộ Tư lệnh TTG tiền phương bước xuống và chạy lại gặp Chính ủy lữ đoàn Bùi Văn Tùng và đưa cho ông một cuốn sổ nhỏ.

Sau khi đọc lướt qua và một vài phút hội ý, Chính ủy Bùi Văn Tùng bước lại gần nói nhỏ điều gì đó với Tiểu đoàn trưởng Phạm Ngọc Bảng rồi quay xuống hàng quân: "Chúng tôi vừa nhận được điện khẩn của Đại tướng Tổng Tư lệnh gửi cán bộ, chiến sĩ toàn quân. Xin thông báo ngay đến toàn thể các đồng chí!".

Ông dừng lại một chút rồi nói to chậm rãi bằng chất giọng Quảng Nam trầm ấm nhưng cũng đày xúc động: "Đại tướng lệnh cho chúng ta phải "thần tốc, thần tốc hơn nữa.

Táo bạo, táo bạo hơn nữa. Tranh thủ từng giờ, từng phút xốc tới mặt trận, giải phóng miền Nam. Quyết chiến và toàn thắng! Các đồng chí có quyết tâm thực hiện mệnh lệnh của Đại tướng không?".

Các chiến sĩ trong hàng quân đứng ngây người nghe như nuốt lấy từng lời của Chính ủy, mắt người nào người ấy rực sáng. Có cảm tưởng họ đang được nghe lời hịch thiêng liêng, tiếng gọi của non sông đất nước.

Đến lúc chính ủy đưa ra câu hỏi tuy bất ngờ song cả hàng quân vẫn đồng thanh hô lớn: "Quyết tâm! Quyết tâm! Quyết tâm!" thật hào sảng.

Ngay sau đó, Chính trị viên tiểu đoàn Phạm Công Đính lên động viên bộ đội và tuyên bố: Lùi giờ xuất phát 15 phút. Tất cả các xe về kẻ hai chữ "THẦN TỐC" lên thân xe, lên tháp pháo! Các chiến sĩ bộ binh cơ giới thì kẻ khẩu hiệu lên vành mũ. Thực hiện ngay!

Sau khẩu lệnh đó, xe nào chạy ngay về xe đó và một cuộc đua sáng kiến âm thầm nổ ra. Các chiến sĩ tìm đủ mọi cách để có hai chữ "thần tốc" trên tháp pháo, ở thân xe. Xe thì cắt giấy dán lên. Xe thì kiếm đâu được ít sơn. Có xe không kiếm được thứ vật liệu gì khả dĩ bền hơn thì viết tạm bằng phấn, bằng gạch non...

Đúng 15 phút sau, toàn bộ đội hình xuất phát với khí thế như dời non, lấp bể. Và 9 ngày sau- ngày 16.4.1975, thực hiện Mệnh lệnh của Đại tướng - chính họ đã chọc thủng và phá tan hoang "Lá chắn thép" của VNCH tại Phan Rang, mở đường cho đại quân tiến về phía nam.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại