Mẹ Việt ở Nhật: Tôi sẽ vẫn để con đi bộ đi học

Mẹ Masao |

Sự ra đi thương tâm của bé N.L khiến các mẹ Việt ở Nhật hoang mang, sợ hãi, thậm chí đặt ra những câu hỏi tranh luận về tính an toàn trong việc để con tự đi bộ đi học theo quy định chung của giáo dục Nhật.

Sự kiện gây sốc này cũng đặt ra thêm nhiều nỗi lo khác nữa của các bà mẹ Việt khi nuôi dậy con nơi xứ người.

Suốt một tuần trời tâm trạng cứ trùng xuống vì sự ra đi của em bé người Việt, xót xa, đau đớn nhưng cũng không thiếu những lo lắng mơ hồ, tôi đem tâm trạng nặng nề tâm sự với cô giáo của con tôi về câu chuyện này.

Cô nói đó là tai nạn thương tâm nhưng các mẹ đừng lo lắng.

Sau vụ việc của bé N.L, hiện nay nhiều trường học ở Nhật Bản đã họp với hội đồng giáo dục địa phương và phụ huynh để cùng nhấn mạnh và củng cố hơn sự phối hợp giữa nhà trường, gia đình, cảnh sát và nhiều đoàn thể khác.

Trong kỳ nghỉ xuân, các trường sẽ rà soát lại các tuyến đường trẻ đi học, xác định những khu vực nhiều nguy cơ mất an toàn, chỉnh lại tuyến đi học của từng trẻ nếu cần, tăng cường xe tuần tra cảnh sát tại các tuyến đường đó...

Tự đi bộ đi học - một mình nhưng không có nghĩa là một mình

Tôi đã từng viết bài, và cũng có nhiều báo chí viết về chủ đề tự đi học của các em bé Nhật - và nhấn mạnh việc tự đi học là để rèn luyện sự tự lập cho bé.

Tuy nhiên để trẻ trở nên tự lập không phải là mục đích duy nhất của hoạt động này.

Trẻ tự đi bộ đến trường mỗi ngày - trong phạm vi và khả năng có thể (phạm vi dưới 1km) - chỉ là một trong vô số các hình thức nằm trong khuôn khổ giáo dục theo tiêu chí của nhà trường Nhật Bản như rèn luyện sức khỏe, tạo dựng quan hệ giữa người, giao lưu cộng đồng, sinh hoạt tập thể, tạo dựng tình cảm và sự tin cậy lẫn nhau của mỗi cá nhân với xung quanh...

Tổ chức đi bộ cho trẻ tại Nhật và tại thành phố của tôi rất tốt.

Thường các bé sẽ được sắp xếp thành các nhóm theo độ tuổi trộn lẫn, trong đó các anh chị lớn tuổi nhất, có kinh nghiệm sẽ đi trước và sau cùng để đảm bảo an toàn cho các em nhỏ hơn.

Trên chặng đường đến trường có rất nhiều các vị trí tình nguyện của cộng đồng đảm bảo an toàn cho các em.

Ngoài ra, các đối tượng lạ, tình nghi đều được địa phương theo dõi và được đội ngũ những người tình nguyện quan sát, báo cáo thường xuyên để lưu tâm.

Phía Bắc của thành phố nơi tôi ở trước đây có một người thường phô dâm, nay đã không còn, khi người đó xuất hiện, cộng đồng đã có các biện pháp để bảo vệ các bé triệt để hơn.

Mẹ Việt ở Nhật: Tôi sẽ vẫn để con đi bộ đi học - Ảnh 1.

Trên chặng đường đến trường có rất nhiều các vị trí tình nguyện của cộng đồng đảm bảo an toàn cho các em.

Với nhiều nhà trường ở các vùng quá xa, hoặc những nơi thiếu vắng học sinh, vẫn có các tuyến xe bus đưa đón các em đi học.

Các trường học Nhật hoàn toàn không BẮT BUỘC bạn phải tuân theo việc để con tự đi học, phụ huynh có thể được cân nhắc đưa con đi học nếu muốn cảm thấy yên tâm và an toàn hơn.

Tất nhiên họ sẽ KHÔNG KHUYẾN KHÍCH đưa đón trẻ bằng xe hơi, mà mong muốn các bé tự vận động bằng cách đi bộ nhiều hơn.

Trong các điều kiện nhà xa, có các đường vắng, nguy hiểm trước khi tới điểm tập kết đi bộ theo nhóm, nhà trường sẽ khuyến khích cha mẹ đưa đón con ở những đoạn đường đó.

Đối với các bé dậy muộn, không thể bắt kịp với thời điểm các bạn khởi hành, ba mẹ bé sẽ được yêu cầu phải dẫn bé tới tận cổng trường, giao tận tay cho nhà trường mới được ra về.

HOÀN TOÀN KHÔNG CÓ CHUYỆN CÁC BÉ BỊ CHA MẸ HAY NHÀ TRƯỜNG ÉP BUỘC PHẢI ĐI MỘT MÌNH HAY ĐẨY VÀO CÁC HOÀN CẢNH NGUY HIỂM.

Nền giáo dục Nhật không khuyến khích việc cô lập cá thể chỉ vì các bé đi học cùng bố mẹ, nhưng đa phần trẻ em sẽ thích rủ nhau tự đi học, cùng kết bạn, đùa vui trên đường đến trường nên các bé khi có cha mẹ đi cùng sẽ cảm thấy không được thoải mái, hòa đồng với các bạn.

Chưa nói đến việc liệu có chuyện trẻ khó hòa nhập cùng nhóm bạn hay không, khi các bé tự cảm thấy mình đã trưởng thành, theo tâm lý các bé sẽ không muốn cha mẹ đi cùng mình nữa.

Nếu ta chỉ hiểu theo nghĩa trẻ được cha mẹ đưa đón bị nhà trường và bạn bè ở Nhật chế giễu, kỳ thị là có phần méo mó và không đúng bản chất vấn đề.

Bé N.L đã 9 tuổi, việc bé có thể tự đi bộ đi học mỗi ngày là việc rất bình thường - như mọi trẻ em khác trên đất nước Nhật.

Tất cả những tiếc nuối, giá như... hoặc những hiểu lầm, chỉ trích việc để con đi học một mình để xảy ra tai nạn của cha mẹ bé L đều là những suy nghĩ không đúng với cách xã hội Nhật vận hành.

Mẹ Việt ở Nhật: Tôi sẽ vẫn để con đi bộ đi học - Ảnh 2.

Đa phần trẻ em sẽ thích rủ nhau tự đi học, cùng kết bạn, đùa vui trên đường đến trường.

Tôn trọng sự khác biệt - thật không công bằng khi nghĩ xã hội Nhật đen tối

Dĩ nhiên nền giáo dục Nhật không vì thế mà hoàn toàn hoàn mỹ trong mắt tôi, nó vẫn có nhiều mặt hạn chế so với Âu Mỹ bởi những đặc thù trong văn hóa, và cũng không phải là không có những mặt trái, nhưng nếu không có những thái cực cực đoan thì có lẽ người Nhật khó duy trì được trật tự xã hội như ngày hôm nay.

Sống và nuôi dạy con cái trên đất Nhật có muôn vàn gian khó, chúng tôi vừa phải tự mình hòa nhập vào xã hội, vừa phải giúp con trưởng thành và hòa nhập hoàn toàn để con có nền tảng vững vàng lập thân.

Tất cả những điều đó đòi hỏi chúng tôi phải tìm hiểu và quan trọng là TÔN TRỌNG, CHẤP NHẬN NỀN VĂN HÓA SỞ TẠI.

Ngoài ra, những mặt trái của xã hội Nhật được đẩy lên thông qua các thông tin có phần giật gân của báo chí dễ khiến người ta cảm nhận đây là xã hội kì dị, biến thái, thiếu an toàn.

Một án mạng của một bé gái không thể cho chúng ta biết hết những vấn đề của một đất nước hay cộng đồng, chỉ vì một tỉ lệ nhỏ của một số sự kiện mà qui kết nên xã hội đen tối, nền giáo dục đầy bất cập, méo mó, học đường cứng nhắc, đào tạo toàn những con người không có khả năng tư duy độc lập... là cách suy nghĩ thiếu công bằng cho nước Nhật.

Mẹ Việt ở Nhật: Tôi sẽ vẫn để con đi bộ đi học - Ảnh 3.

Các bé hay đi theo nhóm và trộn lẫn độ tuổi.

Đối với người nước ngoài nuôi dậy con cái tại Nhật, bỏ qua các khía cạnh khó khăn và rào cản là ngôn ngữ, khi đã có thể hòa nhập, chúng tôi cũng có thể vui vẻ, hạnh phúc với cuộc sống, có thể chủ động trong việc đưa ra các giải pháp học đường tối ưu cho con mình.

Chúng tôi tin tưởng cộng đồng người Việt tại Nhật khi ngày một lớn mạnh trưởng thành, kết nối với nhau nhiều hơn, chúng tôi cũng sẽ có thể giúp đỡ nhau và hỗ trợ con em mình học tập không thua kém người bản địa, và những lo lắng khi nuôi dạy con xứ người có thể được tháo gỡ theo thời gian.

Chỉ vì một sự việc này, xã hội Nhật sẽ không thay đổi cách vận hành của nó, cha mẹ cũng sẽ không đi theo đưa đón con mà sẽ thắt chặt an ninh tối ưu hóa an toàn và họ có lý của họ. Mọi chấn động sẽ là nhất thời, xã hội sẽ trở lại như vòng quay vốn có.

Và bản thân tôi, với tư cách là một người mẹ, sẽ vẫn để con tự đi bộ đi học hàng ngày - đồng thời sẽ tích cực hơn khi tham gia vào các hoạt động tình nguyện của khu phố để đảm bảo an toàn trên đường đến trường cho các bé.

Tôi hiểu rằng, khi mình bảo vệ các em nhỏ khác, cũng chính là tôi đang bảo vệ chính đứa con của mình.

Từng có 7 năm sinh sống cùng gia đình tại Nhật nên mẹ Masao có cơ hội được trải nghiệm rất nhiều về văn hóa, xã hội trên đất nước mặt trời mọc.

Và từ khi bé Masao đi học, mẹ Masao còn có thêm cơ hội trải nghiệm "công việc" của một người mẹ có con đi học mẫu giáo ở Nhật.

Những cảm nhận và chia sẻ chân thực của mẹ Masao một lần nữa khiến chúng ta "ngả mũ" trước cách người Nhật giáo dục trẻ em. Độc giả có thể đọc thêm những bài viết thú vị của mẹ Masao tại đây.

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại