Do mỗi tàu sân bay Mỹ được bảo vệ bởi hạm đội tàu hộ tống riêng và nhiều tàu trong số này chuyên tác chiến chống ngầm nên chiến thuật chủ đạo của Oscar không phải là tiến đến gần để tấn công bằng ngư lôi. Thay vào đó, nó được thiết kế để bắn tên lửa hành trình chống tàu (ASCM) từ khoảng cách hàng trăm km.
Tàu ngầm mang tên lửa hành trình, được Hải quân Mỹ định danh là SSG và SSGN, không phải là một ý tưởng mới.
Theo trang mạng War is Boring, những chiếc tàu mang tên lửa hành trình đầu tiên được cải tiến từ các tàu ngầm thông thường trong những năm 1950. Lớp Echo của Liên Xô, được đưa vào biên chế trong năm 1961, là những chiếc tàu ngầm đầu tiên được thiết kế để triển khai tên lửa hành trình làm vũ khí chủ lực.
Tàu ngầm lớp Oscar có kích cỡ lớn để mang vũ khí hạng nặng. Với chiều dài 154m, lượng giãn nước khi nổi 12.500 tấn, Oscar trở thành mẫu tàu ngầm lớn thứ 4 từng được chế tạo trong lịch sử. Nó có thể đạt tốc độ tối đa lên tới 30 hải lý/h khi lặn và có thể lặn sâu tới 500m. Tuy nhiên, điểm trừ của Oscar là lặn khá chậm và thiếu khả năng cơ động.
Tàu lớp Oscar trang bị 24 tên lửa "khổng lồ" P-700 Granit (NATO định danh: SS-N-19 Shipwreck), dài 10m và nặng gần 8 tấn. Chúng có thể được phóng từ dưới nước nhằm vào các mục tiêu nổi cách xa hơn 600km. Các tên lửa Granit có thể mang theo đầu đạn hạt nhân với sức công phá 500 kiloton.
Mặc dù tàu tuần dương lớp Kirov và tàu sân bay Admiral Kuznetsov của Nga cũng có thể mang theo tên lửa Granit nhưng chúng dễ bị phát hiện hơn Oscar, do tàu ngầm có thể phóng tên lửa từ dưới biển, giảm được nguy cơ bị tấn công trả đũa.
Thủy thủ đoàn bên trong một ống phóng tên lửa Granit.
Tàu ngầm Oscar còn được trang bị các loại vũ khí dự phòng tầm ngắn hơn. Ngoài 4 ống phóng ngư lôi 533m có thể bắn tên lửa chống ngầm RPK-2 "Starfish", tàu còn có 2 ống phóng 650mm có thể bắn các tên lửa cỡ lớn SS-N-16 Stallion. Những tên lửa này có thể tấn công mục tiêu cách xa tới 100km.
Arkhangelsk và Murmansk, 2 chiếc tàu ngầm đầu tiên lớp Oscar (hay Oscar-I, đề án 949 Granit), được hoàn thiện tại xưởng đóng tàu Severodvinsk vào năm 1980 và 1982. Tiếp theo chúng là 11 tàu ngầm đề án 949A Antey (Oscar-II) được chế tạo trong giai đoạn 1982-1996.
Thêm 3 chiếc Oscar nữa được khởi đóng trong giai đoạn 1992-1994 nhưng sau đó bị bỏ dở, và các bộ phận của chúng được tháo dỡ để dùng cho mục đích khác.
Thời kỳ hậu Liên Xô, Hải quân Nga tập trung duy trì hoạt động và nâng cấp các tàu ngầm lớp Oscar. Trong những năm 1990, tàu ngầm Oscar tiếp tục đảm đương nhiệm vụ theo dõi các tàu sân bay Mỹ. Tới năm 1999, một chiếc Oscar đã bị mắc vào lưới tàu đánh cá của Tây Ban Nha.
Dù chưa từng tham gia chiến đấu nhưng tàu ngầm lớp Oscar vẫn trải qua những tình huống nguy hiểm.
Ngày 12/8/2000, một vụ nổ kéo theo phản ứng dây chuyền có sức công phá tương đương 3-7 tấn thuốc nổ TNT, đã xảy ra trên tàu Kursk khi con tàu đang thực hành lặn ngoài khơi Severomorsk, khiến toàn bộ thủy thủ thiệt mạng.
Phần còn lại của tàu ngầm Kursk sau vụ nổ
Ngày 7/4/2015, tàu ngầm Orel bất ngờ bị cháy tại ụ nổi ở nhà máy đóng tàu Severodvinsk. May mắn là khi xảy ra sự cố, trên tàu không có nhiên liệu hạt nhân và vũ khí.
Hiện nay, có 7-8 chiếc tàu lớp Oscar-II đang tiếp tục phục vụ Hạm đội Thái Bình Dương và Hạm đội phương Bắc của Nga. Sau này, các tàu ngầm lớp Yasen, với khả năng tàng hình tốt hơn, sẽ dần thay thế tàu ngầm lớp Oscar để đảm đương nhiệm vụ chống tàu sân bay.
Tuy nhiên, trong thời gian chờ đợi, quân đội Nga đã thông báo kế hoạch nâng cấp ít nhất 3 tàu lớp Oscar lên đề án 949AM vào năm 2020, với chi phí nâng cấp là 180 triệu USD/tàu.
Gói nâng cấp sẽ bao gồm thay thế các tên lửa Granit cũ bằng 72 tên lửa hành trình chống tàu Onik và Klub hiện đại. Ngoài ra còn có thiết bị cảm biến, hệ thống thông tin chiến đấu và dẫn đường mới.
Theo War is Boring, mặc dù tàu ngầm lớp Oscar không có công nghệ tàng hình tiên tiến hiện nay nhưng chúng vẫn là phương tiện tác chiến hiệu quả, có thể tạo ra mối đe dọa đối với các tàu nổi giá trị cao của đối phương từ khoảng cách cực xa bằng tên lửa hành trình.