Dạy con không hư: 3 bí quyết tưởng dễ mà khó, mẹ Việt nên áp dụng ngay

Thu Trang |

Không cần quát tháo, không cần roi vọt, sự kiên định và bình tĩnh mới là thứ cần thiết nhất mà bố mẹ cần có trong quá trình nuôi dạy con.

Đa số gia đình trẻ hiện nay, do chuyện "cái ăn cái mặc" không còn là nỗi lo thường trực, lại phải đối mặt với tình trạng con cái thường hay đòi hỏi được bố mẹ phải mua đồ chơi, quà bánh. 

Dễ gặp nhất là ở các trung tâm thương mại, siêu thị, khi trẻ đòi mua một món đồ chơi hoặc chỉ đơn giản là cái kẹo, gói bim bim... phụ huynh sau một hồi từ chối đành phải đồng ý cho con mua một món nào đó thay vì nhìn con khóc giãy nảy giữa chỗ đông đúc, nhiều người nhìn vào. 

Chính ý nghĩ đó đã vô tình làm trẻ nghĩ rằng con có quyền đòi hỏi. Đòi được 1 lần rồi sẽ có lần 2, trẻ sẽ tiếp tục quen với những yêu sách và mong muốn cá nhân mà không phân biệt được đúng sai vì chúng biết sẽ có được thứ mình muốn bằng cách... ăn vạ giữa đám đông.

Tuy nhiên, vấn đề không nằm ở đứa trẻ mà lại chính ở các bậc phụ huynh. Không có những đứa trẻ hư mà chỉ có những ông bố bà mẹ không biết giáo dục con đúng cách mà thôi! 

Vậy để dạy con ngoan, chúng ta phải làm gì?

Không cần phải quát mắng hay roi vọt, dưới đây chính là 3 bí mật giúp bố mẹ nuôi dạy nên những đứa con "biết điều":

1. Luôn nhất quán

Khi nói không với con nghĩa là cha mẹ đang đưa ra cho con thông điệp về một việc làm sai hoặc nguy hiểm, không nên thực hiện. Thế nhưng, sau những màn mặc cả, ăn vạ của con ta lại dễ dàng đồng ý với những đòi hỏi đó.

Vô hình chung, bố mẹ đang khiến con cảm thấy mâu thuẫn, khiến con không phân biệt được đúng sai, việc gì nên làm và không nên làm. Lâu dần, trẻ sẽ hình thành thói quen cực kỳ nguy hiểm là đòi hỏi bất kỳ điều gì chúng muốn.

Bởi vậy, học cách nói KHÔNG với con là một nghệ thuật. Hãy cùng xem ví dụ sau để hiểu rõ kỹ năng này quan trọng như thế nào:

Tình huống xảy ra khi bố mẹ cùng con đi qua dãy hàng bán đồ chơi trong siêu thị trước khi thực hiện kỹ thuật nhất quán:

Dạy con không hư: 3 bí quyết tưởng dễ mà khó, mẹ Việt nên áp dụng ngay - Ảnh 1.

Con: Con muốn mua búp bê! (gào to)

Bố mẹ: Không, chúng ta đi thôi.

Con: Con muốn mua búp bê cơ (khóc)

Bố mẹ: Thôi nào, ở nhà còn có cả đống búp bê còn gì. Con để lại giá đi. (Bố mẹ rất bực bội)

Con: Nhưng con muốn mua con búp bê này cơ! (Giậm chân rồi lăn ra sàn khóc lóc)

Bố mẹ: Được rồi, lấy một con đi. (rất khó chịu khi có nhiều người nhìn vào)

Thế nhưng, khi áp dụng kỹ thuật nói KHÔNG một cách bình tĩnh và kiên quyết, kết quả lại hoàn toàn khác:

Con: Con muốn mua búp bê!

Bố mẹ: Hôm nay mẹ sẽ không mua búp bê vì ở nhà con đã có rất nhiều. (giọng bình tĩnh)

Con: Nhưng con muốn mua con búp bê này!

Bố mẹ: Hôm nay không mua búp bê. (vẫn điềm tĩnh)

Con: Con muốn mua búp bê cơ! (Lăn ra ăn vạ)

Bố mẹ: Hôm nay không mua búp bê. (vẫn điềm tĩnh và thản nhiên di chuyển ra khu vực khác để mặc con ăn vạ)

Cuối cùng, trẻ nhận ra ăn vạ không có tác dụng nên đành phải từ bỏ. Dần dần, trẻ sẽ hiểu được rằng bố mẹ nói không thì có đòi hỏi thêm cũng chẳng có ích gì.

Điểm mấu chốt ở đây là bố mẹ đã chứng minh cho con thấy thái độ dứt khoát trước những hành vi không đúng. Lời nói của bố mẹ chỉ có uy quyền khi nó đi đôi với hành động.

2. Luôn làm gương cho con

Dạy con không hư: 3 bí quyết tưởng dễ mà khó, mẹ Việt nên áp dụng ngay - Ảnh 2.

Bố mẹ hãy luôn là tấm gương tốt để con

Trước khi áp dụng kỷ luật với con, hãy kỷ luật với chính bản thân mình. Hãy cùng nhìn lại câu chuyện đi siêu thị ví dụ ở trên.

Khi con quấy khóc mè nheo mà chính bố mẹ cũng khó chịu, bực bội và quát mắng con giữa chỗ đông người thì sẽ thế nào? Đúng vậy, chính bố mẹ đã làm gương xấu để con noi theo khi không kiểm chế được cảm xúc của mình.

Thay vì bực tức và nổi đóa lên trước cơn ăn vạ của con, bố mẹ hãy cố gắng giữ bình tĩnh, nói chuyện với con bằng giọng mềm mỏng, nhẹ nhàng nhưng cương quyết để con biết rằng đòi hỏi của con không đúng.

Trong trường hợp bố mẹ cảm thấy khó kiềm chế được bản thân, hãy tránh đi một nơi khác để ổn định lại tâm trạng rồi hãy quay lại nói chuyện tiếp với trẻ. Tuy nhiên, bố mẹ vẫn luôn phải đảm bảo an toàn cho con.

3. Luôn tìm ra điểm tốt của con để khen ngợi thay vì phê phán

Dạy con không hư: 3 bí quyết tưởng dễ mà khó, mẹ Việt nên áp dụng ngay - Ảnh 3.

Trong lúc con đang khóc lóc ăn vạ thì quát nạt hay trách mắng con hư hỏng chỉ làm cho tình hình xấu hơn mà thôi. Tại sao bố mẹ lại không thử dùng biện pháp KHEN NGỢI để đánh lạc hướng trẻ nhỉ?

Ví dụ: Đi qua hàng đồ chơi, bé rất muốn mua một bộ đồ chơi xếp hình mới nên bắt đầu mè nheo, năn nỉ mẹ mua bằng được. Lúc này, nếu mẹ nổi cáu quát mắng con thì cả siêu thị chắc sẽ quay lại nhìn vì thấy con lăn ra khóc nhưng nếu mẹ thử cách này thì mọi chuyện có thể sẽ khác:

- Con: Mẹ mua cho con bộ xếp hình mới đi. Bộ kia của con bị mất vài miếng ghép rồi. Chẳng đủ để xếp ngôi nhà.

- Mẹ: Nếu không đủ xếp ngôi nhà thì con thể thử xếp hình khác đi. Con gái mẹ cực thông minh nhé!

Hoặc nếu trẻ đòi ăn kẹo trước khi đi ngủ mặc dù đã đánh răng rồi:

- Con: Mẹ ơi, con muốn ăn kẹo cơ.

- Mẹ: Không nên đâu con. Con trai mẹ có hàm răng đẹp thế này cơ mà. Đã thế lại còn ngoan có giống mấy bạn suốt ngày đòi ăn kẹo để sún hết răng đâu, nhỉ?

Chắc chắn với chiêu "mật ngọt chết ruồi" này, các bé sẽ ngoan ngoãn nghe lời mà bố mẹ chẳng phải tốn công quát nạt hay sử dụng đòn roi nữa đâu nhé!

Đường dây nóng: 0943 113 999

Soha
Báo lỗi cho Soha

*Vui lòng nhập đủ thông tin email hoặc số điện thoại